MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCP Pacific Dinco: CTCP Pacific Dinco: Niêm yết và tăng vốn là phương án hợp lý nhất hiện nay

Trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, công ty huy động vốn chủ yếu từ nguồn vốn vay ngân hàng và cổ đông. Điều này gây khó khăn trong những năm lãi suất ngân hàng tăng cao.

Sắp tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ kỷ niệm 15 năm thành lập với hành trang là hơn 50 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường và hơn 800 công ty niêm yết trên HOSE, HNX và Upcom.

Với những lợi ích mà thị trường chứng khoán đã đem lại cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, trong năm nay, danh sách doanh nghiệp có ý định niêm yết chính thức trên 2 Sở có vẻ không ít.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với ông Lê Trường Kỹ - Chủ tịch HĐQT của CTCP Pacific Dinco – một doanh nghiệp chuyên sản xuất bê tông thương phẩm dự kiến sắp niêm yết trong quý II/2015.

Thưa ông, được biết trong thời gian tới đây, CTCP Pacific Dinco sẽ chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Vì sao công ty quyết định niêm yết chính thức?

Ông Lê Trường Kỹ: Trước khi quyết định niêm yết chính thức trên sàn giao dịch chứng khoán chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ những lợi ích và bất lợi. Có công ty đang ở trên sàn thì suy nghĩ mình nên tiếp tục ở trên sàn  hay nên xuống. Còn công ty chưa lên sàn thì cân nhắc có nên lên sàn hay không.

Nên hay không nên là do doanh nghiệp tự quyết định. Chúng tôi xác định được vị thế, tin tưởng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, lấy lợi ích của việc lên sàn là nhiều hơn để quyết định việc niêm yết, trong đó lợi ích của cổ đông được chúng tôi đặt lên hàng đầu.

Theo ông, lợi ích của việc niêm yết chính thức là gì?

Việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giúp Pacific Dinco tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn. Chúng tôi có thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Theo cách này, công ty không phải thanh toán lãi vay cũng như phải trả gốc giống như việc vay nợ, từ đó sẽ rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu và chiến lược dài hạn của mình.

Tôi cho rằng những công ty được niêm yết trên thị trường thường là công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Để được niêm yết, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ của cơ quan quản lý. Do đó, đây là một trong những cách thức quảng cáo tốt cho công ty.

Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp được niêm yết rồi lại phải rời sàn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích để công ty hoạt động tốt. Như thế, về dài hạn, giá cổ phiếu của công ty sẽ  tăng lên.

Trong rất nhiều những cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường, ông nghĩ rằng cổ phiếu của CTCP Pacific Dinco sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư bởi yếu tố nào?

Điểm khác biệt nổi trội nhất của Công ty chúng tôi là việc thiết lập những tiêu chuẩn đạo đức nghiêm ngặt để đảm bảo mọi hoạt động của công ty đều được công khai rõ ràng và mọi nhân viên đều hiểu rõ rằng bất kỳ mối quan hệ không minh bạch nào với nhà cung ứng đều không được tha thứ.

Vì vậy, giá thành đầu vào khi chúng tôi mua hàng luôn là mức giá tối ưu hơn so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành. Từ khi thành lập 2008 đến nay công ty đã chia cổ tức bằng tiền, bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng tổng cộng 188%.

Một điểm mạnh khác nữa, Pacific Dinco là một trong số rất ít những công ty cùng ngành có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong việc cung ứng bê tông theo dự án lớn. Chúng tôi đã được lựa chọn là nhà cung ứng bê tông cho các dự án quy mô lớn như Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Nhà máy gang thép Formosa, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bê tông nhẹ cách nhiệt cho dự án Lò đốt xử lý dioxin sân bay Đà Nẵng …

Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư chuyên sâu vào các công ty con chuyên cung cấp vật liệu xây dựng như đá, cát và công ty mẹ chuyên lĩnh vực xây dựng nên nguồn vật liệu đầu vào và nguồn bê tông đầu ra luôn ổn định, giá cả tối ưu nhất.

Có nhiều lợi thế nhưng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bê tông thương phẩm – một lĩnh vực có liên quan đến ngành xây dựng, hẳn là công ty cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn?

Đúng vậy. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên trong giai đoạn 2011 – 2013, ngành xây dựng bị cắt giảm đầu tư. Tình hình khó khăn của ngành bất động sản trong những năm qua cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư xây dựng. Do đó, lĩnh vực bê tông cũng bị ảnh hưởng theo.

Nhưng tôi cho rằng nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi dần. Đó cũng là dấu hiệu khả quan cho lĩnh vực bê tông thương phẩm.

Vậy Công ty làm thế nào để vượt qua những khó khăn đó?

Chúng tôi tập trung khai thác bán hàng cho các dự án lớn bằng cách lắp đặt trạm tại công trình nhằm giảm chi phí cho khách hàng. Dự kiến trong năm 2015 và các năm sắp tới, Công ty tập trung vào các dự án như đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, La Sơn – Túy Loan, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, các dự án của tổng thầu Marubeni, Doosan, Posco, Samsung, Jurong và các dự án có khối lượng bê tông hơn 20.000m3.

Chúng tôi đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực cung cấp và thi công bê tông nhựa nóng asphalt với mục tiêu trở thành nhà cung ứng cho các dự án đường cao tốc, đường quốc lộ lớn.

Ngoài ra, công ty còn mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực xây lắp hạ tầng, duy tu bảo dưỡng đường bộ cho những gói thầu có quy mô vừa trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Về vấn đề huy động vốn, ông thấy đối với doanh nghiệp, huy động vốn bằng hình thức nào là hợp lý nhất trong điều kiện hiện nay? Sắp tới công ty có ý định tăng vốn điều lệ không?

Trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, công ty huy động vốn chủ yếu từ nguồn vốn vay ngân hàng và cổ đông. Điều này gây khó khăn trong những năm lãi suất ngân hàng tăng cao. Đến cuối năm 2014, chúng tôi đã vượt qua và trả hết vốn vay dài hạn từ ngân hàng cho việc đầu tư hiện tại. Với điều kiện hiện nay, việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán được coi là phương án khả thi bởi tính ưu việt của nguồn vốn huy động được trên thị trường chứng khoán đem lại.

Sắp tới, Công ty có kế hoạch đầu tư vào việc cung ứng bê tông nhựa nóng. Do vậy, chúng tôi dự định sẽ tăng vốn điều lệ để huy động vốn cho dự án cung ứng bê tông nhựa nóng. Tuy nhiên, chúng tôi cần cân đối tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán và vốn vay dài hạn từ ngân hàng với cơ cấu hợp lý phù hợp với chiến lược của Công ty.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp kỷ niệm 15 năm thành lập. Là một doanh nghiệp cổ phần, ông đánh giá như thế nào về những lợi ích mà thị trường này đem lại cho doanh nghiệp?

Như tôi đã nói lúc nãy, việc tham gia thị trường chứng khoán mang lại cho các công ty nhiều lợi ích.

Ngoài ra, việc tham gia thị trường này giúp tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu của công ty, giúp các cổ đông của công ty dễ dàng chuyển nhượng cổ phiếu đang nắm giữ, qua đó tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu.

Tôi cũng cho rằng khi tham gia thị trường chứng khoán, Công ty sẽ nâng cao được kỹ năng quản trị và tiếp cận với những kiến thức quản lý công ty hiện đại.

Bên cạnh đó, quá trình tham gia thị trường niêm yết có còn vướng mắc trở ngại gì mà ông muốn kiến nghị hay không?

Trước khi tham gia vào thị trường chứng khoán, Công ty đã tìm hiểu rất kỹ các quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống pháp luật về chứng khoán của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều văn bản về lĩnh vực này đang được xin ý kiến sửa đổi bổ sung. Điều này, phần nào cũng gây khó khăn cho công ty trong việc tiếp cận các quy định mới.

Ngoài ra, Chúng tôi cũng rất quan tâm đến chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết. Hiện nay theo quy định của pháp luật thì tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Theo tôi, việc tăng tỷ lệ nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức niêm yết sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia sẽ giúp công ty nâng cao năng lực về tài chính và quản trị, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

>> [Chart] Nhìn lại thị trường niêm yết 15 năm qua

Bảo Ngọc

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên