MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán giành thị phần

Năm 2010, không chỉ lo giành thị phần, các công ty chứng khoán còn phải lo tiềm lực tài chính vững để thu hút nhà đầu tư

Năm 2009 dù thị trường chứng khoán có bước thăng trầm, song lại là năm được mùa của các công ty chứng khoán (CTCK) khi hầu hết các công ty đều đạt lợi nhuận cao. Năm 2010, dự báo cuộc cạnh tranh giành thị phần giữa các CTCK sẽ quyết liệt hơn.

Lo thị phần

Thị trường chứng khoán gần đây xôn xao việc một số CTCK đã nhảy bật trong việc giành thị phần mà chủ yếu là từ việc cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tín dụng. Để cạnh tranh giành khách VIP, một số CTCK còn chấp nhận cho nhà đầu tư mua bán T+1, T+2. Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên tiếng, hiện tượng này đã lắng xuống. Nhưng sự cạnh tranh âm ỉ giữa các công ty hiện nay vẫn chưa lắng.

Vì vậy, “cuộc chiến” giành thị phần sẽ còn tiếp diễn trong năm 2010. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Tổng Giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI), lại cho rằng thị phần môi giới là quan trọng, SSI sẵn sàng có đủ lực để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Song SSI không chủ trương khuyến khích nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy. Bởi theo ông Nam, những nhà đầu tư dùng đòn bẩy để lướt sóng thường không thu lợi nhuận tốt mà chính những nhà đầu tư dùng tiền “thật” và đầu tư dài hạn mới có tỉ suất sinh lời cao, an toàn.

Đối với các CTCK nhỏ, thị phần ít thì việc thu hút nhà đầu tư càng lắm công phu. Ngoài việc tập trung vốn cho nhà đầu tư dùng đòn bẩy nhiều, cho vay cho ứng trước tiền bán chứng khoán với lãi suất cực thấp hoặc giảm phí giao dịch thì cách thức đơn giản nhất mà các CTCK thường áp dụng là dùng mạng lưới chân rết, sử dụng nhân viên, cộng tác viên để kéo khách hàng bằng cách trích hoa hồng phí giao dịch cho bộ phận này. Hoặc đơn giản là “ép” doanh số đối với nhân viên thử việc.

Nhiều việc phải lo

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng Giám đốc CTCK Rồng Việt, cho biết nếu như những kế hoạch của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đặt ra được thực hiện trong năm nay như cho giao dịch ký quỹ, cho nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội giao dịch trực tuyến... thì gần 100 CTCK đang hoạt động sẽ có nhiều việc hơn năm 2009. Điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội để họ vượt lên trong năm 2010.

Ông Tuấn khẳng định: “Trong cuộc cạnh tranh này, chắc chắn ưu thế sẽ thuộc về những công ty có tiềm lực tài chính mạnh. Chính vì vậy mà CTCK nào có vốn lớn, có ngân hàng hậu thuẫn sẽ tăng khả năng cạnh tranh”. Ông cũng cho rằng hầu hết các công ty đều có cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy, song tùy theo “khẩu vị” chịu áp lực rủi ro của nhà đầu tư mà Rồng Việt tư vấn cho nhà đầu tư hình thức tốt nhất.

Giám đốc CTCK SJC Huỳnh Anh Tuấn cho biết năm nay, công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 53 tỉ đồng lên 150 tỉ đồng, đồng thời mở thêm nghiệp vụ và đẩy mạnh các dịch vụ để phục vụ nhà đầu tư.

Hiện nay, một số CTCK đã tăng được thị phần nhờ vào những phần mềm giao dịch trực tuyến chuyên nghiệp. Đây được xem là “bửu bối” để các công ty thu hút nhà đầu tư. CTCK SME là một dẫn chứng điển hình khi vượt lên top 15 CTCK có thị phần lớn nhất như hiện nay phần lớn nhờ vào phần mềm S-Pro. Ngay trong quý I này, công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên 300 tỉ đồng để tăng năng lực.

Năm thành công của CTCK

Năm 2009, thị trường chứng khoán có nhiều biến động lớn.VN-Index có lúc xuống đáy 230 điểm nhưng giá trị giao dịch tăng mạnh nhất từ trước đến nay, có khi lên 5.000 tỉ -6.000 tỉ đồng/phiên. Những diễn biến này đã tạo thuận lợi cho các CTCK.

Nếu như năm 2008, chỉ duy nhất SSI có lãi thì năm nay, hầu hết các CTCK đều đạt lợi nhuận khá. Chưa có thống kê chính thức nhưng dự báo SSI có thể đạt trên dưới 900 tỉ đồng lợi nhuận, vượt hơn gấp đôi kế hoạch công ty này đề ra.

SME dù mới gia nhập thị trường hơn 2 năm nhưng lợi nhuận của năm 2009 cũng đạt 30 tỉ đồng, tăng 200% so kế hoạch đã điều chỉnh. Các đại gia khác như HMC, SBS... cũng đạt được con số lợi nhuận ấn tượng.

Theo Sơn Nhung
NLĐ

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên