MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc cạnh tranh công nghệ tại các CTCK

Kể từ 1/3/2014 tới đây, NHNN quy định giao dịch chứng khoán không dùng tiền mặt nên việc giao dịch qua tài khoản ngân hàng lại càng được đẩy mạnh.

Kể từ năm 2008 khi hai Sở giao dịch chứng khoán chuyển hình thức nhập lệnh thô sơ qua hình thức nhập lệnh không sàn, tức là lệnh của nhà đầu tư sẽ được chuyển thẳng từ CTCK lên Sở GDCK thay vì qua bộ phận môi giới như trước đây, cuộc đua công nghệ tại các CTCK trở thành mục tiêu sống còn để thu hút khách hàng.

Nếu như những năm về trước, dạo qua các sàn chứng khoán thấy nhà đầu tư ngồi la liệt tại các CTCK thì đến thời điểm này, hầu hết những nhà đầu tư đến sàn đa phần là các cụ lớn tuổi, thậm chí một số CTCK chỉ duy trì một phòng diện tích rất nhỏ cho NĐT bởi đa phần tất cả các giao dịch đều được thực hiện trên internet.

Nhà đầu tư cũng không cần phải lên sàn đưa giấy cho môi giới mà chỉ cần ở nhà click chuột, gõ mật khẩu là có thể tranh mua tranh bán cùng tốc độ với các khách hàng VIP.

Thậm chí việc chuyển tiền, rút tiền từ tài khoản ngân hàng của khách hàng đến tài khoản giao dịch chứng khoán cũng được giao dịch online. Kể từ 1/3/2014 tới đây, NHNN quy định giao dịch chứng khoán không dùng tiền mặt nên việc giao dịch qua tài khoản ngân hàng lại càng được đẩy mạnh.

Do các giao dịch chủ yếu dựa vào hệ thống công nghệ nên kinh tế càng khó khăn, thị phần môi giới càng cạnh tranh khốc liệt thì các CTCK càng phải đầu tư vào hệ thống công nghệ.

Nếu trước đây FPTS và VNDirect nổi lên là hai công ty ứng dụng công nghệ hàng đầu thì năm 2013 hầu hết các CTCK đều chạy đua công nghệ và phát triển phần mềm giao dịch mới, Maybank KimEng ra đời hệ thống chạy trên mọi loại smart phone, IRS triển khai hệ thống phần mềm giao dịch BOSC+ cho thiết lập mức giá cắt lỗ, chốt lãi, SSI triển khai Webtrading có lệnh dừng, lệnh đặt trước ngày, lệnh tranh mua, VNDirect cuối năm ra mắt phần mềm giao dịch Active D, HSC có phần phần mềm AFE OPT, VIPtrade, Bản Việt có V-pro, SHS có SH Pro, chứng khoán KIS có K-pro, IVS có Ipro, MBS có Stock 24 và M.Stock24...

Các CTCK đa phần dùng phầm mềm của nước ngoài như IRS, SHS, IVS phát triển phần mềm dựa trên phần mềm của nhà cung cấp Tong Yang, SSI sử dụng Core FreeWill, hệ thống InnoTrade (web, lệnh thông minh, mobile) của InnoTech; Maybank Kimeng sử dụng core FreeWill, hệ thống InnoTrade (web, mobile mọi nền tảng) của InnoTech; HSC sử dụng Core AFE. VNDirect và MBS tự nghiên cứu và triển khai phần mềm của riêng mình, riêng phần mềm của HSC chỉ áp dụng cho môi giới và khách hàng VIP có tài sản trên 2 tỷ đồng.

Phần mềm của các CTCK đa phần đều miễn phí và có các tính năng cơ bản như đặt lệnh mua bán cổ phiếu, chuyển tiền trực tuyến, ứng tiền trước, cập nhật lãi lỗ ngay trên màn hình... tuy nhiên một số CTCK áp dụng các ứng dụng riêng để thu hút khách hàng như ActiveD của VNDirect có tính năng chia lệnh tự động, theo dõi khối lượng khớp lệnh theo từng mức giá đưa ra, hệ thống cảnh báo cổ phiếu, cả Active D của VNDirect và Kpro của KIS đều có tính năng tạo danh mục theo tiêu chí riêng; SH Pro của SHS theo dõi được khối lượng khớp lệnh theo từng mức giá đưa ra, Lệnh dừng của SSI trợ giúp nhà đầu tư Bảo toàn lợi nhuận và cắt lỗ kịp thời, tuân thủ nguyên tắc giao dịch đã thiết lập...Stock 24 của MBS có tính năng chuyển tiền realtime sang ngân hàng MB chỉ mất 1s, cho phép khách hàng chat room để kết nối nhà đầu tư,..

Ngoài ra các CTCK còn đưa ra công cụ phân tích cho từng nhà đầu tư như Vpro của CK Bản Việt có biểu đồ phân tích, Active D của VNDirect có bộ lọc so sánh cổ phiếu và 2 CTCK này đều có thế mạnh theo dõi thị trường với biểu đồ realtime.

Năm 2013, UBCK và các Sở GDCK cũng ban hành nhiều chính sách trong việc tăng thanh khoản thị trường, việc kéo dài giao dịch đến buổi chiều, giảm thời gian thanh toán đến sáng T+3, áp dụng các lệnh mới như lệnh thị trường MP, các lệnh thị trường MTL, MOK, MAK...điều này cũng đòi hỏi các CTCK phải đáp ứng về công nghệ mới theo kịp thị trường.

Công cuộc tái cơ cấu tại các CTCK không chỉ dừng lại ở việc công ty A giải thể, công ty B rút môi giới, công ty C hợp nhất...mà còn xảy ra tại ngay bản thân mỗi CTCK. Ngoài việc giảm lãi suất margin (ở thời điểm hiện tại lãi suất margin thấp nhất là 13,5%/năm tại VPBS và SHS, miễn lãi 6 ngày ở VNDirect), cạnh tranh công nghệ, thu hút nhân sự bằng chính sách lương thưởng, các CTCK vẫn đang đổi mới, cắt giảm chi phí để vượt khó đi lên.

Ở thời điểm hiện tại, những CTCK nào còn trụ lại thị trường sẽ tiếp tục phát triển và đi lên một cách mạnh mẽ, những CTCK nào không đủ năng lực đã tự động rút lui. Theo số liệu mới nhất được công bố, hiện thị trường còn 79 CTCK hoạt động bình thường, 15 CTCK đã ngừng hoạt động (giải thể, rút môi giới).

Một số điểm sáng của năm 2013 như chứng khoán VCBS công bố vượt 67% kế hoạch năm, BVSC, VNDirect, MBS đều đã vượt kế hoạch năm, TechcomSC, KLS lãi gần 100 tỷ 9 tháng đầu năm, SSI, HSC vẫn dẫn đầu thị trường, SBS đã có tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%...

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên