MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu niêm yết mới 2015: Thiếu vắng “bom tấn”, nhóm phân đạm lũ lượt lên sàn

Dù số lượng niêm yết mới không phải là nhỏ nhưng những tên tuổi lớn, có tầm ảnh hưởng tới thị trường như GAS, BID đã không xuất hiện trong năm nay.

Thống kê từ đầu năm tới nay đã có tổng cộng 43 doanh nghiệp tiến hành niêm yết mới trên HSX và HNX (không tính các trường hợp chuyển sàn). Trong đó, HSX đón nhận 15 “tân binh” và phần còn lại thuộc về HNX.

Các doanh nghiệp mới niêm yết hoạt động trên khá nhiều ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, tài chính, nông nghiệp, hóa chất, y tế…..

Tuy vậy, nhóm doanh nghiệp hóa chất dường như nổi trội hơn cả với 11 doanh nghiệp tiến hành niêm yết, chiếm 26% tổng số lượng niêm yết mới trong năm 2015. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phân đạm như Đạm Cà Mau (DCM), Phân bón Bình Điền (BFC), Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF) hay các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) như PSE, CSV, PSW, PCE, PMB.

Thiếu vắng “bom tấn”

Dù số lượng niêm yết mới không phải là nhỏ nhưng những tên tuổi lớn, có tầm ảnh hưởng tới thị trường như GAS, BID đã không xuất hiện trong năm nay.

Các doanh nghiệp lớn nhất niêm yết trong năm 2015 có thể kể tới như HAGL Agrico (HNG) với vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng; Đạm Cà Mau (DCM) vốn 5.300 tỷ đồng hay Cảng Hải Phòng (PHP) với gần 3.300 tỷ đồng.

Mặc dù đều là những doanh nghiệp lớn, tuy nhiên những “bom tấn” này vẫn chưa thể hiện được nhiều kể từ thời điểm niêm yết và giao dịch tương đối trầm lắng.

Tiêu biểu có thể kể tới HNG, “bom tấn” niêm yết trong năm 2015. Được kỳ vọng khá nhiều khi lên sàn bởi HNG nắm giữ mảng nông nghiệp, vốn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của HAGL nhưng dường như nhà đầu tư vẫn chưa thực sự mặn mà với cổ phiếu này. Có lẽ việc HAGL và các cổ đông liên quan đang nắm giữ tới 86% cổ phần là yếu tố khiến HNG chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức cũng như nhà đầu tư.

Bom tấn HNG không gây nhiều ấn tượng sau khi niêm yết
"Bom tấn" HNG không gây nhiều ấn tượng sau khi niêm yết

Tương tự là trường hợp PHP- cổ phiếu cảng biển lớn nhất trên 2 sàn cũng giao dịch không thực sự sôi động khi thanh khoản bình quân 10 phiên gần nhất chỉ đạt 11 nghìn đơn vị. Hiện Vinalines là cổ đông lớn nhất tại PHP với tỷ lệ sở hữu lên tới 95%.

Còn với DCM, ngoài yếu tố PVN nắm giữ 75% vốn thì dường như nhóm cổ phiếu ngành phân đạm cũng không phải “gu” của nhà đầu tư và điều này khiến DCM không tạo ra nhiều dấu ấn rõ nét.

Lên sàn tăng vốn

Việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu chính là ưu điểm mà TTCK mang lại. Trong các doanh nghiệp mới niêm yết trong năm 2015, có 2 doanh nghiệp tiến hành tăng vốn thành công bằng cách chào bán ưu đãi cho cổ đông.

Đó là trường hợp Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) khi đã 2 lần phát hành ưu đãi cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn từ 35 tỷ đồng lên 143 tỷ đồng.

Cùng với đó là trường hợp CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP khi đã tiến hành tăng vốn từ 125 tỷ đồng lên 175 tỷ đồng qua đợt chào bán ưu đãi với tỷ lệ 5:2 cho cổ đông hiện hữu.

Ngoài TTB và NHP đã tiến hành tăng vốn thành công, còn một trường hợp khá đáng chú ý là LDG khi công ty có ý định tăng vốn chỉ thời gian ngắn sau khi lên sàn. Ngay sau thông tin này, thị trường đã phản ứng khá tiêu cực vì lo ngại khả năng thực hiện dự án của công ty. Kết quả, LDG đã có 3 phiên liên tiếp giảm sàn.

Lên đỉnh- xuống dốc

Kể từ thời điểm niêm yết vào tháng 1/2015, NoiBai Cargo (NCT) đã có sự bứt phá khá mạnh và hiện đang giao dịch trên ngưỡng 150.000đ, gấp 2,5 lần so với mức giá khởi điểm. Trên cả 2 sàn niêm yết, thị giá NCT hiện chỉ xếp sau WCS của Bến xe Miền Tây.

NCT trở thành một trong những cổ phiếu thị giá lớn nhất 2 sàn
NCT trở thành một trong những cổ phiếu thị giá lớn nhất 2 sàn

Hay như CDO cũng có sự tăng trưởng khá mạnh so với thời điểm niêm yết. Kết thúc phiên giao dịch 24/12, thị giá CDO đạt 26.100đ, tương ứng tăng 73% chỉ sau 9 tháng.

Ở chiều ngược lại, không ít cổ phiếu rớt giá mạnh ngay sau khi lên sàn và gây thiệt hại không nhỏ cho cổ đông công ty. Có thể kể tới như trường hợp Khoáng sản Á Cường (ACM) khi mất 57% so với mức giá khởi điểm và hiện chỉ giao dịch quanh vùng giá 4.500đ.

Một trường hợp khác khá đáng chú ý là KVC khi chỉ còn giao dịch quanh ngưỡng 9.000đ, tương ứng giảm 44% so với giá khởi điểm (16.000đ). Trước đó, KVC từng có giai đoạn tăng sốc lên gần 40.000đ khi mới niêm yết.

KVC biến động khá mạnh kể từ khi niêm yết
KVC biến động khá mạnh kể từ khi niêm yết

 

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên