MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu vận tải biển: Có thực sự được hưởng lợi từ BDI tăng?

Báo cáo mới nhất của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, mặc dù BDI tăng, mức hấp dẫn của các cổ phiếu vận tải biển năm 2009 vẫn chỉ ở mức trung bình.

Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp vận tải, đặc biệt khi chỉ số vận tải hàng hoá khô Baltic Dry Index đã tăng từ mức 600 điểm vào tháng 12/2008 lên trên 3.000 điểm vào ngày 26/05/2009 đã khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào mua cổ phiếu ngành này.


Tính đến ngày 30/05/2009, BDI đã tăng lên trên 3.400 điểm - (đường màu vàng: diễn biến giá vàng) - Nguồn: Investmenttool)

Tuy nhiên Nhóm phân tích ngành Vận tải CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI đã cho rằng, nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá nhiều vào nhóm cổ phiếu ngành vận tải trong năm 2009.

Báo cáo đề cập tới 9 công ty vận tải là VNA, VSP, [VST] (ngành vận tải hàng rời), PVT, VIP, VTO (ngành vận tải hàng lỏng), GMD, VSC, DXP (ngành khai thác cảng biển).

Ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế

Ai cũng biết ảnh hưởng mạnh nhất tới các công ty vận tải khi nền kinh tế giảm sút là nhu cầu giảm khiến cước vận tải “rơi tự do”.

Cuối năm 2008, đầu năm 2009, VSP đã phải đưa 2 trong số 3 tàu vận chuyển trên tuyến quốc tế đi bảo dưỡng sớm vì nếu chạy thì cước không đủ chi phí, VNA có tập trung vào phục vụ nhu cầu trong nước nhiều hơn nên bị ảnh hưởng ít hơn VSP song tình hình cũng mới chỉ phục hồi nhẹ vào đầu năm 2009.


VSP đã tăng gần 180% so với thời điểm cách đây 3 tháng
(VN-Index tăng 78%, Hastc-Index tăng 81% - Nguồn: VNDS)

Các công ty vận tải xăng dầu như VIP, VTO bị ảnh hưởng ít hơn do nhu cầu tương đối ổn định của Petrolimex. Chịu ảnh hưởng ít nhất là các công ty vận hành cảng do lượng ra cảng khá đều đặn song doanh thu tại các cảng vẫn giảm ít nhất 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, các công ty vận tải biển còn bị ảnh hưởng bởi việc mua tàu giá đắt năm 2008. Theo báo cáo của SSI, có 4 lí do các công ty vận tải biển phải đau đầu khi mua tàu năm 2008.

Thứ nhất, các công ty đã mua tàu trong năm 2008 không những bị ảnh hưởng bởi chênh lệch tỷ giá do các khoản vay USD tại thời điểm mua vào và thời điểm cuối năm đã tăng lên rất nhiều mà còn phải chịu lãi suất USD rất cao trong năm 2008 do thị trường tín dụng bị thắt chặt lúc bấy giờ.

Thứ hai, ngoại trừ PVT có nguồn cầu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, các công ty khác như VST, VSP, VTO khi đi mua tàu đều tính sai nguồn cung - cầu, nên dẫn đến việc thừa cung trong khi các chi phí khác vẫn phải trả.


VIP tăng 120%, VST giảm 21%, VNA tăng 60%, VTO tăng 82% (nguồn: VNDS)

Thứ ba, tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2008, ngành vận tải đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng (BDI lúc đó lên trên 12.000 điểm), các tàu dù cũ cũng được bán với giá rất cao, nhưng hiện tại, giá tàu rớt nhanh chóng, một hợp đồng mua bán tàu trên thế giới tương tự như tàu của VSP mua cách đó 6 tháng giá chỉ bằng 30 – 50%.

Theo SSI, luật kế toán Việt Nam chưa đòi hỏi phải định giá lại tài sản, nếu không các công ty mua tàu (VSP, VST, VTO, PVT) sẽ phải “trừ” đi một khoản rất lớn trong giá trị sổ sách của mình.

Hưởng lợi gì khi khủng hoảng đi qua?

Giá cước vận tải đã tăng trở lại, BDI đã vượt 3.000 điểm với 19 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, VSP có tàu chạy trên tuyến quốc tế nhưng hai tàu đã đem bảo trì nên không hưởng lợi đáng kể từ việc BDI tăng mạnh.

Các công ty vận chuyển nội địa hưởng lợi ít hơn vì giá nội địa ít biến động hơn giá cước vận tải quốc tế (giá cước vận tải trong nước bắt đầu tăng 10% vào đầu tháng 5).

Như vậy, nhìn chung mức tăng cước rất nhẹ và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2008.


 DXP tăng 80%, GMD tăng 140% so với thời điểm cách đây 3 tháng - Nguồn: VDNS

Kinh tế phục hồi song sự vội vã mua tàu ở giá “đỉnh” cũng sẽ đem lại hậu quả kéo dài cho các công ty vận tải biển. Năm 2009, VND vẫn tiếp tục trượt giá so với USD nên các khoản nợ sẽ tiếp tục mang lại các khoản lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá.

VTO mua thêm tàu trong khi thị phần vận tải xăng dầu của VTO sẽ bị thu hẹp do sự xuất hiện của nhà máy lọc dầu Dung Quất và PVTrans.

Theo SSI, giá trị sổ sách của các doanh nghiệp vận tải trên thực tế đang nhỏ lại do tài sản cố định mất giá, nếu hiện nay P/B (giá/giá trị sổ sách) của các công ty này thấp thực chất là do luật kế toán Việt nam chưa yêu cầu định giá lại tài sản cố định thường xuyên.

Như vậy, theo SSI, ngành vận tải sẽ hồi phục khi kinh tế hồi phục tuy nhiên ở mức độ rất nhẹ và sẽ có những vấn đề đeo bám công ty trong một thời gian dài như nợ, lãi suất, mua tàu giá cao trong khi khai thác kém…

Một số tiêu chí SSI đánh giá các cổ phiếu được coi là Đắt:

Mức tăng giá của cổ phiếu đã cao hơn mức tăng của VN-Index: GMD, DXP, VIP, VSP

P/E của 4 quý gần nhất cao hơn P/E trung bình của thị trường: GMD, PVT, VTP

Các công ty đã mua thêm tàu năm 2008: VSP, PVT, VTO

Chỉ số Nợ/Vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần: PVT, VTO, VST

Phương Mai

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên