MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cty Chứng khoán Thăng Long: Thông tư 226 là bước tiến lớn, dù chưa hoàn hảo

Ông Mạc Quang Huy, Phó TGĐ Cty CK Thăng Long cho biết vẫn băn khoăn về cách tính giá trị rủi ro hoạt động dựa theo chí phí bằng tiền của công ty chứng khoán hoặc vốn pháp định.

Sau khi UBCK chính thức thông báo chính thức triển khai thông tư 226/BTC kể từ ngày 1/4/2011. Thông tư 226/BTC quy định các chỉ tiêu an toàn tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Phóng viên CafeF đã có buổi trao đổi với ông Mạc Quang Huy, phó tổng giám đốc công ty chứng khoán Thăng Long xung quanh việc áp dụng thông tư 226 vào thực tiễn.

Xin ông cho biết thông tư 226/BTC được ban hành có tác động thuận lợi hay khó khăn như thế nào tới hoạt động của công ty?

Thông tư 226/2010/TT-BTC ra đời là một bước tiến lớn trong công tác giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán và các công ty quản lý quỹ thông qua chỉ số an toàn vốn. Quy định này giúp các công ty chứng khoán đánh giá khách quan sức khỏe tài chính và điều chỉnh kinh doanh của mình theo hướng an toàn và hiệu quả. Về cơ bản thông tư 226, mặc dù chưa hoàn hảo, song là một bước tiến lớn của Ủy ban Chứng khoán và đi theo định hướng hội nhập quốc tế.

Theo Thông tư 226, một công ty chứng khoán được coi là “khỏe mạnh” phải có đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn khả dụng trên tổng giá trị rủi ro không thấp hơn 1,8 lần. Trong đó, vốn khả dụng cơ bản được hiểu là vốn chủ sở hữu sau khi điều chỉnh cho một số tài sản có tính thanh khoản thấp cũng như các khoản trích lập dự phòng nghiệp vụ.

Giá trị rủi ro được tính cho rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động. Như vậy, các công ty chứng khoán có các khoản mục đầu tư vào các chứng khoán không niêm yết, chứng khoán của các công ty phi đại chúng, chứng khoán hạn chế giao dịch sẽ chịu nhiều rủi ro thị trường và đòi hỏi yêu cầu vốn khả dụng nhiều hơn.

Cá nhân tôi có chút phân vân về cách tính giá trị rủi ro hoạt động dựa theo chí phí bằng tiền của công ty chứng khoán hoặc vốn pháp định. Cách tính này có thể gây một số khó khăn nhất định cho các công ty chứng khoán có quy mô hoạt động lớn nhưng có hệ thống quản trị rủi ro tốt. Theo tham khảo thông lệ một số thị trường khác như Australia thì giá trị rủi ro hoạt động được tính dựa theo một tỷ lệ nhất định của giá trị rủi ro thanh toán và rủi ro thị trường.

Đối với TLS, chúng tôi hiện đã tăng vốn điều lệ lên 1,200 tỷ. Chúng tôi cũng đang trong quá trình rà soát, tái cơ cấu lại các danh mục rủi ro để có thể đảm bảo đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.

Xin ông cho biết, công ty đã có kế hoạch, chuẩn bị như thế nào để đáp ứng những quy định trong TT 226/BTC?

TLS đã có những sự nghiên cứu và chuẩn bị thấu đáo cho sự ra đời của Thông tư 226/2010/TT-BTC. Chúng tôi coi đây là một cơ hội tự đánh giá lại sức khỏe của mình và là tiền đề cho các chiến lược tăng trưởng trong tương lai. Theo đó, chúng tôi đã tiến hành tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ lên 1.200 tỷ vào tháng 11 năm 2010.

Chúng tôi cũng đã và đang tiến hành rà soát và tái cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng thu hẹp hoạt động đầu tư tự doanh nhằm từng bước hạn chế các hoạt động mâu thuẫn lợi ích khách hàng, đồng thời hạn chế giá trị rủi ro thị trường. Chúng tôi cũng thực hiện các chính sách tiết giảm chi phí hoạt động nhằm tăng hiệu quả hoạt động cũng như giảm thiểu giá trị rủi ro hoạt động theo cách tính trong Thông tư 226.

Với việc TT 226/BTC được ban hành, ông có kỳ vọng gì về những thay đổi trên thị trường CK? Đó có là cơ sở để triển khai những sản phẩm tài chính, phái sinh mới?

Chúng tôi hoan nghênh sự ra đời của Thông tư 226 và coi đây là tiền đề cần thiết để Ủy ban Chứng khoán tăng cường giám sát hoạt động của các thành viên thị trường thông qua các công cụ quản lý gián tiếp, tiệm cận dần với các thông lệ quốc tế, thông qua đó có thể cho phép các thành viên thị trường triển khai các sản phẩm mới. Chúng tôi tin rằng các sản phẩm mới là rất cần thiết để tăng cường tính hấp dẫn của thị trường, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Đương nhiên, cùng với sự phát triển của các sản phẩm mới, Ủy ban Chứng khoán có thể tiếp tục hoàn thiện Thông tư 226 cho hoàn chỉnh hơn. Ví dụ, Thông tư hiện tại chưa đưa ra quy định tính giá trị rủi ro thị trường cho các khoản chứng khoán phái sinh được ghi nhận ngoại bảng, do đó các quy định này có thể được bổ sung trong tương lai.

Quan điểm của ông với những trường hợp bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt theo TT 226? Theo ông những trường hợp đó cần được thông báo với thị trường hay không?

Thông tư 226 có hiệu lực từ 1/4/2011 và các thành viên thị trường có 12 tháng để hoàn thiện và tuân thủ, do đó, tôi cho rằng đây là một lộ trình khá phù hợp. Do tính nhạy cảm của sức khỏe các công ty chứng khoán đối với các nhà đầu tư cũng như sự ổn định chung của thị trường và toàn xã hội.

Theo quan điểm riêng của tôi, đối với các trường hợp bị kiểm soát đặc biệt, các cơ quan chức năng nên có những cân nhắc thấu đáo nhằm đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư và các thành viên thị trường khác cũng như lợi ích toàn cục. Do đó, cơ chế thông tin đối với những trường hợp này cũng có thể được áp dụng tương tự như đối với việc kiểm soát các ngân hàng thương mại.

Để tránh rơi vào tình huống kiểm soát đặc biệt, các công ty chứng khoán cần ý thức trách nhiệm rủi ro và tuân thủ các quy định của Thông tư 226. Đồng thời, cũng cần sự giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng nhằm đưa ra các cảnh báo sớm nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời.

Cao Sơn


tungdn2

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên