MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến năm 2015, SCIC phải bán vốn nhà nước tại 450-500 DN

Đến 30/6/2011, SCIC đã bán vốn tại 512 trong tổng số 933 DN, thu về 2.767 tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với mệnh giá. Dự kiến năm 2012, thu về cho Nhà nước 7.800 tỷ đồng.

Cho dù thị trường chứng khoán vẫn chưa hết suy thoái, nhưng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) mà đơn vị này đang thay mặt Nhà nước quản lý.

Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho biết, theo kế hoạch đến năm 2015, SCIC chỉ nắm giữ vốn nhà nước tại khoảng 100 DN, nghĩa là phải bán vốn nhà nước tại 450-500 DN. Việc này dự kiến thu về cho Nhà nước 7.800 tỷ đồng trong năm 2012, gấp hơn 2,8 lần số tiền bán vốn được thực hiện trong 5 năm trước đó.

Theo số liệu được SCIC công bố, đến ngày 30/6/2011, SCIC đã bán vốn nhà nước tại 512 trong tổng số 933 DN đã tiếp nhận quyền đại diện vốn nhà nước, thu về cho Nhà nước 2.767 tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với mệnh giá. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2011, đã bán được vốn tại 70 DN, bằng khoảng 70% tổng số DN được thoái vốn năm 2010.

Vẫn theo ông Đạo, số tiền thu về từ việc bán vốn nhà nước tại DN đã được SCIC đầu tư vào các dự án lớn trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế hoặc đầu tư linh hoạt để tăng nguồn vốn nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, hoạt động bán vốn và đầu tư vốn thời gian qua khá khả quan, góp phần tích cực trong việc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và điều hành hoạt động kinh doanh của DN; đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá DN nhà nước; giảm mạnh việc đầu tư giàn trải, đầu tư kém hiệu quả; tập trung được nguồn lực để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, dự án then chốt mà các thành phần kinh tế khác chưa có đủ tiềm lực đầu tư, góp phần không nhỏ trong việc tái cơ cấu DN nhà nước…

Hầu hết DN được đem bán thời gian qua có quy mô nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho đầu tư của nhà nước.

Từ những kết quả đạt được, ông Ninh giao nhiệm vụ cho SCIC trong giai đoạn 2011 - 2015 phải có 40.000 - 50.000 tỷ đồng từ hoạt động bán vốn, vốn chủ sở hữu, vốn huy động để đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Dù nhiệm vụ khá rõ ràng nhưng theo ông Đạo “không dễ thực hiện, do SCIC đang gặp không ít trở ngại từ phía một số bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty đang là đại diện chủ sở hữu của DN”.

“Nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương và DN về chủ trương xác lập quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước còn chưa nhất quán, dẫn đến chậm hoặc chưa chuyển giao vốn nhà nước tại DN về SCIC”, ông Đạo nói và dẫn chứng, theo số liệu thống kê sơ bộ của 47 bộ và địa phương, hiện có khoảng 200 DN độc lập có số vốn nhà nước 3.000 tỷ đồng, theo quy định phải chuyển quyền đại diện sở hữu về SCIC, nhưng đến nay vẫn chưa được các bộ, ngành thực hiện. Còn tại 11 tổng công ty đã cổ phần hoá với số vốn nhà nước lên tới 40.000 tỷ đồng, chưa có tổng công ty nào chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước về SCIC.

Theo Mạnh Bôn

Báo Đầu tư

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên