MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chơi T+

Một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm giành giật khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, đã và đang diễn ra giữa một số công ty chứng khoán.

Hai biểu hiện rõ nhất của sự cạnh tranh đó là động thái hỗ trợ các nhà đầu tư cá nhân sử dụng đòn bẩy tài chính và cho bán cổ phiếu ngày T+1, T+2, T+3, trong khi quy định của Nhà nước là T+4, tức cổ phiếu phải có trong tài khoản tại thời điểm bán mới được bán.

Đòn bẩy tài chính đang bị thu hẹp do các ngân hàng hạn chế tín dụng dành cho chứng khoán, còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đang chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết xung quanh vấn đề bán cổ phiếu ngày T+...

Trung tâm lưu ký chỉ quản lý tài khoản tổng

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán đề nghị giấu tên khẳng định vừa qua hiện tượng cho nhà đầu tư bán cổ phiếu T+1 hoặc T+2 diễn ra tại một số đơn vị. Việc này chỉ áp dụng trong phạm vi khách hàng lớn, chủ yếu các nhà đầu tư lướt sóng.

“Một số khách hàng phàn nàn trực tiếp với tôi nếu không cho họ bán ngày T+2, họ sẽ bỏ sang công ty chứng khoán khác” - ông nói - “Quan sát kỹ giao dịch một số mã cổ phiếu, thì thấy khối lượng mua bán tăng giảm bất thường, lên rất nhanh và xuống cũng rất nhanh. Có khi hôm nay giá lên, mai giá xuống, thậm chí lên xuống ngay đầu phiên, cuối phiên. Đấy là những biểu hiện cho thấy hoạt động “lướt sóng”, tạo sóng giả tạo. Điều này thực sự không tốt cho thị trường”.

Nguyên nhân chính của việc bán cổ phiếu ngày T+ sớm hơn quy định là do các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính và mức độ đòn bẩy khá cao. Chỉ cần thị trường tăng hoặc giảm hai phiên liền là tài sản của nhà đầu tư đó có thể tăng hoặc giảm 50%. Bán T+1 hay T+2 là đảm bảo cho nhà đầu tư kiểu này có lời hoặc cắt lỗ. Nếu đợi đúng T+4 như quy định, trong trường hợp thị trường xuống mạnh, tài sản của khách hàng có thể “bay hơi” 100%.

Đòn bẩy tài chính đã góp phần đẩy giá trị giao dịch của sàn TPHCM tăng vọt trong tháng 10-2009, có ngày đạt tới 6.500 tỉ đồng (ngày 23-10-2009).

Nó cũng là một trong những nhân tố làm thay đổi thị phần môi giới của nhiều công ty chứng khoán, giúp không ít nhân viên môi giới có ăn chia tỷ lệ với công ty chứng khoán nâng thu nhập lên mức 60-100 triệu đồng/tháng. Thu nhập cao nhất trong một tháng của một nhân viên môi giới cá biệt đã lên tới 170 triệu đồng.

Vì sao công ty chứng khoán có thể cho khách hàng bán trước khi cổ phiếu về tài khoản? Vì hiện nay Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLKCK) chưa quản lý được đến tận tài khoản của nhà đầu tư.

Bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc TTLKCK, nói với TBKTSG: “Hệ thống quản lý của chúng ta hiện nay là hai cấp. TTLKCK chỉ quản lý tài khoản tổng của công ty chứng khoán, có phân biệt thành hai loại: tài khoản của khách hàng và tài khoản tự doanh của công ty đó. Tài khoản của từng khách hàng nằm trong tài khoản tổng của công ty chứng khoán và công ty chứng khoán quản lý tài khoản của từng khách hàng”.

Có thể hình dung là TTLKCK nắm cái giỏ tài khoản tổng của công ty chứng khoán, với tổng số tiền, tổng số chứng khoán, tổng số từng mã cổ phiếu, còn tài khoản của nhà đầu tư XYZ có bao nhiêu cổ phiếu, những mã nào, thay đổi ra sao hàng ngày chỉ có công ty chứng khoán mới biết được.

Nếu phần mềm quản lý của công ty chứng khoán có chức năng “bộ lọc”, công ty chỉ cần vài thao tác là có thể nắm được, thí dụ bao nhiêu nhà đầu tư của họ đang sở hữu cổ phiếu ABC, tổng cộng cổ phiếu ABC nằm ở công ty họ bao nhiêu, bao nhiêu trong số này đã đủ điều kiện T+4 để bán, bao nhiêu đang ở tình trạng T+3, T+2, T+1.

Khả năng công ty chứng khoán thay đổi lượng cổ phiếu đủ điều kiện bán từ tài khoản của nhà đầu tư này sang tài khoản nhà đầu tư khác hoàn toàn có thể xảy ra, vì nhà đầu tư thực sự không thể biết sự thay đổi ấy.

Họ đặt lệnh bán, thì lệnh được nhân viên môi giới chuyển thẳng vào Hose hoặc Hnx và chỉ nhân viên môi giới cùng với bộ phận nghiệp vụ mới biết cổ phiếu có trong tài khoản hay không.

Ngoài ra một số công ty chứng khoán cho khách hàng vay cổ phiếu trong danh mục tự doanh để bán ngày T+. Việc này khá đơn giản nếu mã cổ phiếu trong danh mục tự doanh của công ty trùng với mã cổ phiếu của khách hàng. Vì thế đã có công ty chứng khoán tư vấn cho khách hàng mua những cổ phiếu họ tự doanh, để khi cần có thể bán ngày T+.

Không sở hữu chứng khoán và sở hữu chứng khoán trong tương lai gần

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, xác nhận ủy ban có nghe một số công ty chứng khoán phản ánh hiện tượng bán cổ phiếu ngày T+ sớm hơn quy định. Trước đây, ủy ban đã có văn bản nhắc nhở các công ty chứng khoán thực hiện đúng quy định và đang chuẩn bị ban hành một hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Ngoài ra, thanh tra của ủy ban vẫn tiến hành kiểm tra định kỳ các giao dịch T+. “Nếu phát hiện sẽ xử lý đến nơi đến chốn, không nương nhẹ bất kỳ công ty nào” - ông Bằng nhấn mạnh.

Công bằng mà nói, việc xử lý của UNCKNN khi phát hiện vi phạm của công ty chứng khoán cũng không phải không gặp khó khăn.

Thông thường, khi xử lý thì cổ phiếu bán T+2, T+3 trước đó đã về đến tài khoản của nhà đầu tư. Còn với việc bán T+1, cách xử lý là sửa lỗi giao dịch T+1, xem ra quá nhẹ. Những công ty cho khách hàng bán T+1, T+2 lập luận họ không làm sai luật, họ chỉ lách luật.

Điều 71, khoản 9 Luật Chứng khoán nêu rõ: “Công ty chứng khoán thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính”.

Thực chất quy định trên đề cập đến việc bán khống và quy định của Bộ Tài chính cho đến nay vẫn là cấm bán khống. Song, ở đây có khoảng cách giữa việc “không sở hữu chứng khoán” và “sở hữu chứng khoán sau một, hai hay ba ngày nữa, tức sở hữu chứng khoán trong tương lai gần”.

Do đó, cốt lõi cần làm rõ chính là một văn bản pháp quy hướng dẫn chi tiết, đầy đủ việc các công ty chứng khoán có thể cho khách hàng bán chứng khoán sở hữu trong tương lai gần không.

Quan trọng nhất của việc quy định bán cổ phiếu T+ là việc tạo ra sự công bằng giữa công ty chứng khoán, giữa các nhà đầu tư. Những công ty, nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc quy định thì thiệt thòi. Nếu luật pháp cho phép thì tất cả các công ty, nhà đầu tư đều được làm, còn nếu cấm thì ngược lại. Không thể kéo dài tình trạng người làm, người không như hiện nay.

Về phía TTLKCK, bà Hương cho biết một cơ chế giám sát thực hiện đúng quy định ngày T+ sẽ được tiến hành vào đầu năm 2010. Hiện tại TTLKCK đang chạy thử nghiệm mô hình quản lý kết hợp hai cấp: vừa quản lý tài khoản tổng của công ty chứng khoán đồng thời quản lý đến từng tài khoản của nhà đầu tư (còn gọi là tài khoản phụ).

Việc chạy thử nghiệm sẽ kết thúc vào tháng 12-2009. Với mô hình mới (mà nhiều nước đã áp dụng), dựa trên việc nhận diện số chứng minh thư, trung tâm có thể biết chính xác nhà đầu tư có bao nhiêu tài khoản, ở công ty nào, mua bán cổ phiếu gì, số lượng, thời điểm giao dịch...

Có một phương thức khác để xóa bỏ những rắc rối của việc giao dịch cổ phiếu T+, giúp hệ thống giám sát của TTLKCK trở nên đơn giản, hiệu quả là cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch và mua bán cùng một loại cổ phiếu trong ngày.

Tuy nhiên, theo lời ông Bằng, Bộ Tài chính vẫn đang cân nhắc nhiều chiều vấn đề này. “Chúng tôi tiếp tục thuyết phục, giải trình bộ về những cái được và chưa được liên quan đến việc cho phép mua bán cùng một loại cổ phiếu trong ngày. Quan trọng là làm sao để những quy định mới đảm bảo an toàn cho thị trường hoạt động” - ông Bằng nói.

Theo Hải Lý
Thời báo kinh tế Sài Gòn

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên