MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ tức - Kẻ ức, người sướng

Trong khi nhiều NĐT được hưởng lợi từ chính sách chi trả cổ tức hợp lý của doanh nghiệp, có không ít cổ đông đang mòn mỏi chờ doanh nghiệp thanh toán cổ tức của... 4 năm trước.

Ngàn tỷ chi cổ tức

HOSE vừa công bố thông tin về việc chốt quyền nhận cổ tức và CP thưởng của cổ đông CTCP Sữa Việt Nam (VNM). Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1 năm 2014 tỷ lệ 20% và CP thưởng (tăng vốn từ vốn điều lệ) cũng với tỷ lệ 20% vào 15-8. Với tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền lên đến 20% doanh nghiệp này phải bỏ ra 1.660 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông.

Riêng SCIC, cổ đông lớn của VNM, số tiền doanh nghiệp này nhận được từ đợt cổ tức của VNM lên đến 751 tỷ đồng. Trước đó, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng đã công bố chốt quyền chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 21,49%, số tiền doanh nghiệp dự kiến phải bỏ ra để thanh toán cổ tức cho cổ đông lên gần 2.000 tỷ đồng. Được biết, ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt của VIC là 6-8, ngày thực hiện chi trả 20-8.

Doanh nghiệp càng trả cổ tức cao giá CP trên thị trường cũng tăng theo, trong khi đó những doanh nghiệp không trả cổ tức hoặc chây ì cổ tức có giá rất thấp. Chẳng hạn, VNM đang được giao dịch ở mức giá 136.000 đồng/CP, TCT 120.000 đồng/CP, VIC 75.500 đồng/CP,  NNC 65.000 đồng/CP. Ngược lại, PFL hiện đang giao dịch ở mức 3.100 đồng/CP, còn SMA 5.100 đồng/CP.

Một đại gia khác cũng bất ngờ chi hàng ngàn tỷ đồng để thanh toán cổ tức là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID). Tại ĐHCĐ 2014 được tổ chức ngày 25-4, BID đã thống nhất chia cổ tức năm 2013 tỷ lệ 8,5%, trong đó chi tiền mặt chỉ có có 2,1%, còn lại là CP.

Tuy nhiên, trong thông báo mới đây, HĐQT của BID công bố sẽ chi trả toàn bộ cổ tức 8,5% bằng tiền mặt. Dù tỷ lệ thanh toán chỉ ở mức trung bình của thị trường, nhưng tổng số tiền BID dự kiến chi ra là con số cực khủng 2.389 tỷ đồng. Trước đó, HĐQT của CTCP Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng công bố quyết định chi trả cổ tức năm 2013 cho cổ đông với tỷ lệ 15%, tương đương 1.020 tỷ đồng. Như vậy, BVH đã dùng tới 92,43% lợi nhuận sau thuế năm 2013 để chia cho các cổ đông.

Không phải bỏ hàng ngàn tỷ đồng để chi trả cổ tức như các đại gia, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khiến cho cổ đông hào hứng khi công bố tỷ lệ chi trả cổ tức cao chót vót. Điển hình là CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng (SDI), thanh toán cổ tức 2 năm 2012 và 2013 với tỷ lệ lên đến 118,75%. Tương tự, CTCP Thủy điện Nà Lợi (NLC) sẽ thanh toán cổ tức năm 2012 và 2013 với tỷ lệ lên đến 72%.

Hay như trường hợp của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), HĐQT của tập đoàn này vừa công bố triệu tập ĐHCĐ bất thường để lên kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt 6 tháng đầu năm 2014 lên đến 50% (tương đương với tỷ suất cổ tức khoảng 10,6%).

Các doanh nghiệp chi trả cổ tức cao được ghi nhận trong thời gian gần đây còn có CTCP Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) thanh toán cổ tức đợt 2-2013 với tỷ lệ 42,5%, CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Hải Dương (KHD) trả cổ tức đợt 2-2013 với tỷ lệ 40%, CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) thanh toán cổ tức năm 2013 với tỷ lệ 37%, CTCP Đá Núi Nhỏ (NNC) tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1-2014 với tỷ lệ 30%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong danh sách này hiện đang niêm yết trên sàn UPCoM và thị trường OTC.

Mỏi mòn chờ cổ tức

Trái ngược với sự hồ hởi của những cổ đông được nhận cổ tức là hình ảnh buồn của những NĐT có cổ phần tại các doanh nghiệp chây ì, thậm chí không trả cổ tức cho NĐT suốt nhiều năm liền. Thời gian gần đây, ĐTTC liên tục nhận được đơn thư bày tỏ sự thất vọng về chính sách chi trả cổ tức của các doanh nghiệp. Đơn cử là thư của NĐT H. phản ánh về CTCP Du lịch và Thương mại Tây Ninh (Tanitour) thường xuyên chậm công bố thông tin và đặc biệt là tỷ lệ chi trả cổ tức rất thấp.

Theo NĐT H., dù có nhiều lợi thế trong kinh doanh nhưng kể từ năm 2007 đến nay, Tanitour chi trả cổ tức rất thấp. Điều đáng nói là công ty con của Tanitour là CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) lại làm ăn có hiệu quả và chi trả cổ tức rất cao, trung bình đạt 50%/năm.

Dù không hài lòng với chính sách của doanh nghiệp, nhưng có lẽ NĐT H. vẫn còn may mắn hơn nhiều cổ đông không biết thế nào là cổ tức do doanh nghiệp đang nắm cổ phần làm ăn không hiệu quả. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã công bố chi trả cổ tức từ năm 2010 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thanh toán khiến cổ đông mòn mỏi đợi chờ.

Đơn cử là trường hợp CTCP Dầu khí Đông Đô (PFL), 5 lần trì hoãn cổ tức đợt 2 năm 2010 với lý do việc thu hồi vốn, công nợ và việc thoái vốn tại các dự án, các khoản góp vốn chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra nên công ty chưa cân đối đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Hay như trường hợp CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) tiếp tục hứa cổ tức năm 2011 (tỷ lệ 12%) đến cuối năm 2014 sau 9 lần trì hoãn do không thu xếp được nguồn thu.

Chứng khoán chờ hàng nghìn tỷ đồng cổ tức của các “đại gia”

Theo KIM GIANG

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên