MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK: Cuối năm “ghế nóng” rung lắc mạnh

Thống kê trong 3 tháng qua có 41 vị trí lãnh đạo từ cấp kế toán trưởng, Giám đốc Chi nhánh đến Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT tại các CTCK có sự thay đổi.

Năm 2013 mặc dù Vn-Index tăng khoảng 21% so với đầu năm nhưng khi hỏi về tình hình hoạt động của nhiều công ty chứng khoán, đa phần các lãnh đạo đều lắc đầu ngao ngán.

63% thị phần giao dịch trên sàn HoSE tập trung vào tay 10 CTCK hàng đầu, con số này trên sàn Hà Nội là 54%, tức là khoảng 90 CTCK còn lại tranh giành miếng bánh rất nhỏ (37% trên sàn HoSE và 46% trên sàn Hà Nội).

Trong số những CTCK lãi lớn và vượt chỉ tiêu năm chỉ trong 9 tháng như VNDirect (lãi sau thuế gần 118 tỷ), BVSC (lãi sau thuế 78,6 tỷ), KLS (gần 98 tỷ), HSC (180 tỷ), ACBS (186 tỷ), SSI (252 tỷ), VPBS lãi 68tỷ…lợi nhuận chủ yếu đến từ việc hoàn nhập trích lập dự phòng trong khi tổng doanh thu đa phần đều xấp xỉ hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Công ty TechcomSC lãi gần 100 tỷ trong 9 tháng nhờ tư vấn trái phiếu.

Trước bối cảnh sức cạnh tranh ngày càng quyết liệt như vậy, trong 3 tháng qua nhiều lãnh đạo CTCK đã “ra đi” vì không hoàn thành kế hoạch hoặc do có sự thay đổi lớn trong đường hướng chính sách của công ty.

Thống kê trong 3 tháng qua có 41 vị trí lãnh đạo từ cấp kế toán trưởng, Giám đốc Chi nhánh đến Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT tại các CTCK có sự thay đổi, trong đó có 6 công ty thay Tổng giám đốc, 4 công ty thay Chủ tịch HĐQT, 6 công ty thay kế toán trưởng và giám đốc tài chính, 4 công ty thay Phó Tổng giám đốc và 8 công ty thay Giám đốc Chi nhánh (danh sách ở dưới).

Đáng chú ý CTCK Maybank KimEng khi chuyển mô hình hoạt động từ CTCP sang công ty TNHH 100% vốn nước ngoài đã thay Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT đều là người Việt Nam, ông Lê Minh Tâm từ nhiệm Tổng giám đốc lên làm Chủ tịch HĐQT, và ông Nguyễn Hoàng Thiên Trúc làm Tổng giám đốc của Maybank KimEng.

Công ty chứng khoán Kỹ thương khi thành lập hội đồng thành viên, ông Nguyễn Xuân Minh thay ông Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch, ông Nguyễn Trung Kiên làm Tổng giám đốc.

Các vị trí thay đổi còn lại đa phần diễn ra tại các công ty chứng khoán nhỏ, hoặc ở cấp giám đốc Chi nhánh.

Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, nhìn lại các công ty có tên tuổi trên thị trường đều có dấu ấn lãnh đạo của những thuyền thưởng chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió. Trên thị trường chứng khoán khi nhắc đến Vinamilk nhà đầu tư sẽ nhớ ngay đến bà Mai Kiều Liên, nhắc đến REE nhớ đến bà Nguyễn Thị Mai Thanh, hay như ông Trương Gia Bình (FPT), Nguyễn Duy Hưng (SSI)…họ đều là những người gắn bó hàng chục năm với doanh nghiệp.

Tình cảnh tại các CTCK ở thời điểm hiện tại, việc thay đổi liên tục người đứng đầu sẽ khiến công ty phải mất rất nhiều thời gian để xây dưng định hướng. Bởi có lãnh đạo hướng công ty phát triển mảng môi giới, có lãnh đạo muốn phát triển mảng tự doanh hay tư vấn…Đó là lý do bất kỳ sự thay đổi nhân sự nào trong ban điều hành cũng gây mối quan tâm lớn cho cổ đông của công ty đó.

Một tổng giám đốc CTCK đã phải thốt lên rằng khi ông nhận nhiệm vụ lãnh đạo công ty phải gánh khoản nợ xấu margin và các khoản lỗ do người tiền nhiệm để lại, nhưng chưa kịp định hướng công ty lại đổi người đứng đầu do không mang lại kết quả như mong muốn.

Ở CTCK còn là việc “chảy máu chất xám” khi những người giỏi trong công ty có xu hướng bị lôi kéo sang các công ty chứng khoán khác với mức lương cao hơn và chế độ đãi ngộ tốt hơn. Các CTCK nhỏ hiện nay không chỉ lo đương đầu với hiện tượng bị lôi kéo khách hàng mà còn phải lo chống đỡ việc chính nhân viên của họ bị lôi kéo sang các CTCK khác.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên