MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu giá cổ phần Hacinco: 5 năm vẫn chưa xong

Cty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) đã IPO cách đây 5 năm nhưng chưa ngã ngũ do Chi cục Tài chính DN HN không công nhận số tiền mua và đặt cọc của một số NĐT.

Cuộc đấu giá cổ phần của Hacinco đã rất thành công tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC) với kết quả bán được 37.026.600.000 đồng. UBND TP Hà Nội cũng đã ra quyết định phê duyệt giá trị DN, và HĐQT của Hacinco cũng đã được bầu.

Tuy nhiên từ đó tới nay đã hơn 5 năm, nhiều cổ đông mua cổ phiếu của Hacinco vẫn dài cổ đợi một quyết định ngã ngũ cho số phận của DN này.

Quyết định số 7867/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội ngày 30/11/2005 phê duyệt giá trị của Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) là 47,1 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 9,65%, vốn cổ đông trong DN mua theo giá ưu đãi chiếm 11,85% và vốn cổ đông mua được sau phiên đấu giá chiếm 78,5%.

Mọi việc đang diễn ra bình thường thì ngày 23/12/2005, Chi cục Tài chính DN Hà Nội ra văn bản yêu cầu Cty Hacinco thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2005 và kiến nghị UBND TP Hà Nội hoãn việc chuyển đổi Hacinco sang Cty cổ phần.

Lý do dẫn tới văn bản của Chi cục Tài chính DN Hà Nội bắt nguồn từ đơn của bà Nguyễn Thị Chi, một cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị Hacinco đang nắm 34% vốn của Hacinco, trị giá 16 tỷ đồng. Bà Chi cho rằng tài chính của Hacinco đang mất cân đối và đề nghị kiểm toán.

Tuy nhiên, theo đại diện của Hacinco cho biết, nguyên nhân sâu xa của lá đơn nói trên là trước đó trong phiên họp của HĐQT ngày 15/12/2005, HĐQT họp và bầu ra Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành.

Tại cuộc họp này bà Nguyễn Thị Chi đã yêu cầu được giữ một trong hai chức là Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc. Nhưng yêu cầu trên không thể thực hiện được bởi theo Luật DN và Điều lệ của Hacinco, tất cả các chức danh trên đều phải do HĐQT bầu thông qua bỏ phiếu kín.

Không thỏa mãn yêu cầu, bà Chi bỏ phiếu trắng, ra về và sau đó làm đơn yêu cầu kiểm toán báo cáo tài chính của Hacinco.

Điều khiến dư luận hết sức khó hiểu và các cổ đông của Hacinco bất bình đó là toàn bộ quá trình thực hiện cổ phần hoá Hacinco đã được triển khai bài bản từ trước đó.

Toàn bộ quá trình thực hiện cổ phần hoá được tư vấn bởi Cty cổ phần chứng khoán Bảo Việt. Bên cạnh đó, Chi cục Tài chính DN là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm đôn đốc, giám sát và hỗ trợ quá trình thực hiện.

Toàn bộ các vấn đề liên quan tới tài chính DN đã được các bên thẩm định, kiểm tra và thực hiện đúng trình tự quy định trước khi cổ phần hoá DN. Việc cổ phần hoá Hacinco còn được Chi cục Tài chính DN Hà Nội khen ngợi trong báo cáo UBND TP Hà Nội cũng đã có Quyết định 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005 phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ của Cty cổ phần theo đúng số lượng bán được thực tế. Vậy mà chính Chi cục Tài chính DN HN lại đề nghị “dừng lại để kiểm toán”.

Nhưng sau đó ít ngày, Chi cục Tài chính DN HN đã triệu tập 2 cuộc họp với lý do “xem xét và xác định tính hợp lệ của việc chuyển nợ thành vốn góp.

Cần nói lại rằng tại thời điểm cổ phần hoá Hacinco, bản thân Hacinco đang khó khăn về tài chính, nợ lương công nhân và nợ một số đối tác đến hạn chưa trả được. Phương án chuyển nợ thành vốn góp tại Hacinco đã được Chi cục Tài chính chấp thuận và trình UBND TP ra quyết định điều chỉnh vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ và cho phép Đại hội cổ đông lần đầu.

Cty chứng khoán Bảo Việt với tư cách là đơn vị tư vấn và HaSTC đã lập danh sách người sở hữu chứng khoán, trong đó có cả phần chuyển nợ thành vốn góp của 35 nhà đầu tư.

Chính vì vậy, việc Chi cục Tài chính DN HN lấy lý do “chuyển nợ thành vốn góp” để đình hoãn việc cổ phần hoá ở Hacinco và không công nhận số tiền mua và đặt cọc của một số nhà đầu tư càng khiến các cổ đông bất bình và dư luận đặt nhiều dấu hỏi.

Ngày 22/3/2007, Thanh tra UBND TP Hà Nội đã có Kết luận số 490/KL-TTTP (P2) nêu rõ: “Việc vi phạm quy chế của Cty Đầu tư và Xây dựng số 2 Hà Nội và một số nhà đầu tư là vi phạm về thủ tục thanh toán qua tổ chức trung gian, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của hai bên là nhà đầu tư và DN cổ phần hóa. Do đó, việc không công nhận số tiền mua và đặt cọc của một số nhà đầu tư là chưa hợp lý”.

Thanh tra Chính phủ cũng đã có Kết luận số 2125/KL-TTCP, ngày 1/9/2009 nêu rõ: “giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong việc cổ phần hóa tại Hacinco, theo hướng: Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của Cty; Giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47,1 tỷ đồng; chuyển 397 triệu đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho CBCNV khi cổ phần hoá khách sạn Hacinco năm 1998); công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 2/12/2005 của Cty”.

Bên cạnh đó còn có 6 công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do các Phó Thủ tướng ký.

Trong đó: Công văn số 7167/VPCP-V.II ngày 6/12/2006, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng giao cho UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của ông Phạm Công Bình - Phó Ban đổi mới DN, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc CPH DN, xử lý nghiêm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm điểm, xử lý.

Hoặc công văn 7409/VPCP-ĐMDN, ngày 20/12/2006 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra, làm rõ trách nhiệm vụ việc trên; báo cáo kết quả xử lý lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/12/2006.

Gần đây nhất là, Công văn số 6561/VPCP-KNTN, ngày 22/9/2009 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Đồng ý các nội dung kiến nghị nêu trong Kết luận Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc chuyển đổi DN Nhà nước thành Cty cổ phần tại Hà Nội.

Giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, xử lý các tồn tại và vướng mắc trong việc cổ phần hóa tại Cty Đầu tư và Phát triển nhà số 2 Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2009.

Tuy nhiên những lình xình trong quá trình cổ phần hoá ở Hacinco vẫn y nguyên khiến hoạt động của Cty rất khó khăn.

Hàng loạt dự án của Hacinco vẫn đang “trơ gan cùng mưa nắng” để đợi một quyết định cuối cùng của UBND TP Hà Nội cho một sự thật đã rất rõ ràng. Các cổ đông vẫn dài cổ đợi và dù đã bỏ tiền song 5 năm qua quyền lợi chỉ là một con số “dưới không”.

Theo Đặng Hào
DDDN

phuongmai

Trở lên trên