Năm 2012 đã dần khép lại, và mặc dù thị trường lao đao 7
tháng cuối năm, 50% CTCK lỗ trong quý 3, 70% CTCK lỗ lũy kế thì những CTCK lớn
vẫn “bảo toàn” được thành quả 5 tháng đầu năm và cán đích lợi nhuận 2012.
CTCP Chứng khoán Hồ
Chí Minh – HSC-HCM: 11 tháng đạt gần 300 tỷ LNTT, vượt kế hoạch năm 2%
HSC có lẽ là công ty chứng khoán thành công nhất năm 2012
khi công ty này đã cán đích lợi nhuận năm chỉ sau 11
tháng với ước doanh thu 11 tháng đầu năm 2012 đạt 520 tỷ đồng, tăng 22 % so với
cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 295 tỷ đồng – tương đương với
102 % kế hoạch năm 2012.
Có được kết quả này là nhờ năm
2012 HSC luôn duy trì được vị trí số 1 môi giới sàn HoSE với thị phần 12,08%
(tính đến quý 3/2012) và hơn 7% tại sàn Hà Nội, tỷ trọng doanh thu môi giới
trên tổng doanh thu của HSC khá cao, đạt gần 120 tỷ 9 tháng đầu năm, chiến
26,4% tổng doanh thu.
HSC cũng đẩy mạnh kinh doanh
nguồn vốn với tỷ trong doanh thu khác chiếm khoảng 65% tổng doanh thu, theo số
liệu cuối quý 3/2012 thì dư nợ cho vay margin tại HSC khoảng 600 tỷ đồng, cao
nhất trong số CTCK và công ty cũng có khoản tiền mặt khoảng hơn 1.500 tỷ.
HSC không tự doanh nhiều, khoản
đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn chỉ hơn 274 tỷ đồng trong đó đa phần là cổ
phiếu OTC, do đó “cơn bão giá” cuối năm 2012 không ảnh hưởng nhiều đến lợi
nhuận của HSC như các CTCK khác.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn – SSI: Ước hoàn thành 480 tỷ LNTT nhờ công ty
liên kết
Nếu HSC có nguồn thu lớn từ kinh
doanh nguồn và môi giới thì SSI lại cán đích lợi nhuận một phần từ các công ty
liên kết.
Dự kiến năm 2012 khoản lợi nhuận
từ các công ty liên kết sẽ mang về cho SSI khoảng 100 tỷ và theo công bố của
Chủ tịch SSI ông Nguyễn Duy Hưng, SSI năm nay sẽ cán đích lợi nhuận 480 tỷ
trước thuế. Nếu vậy, SSI vẫn giữ ngôi đầu về lợi nhuận trong khối hơn 100 công
ty chứng khoán.
Cuối năm 2012 SSI cũng sẽ thu về
một khoản tiền mặt khoảng 570 tỷ đồng sau khi quỹ Tầm Nhìn SSI đóng cửa (nếu
SSIVF đã thanh hoán xong toàn bộ danh mục), khoản đầu tư vào công ty liên kết
sẽ hạch toán giảm một khoản tương đương.
Nếu chiếu theo lời ông Đỗ Văn
Trắc trả lời phỏng vấn báo ĐTCK về khoản đầu tư 280 tỷ vào SSIVF chỉ lỗ “khoảng
vài phần trăm” vì SSIVF đã trả cổ tức bằng tiền cho SAM trong quá trình
đầu tư thì khoản lỗ của SSI đầu tư vào SSIVF cũng “không đáng kể”, nếu có,
khoản này sẽ được hạch toán vào “chi phí tài chính” trong quý 4/2012.
CTCP Chứng khoán Ngân
hàng Công thương – CTS: Ước lãi 80-90 tỷ đồng năm 2012
Vừa điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2012 từ 102 tỷ đồng
trước thuế xuống 86 tỷ đồng trước thuế. Theo tìm hiểu của CafeF, tính đến giữa
tháng 12/2012, CTS ước đạt khoảng 80-90 tỷ đồng lợi nhuận và với tình hình thị
trường như hiện tại nhiều khả năng CTS có thể hoàn thành kế hoạch (đã điều
chỉnh) năm nay.
Lợi nhuận của CTS chủ yếu từ việc kinh doanh nguồn, tính đến
hết quý 3/2012, công ty có gần 800 tỷ tiền mặt và gửi tiết kiệm, trong khi
khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chưa đến 40 tỷ đồng, đầu tư dài hạn 290 tỷ đa
phần là cổ phiếu OTC và trái phiếu.
Danh mục tự doanh cổ phiếu niêm yết của CTS gần như chỉ là
cổ phiếu lô lẻ với 8.700 cổ phiếu các loại, CTS đã bán hơn 1 triệu cổ phiếu MBB
trong 6 tháng đầu năm 2012.
BVSC, HPC, OCS, MBS: Vượt kế hoạch năm từ quý 3/2012 do đặt kế hoạch
thấp
Ở tình trạng “ngàn cân treo sợi
tóc” khi đã lỗ 2 năm trước đó, BVSC đã đặt thái độ thận trọng về kế hoạch năm
ngay từ đầu năm. Mặc dù ở thời điểm ĐHCĐ vào tháng 4/2012 là thời điểm chứng
khoán đang tăng trưởng mạnh, lãnh đạo BVSC vẫn duy trì quan điểm không đầu tư
tự doanh trong năm 2012 và phải “bảo toàn” lãi để tránh những “hậu quả đáng
tiếc”.
Và việc giữ được cái đầu lạnh
trong suốt năm 2012 đã khiến BVSC khá ung dung cán đích lợi nhuận năm 2012 ngay
từ quý 3. 9 tháng, BVSC lãi sau thuế 76 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lợi nhuận năm
2012 chỉ ở mức 14,6 tỷ đồng.
Trong danh mục tự doanh của BVSC
có 4,6 triệu cổ phiếu VFMVF1n (4,88%), do không phải là cổ đông lớn nên các
giao dịch bán của BVSC (nếu có) sẽ không phải công bố, tuy nhiên VFMVF1 đã có
mức tăng 43% trong quý 4/2012, từ 7.600 đồng lên 10.600 đồng/ccq. Các cổ phiếu
khác trong danh mục của BVSC bao gồm TLG (1,24 triệu cp), HVX (730.000 cp), TIX,
TH1 (900.000 cp), PHC, TCM…
Trong khi đó, MBS cũng chỉ đặt
kế hoạch lợi nhuận hơn 10 tỷ năm 2012, nếu quý 4/2012 MBS đạt trên 1 tỷ lợi
nhuận, công ty sẽ hoàn thành kế hoạch năm.
Bất ngờ nhất là CTCP Chứng khoán
Hải Phòng (HPC) khi công ty này lãi hơn 29,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm
2012, vượt kế hoạch năm 18% ngay từ quý 3.
Các công ty chứng khoán khác báo
lãi lớn 9 tháng đầu năm như ACBS (lãi sau thuế 142 tỷ đồng), FPTS (111 tỷ
đồng), Techcombank SC (63 tỷ đồng), VCBS, VCSC (42 tỷ đồng) nếu duy trì được
tốc độ tăng trưởng như 9 tháng đầu năm 2012 cũng sẽ có kết quả khả quan. VNDS,
AGR lãi 70 tỷ và 60 tỷ nhưng mới được 2/3 kế hoạch năm.
Tính đến hết quý 3/2012, thị
trường có 60 CTCK báo lãi 9 tháng đầu năm, tuy nhiên với những biến động mạnh
của cổ phiếu trong 3 tháng cuối năm, bức tranh lợi nhuận của CTCK vẫn khá u ám.
Thị trường vẫn đang hy vọng vào
các chính sách hỗ trợ nền kinh tế như việc giảm lãi suất, bơm vốn cứu thị
trường bất động sản, giải quyết nợ xấu, giảm thuế cho doanh nghiệp…sẽ khiến
niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại vào năm 2013 và các CTCK sẽ có một năm “dễ
thở” hơn.
Phương Mai