MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến thời môi giới lên ngôi?

2 tuần triển khai việc kéo dài thời gian giao dịch, thanh khoản tăng gấp đôi cùng thời điểm tháng 2. Giao dịch buổi chiều biến động mạnh nên NĐT cần môi giới quản lý tài khoản.

Hai sàn bắt đầu thay đổi thời gian giao dịch kể từ 5/2, tính đến nay đã được gần 2 tuần. Đánh giá về việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều, trước đó, đại diện nhiều bên đã có những nhận xét trái chiều nhau.

Có người cho rằng việc kéo dài thời gian giao dịch là không cần thiết, vì thanh khoản thị trường vẫn đang ở mức thấp, thị trường èo uột càng khiến tâm lý thị trường thêm nặng nề, không rút ngắn được thời gian T+ …,. Bên ủng hộ cho rằng, việc kéo dài thời gian giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng thanh khoản cho thị trường, hơn nữa việc giao dịch xuống buổi chiều sẽ khiến nhà đầu tư phản ứng nhạy hơn với thông tin.

Thực tế ra sao?

Thanh khoản đã tăng rõ rệt trong 2 tuần gần đây, từ 5-9/3 bình quân giao dịch đạt gần 105 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị đạt 1.664 tỷ/phiên; tăng 140% về KLGD và tăng 172% về giá trị so với cùng thời điểm tháng 2/2012.

Tuần qua (từ 12-16/3) đạt 84,2 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị đạt 1.314 tỷ đồng/phiên, giảm 19,7% so với tuần trước nhưng so với cùng thời điểm tháng 2, KLGD tăng 119% và GTGD tăng 99,5%.


Thanh khoản thị trường trong 2 tuần triển khai giao dịch chiều

Thanh khoản tăng mạnh một phần nhờ VN-Index tăng mạnh hơn so với tháng trước, nhưng thực tế giao dịch buổi chiều cũng đã đóng góp đáng kể vào việc tăng thanh khoản cho thị trường.

Nếu ở tuần đầu áp dụng giao dịch buổi chiều (5-9/3), KLGD trong buổi chiều chỉ chiếm từ 20-30% thì sang đến tuần này (12-16/3), KLGD buổi chiều đã chiếm gần một nửa, thậm chí ngày 15/3, KLGD buổi chiều còn vượt KLGD buổi sáng, đạt hơn 50 triệu đơn vị, bằng cả phiên giao dịch của tháng 2.

Tại sao môi giới trở nên quan trọng?

Phiên giao dịch buổi sáng kết thúc muộn hơn trước 30 phút, đến 11h30 và bắt đầu khá sớm, 13h – 14h (sàn HoSE) và 1h-14h15 (sàn Hà Nội).

Thực tế trong tuần đầu triển khai giao dịch buổi chiều, cả nhà đầu tư và dân môi giới “kêu oai oái”.

Ở phía nhà đầu tư, trước đây, nhà đầu tư đã quen với việc kết thúc giao dịch lúc 11h. Với những người không làm trong ngành chứng khoán, buổi chiều có thể “toàn tâm toàn ý” cho công việc chuyên môn của mình. Còn nay, chiều cũng phải "căng mắt" ra xem bảng, mà biến động những ngày này lại lớn, cẩn thận mất tiền như chơi.

Như phiên giao dịch cuối tuần trước (16/3), trong 15 phút cuối giao dịch ATO, một quỹ ETF cơ cấu lại danh mục đầu tư đã “đè đầu” toàn bộ bluechips thuộc nhóm VN30 bán giá sàn, trong khi phiên giao dịch buổi sáng nhà đầu tư vẫn đang tranh nhau treo giá trần. Chỉ cần lơ là một phút, có khi mất cả trăm triệu.

Hơn nữa, sắp tới khi sàn Hà Nội thay đổi quy chế giao dịch, bắt đầu triển khai từ 26/3, khi đó giá tham chiếu cho phiên giao dịch T+1 sẽ tính bằng giá bình quân trong 15 phút cuối của ngày T. Biến động lúc đó lại càng lớn. Những nhà tạo lập thị trường không cần phải đánh mòn mỏi cả phiên trên sàn Hà Nội như trước, mà chỉ cần tập trung trong 15 phút cuối là mọi việc có thể “đổi trắng thay đen”.

Thị trường biến động như vậy, trong khi thời gian giao dịch lại gấp, nhà đầu tư cần phải có một môi giới quản lý tài khoản. Tất nhiên không thể để môi giới tự ý quyết tài khoản của mình, nhưng ít ra, có người “báo động” lúc thị trường “có biến” cũng là điều cần thiết.

Phí đặt lệnh nếu có môi giới quản lý tài khoản hiện ở mức 0,2- 0,4%/giá trị giao dịch, còn phí đặt lệnh online không có môi giới khoảng 0,15%/giá trị giao dịch, có sự chênh lệch, nhưng thà chịu mất một chút phí, còn hơn giảm 5% (sàn HoSE) hay 7% (sàn Hà Nội).

Các môi giới khi giao dịch buổi chiều cũng bận rộn hơn nhiều, trước đây môi giới sau khi đi ăn trưa, buổi chiều có thể nghe ngóng tin tức đâu đó, sau đó đi uống cà phê, mang giấy tờ cho khách ký, làm hồ sơ vay vốn cho khách…Nói chung là công việc buổi chiều khá thảnh thơi, thường thì đến 4h -5h chiều là xong hết mọi việc. Tuy nhiên khi thay đổi thời gian giao dịch, công việc thường kéo dài đến khoảng 6h chiều.

Theo ông Tuấn Minh Tuấn –Trưởng bộ phận phân tích, CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BSC cho rằng, việc thay đổi thời gian giao dịch không ảnh hưởng nhiều đến thị trường, thị trường tốt hay không phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô và niềm tin của nhà đầu tư. Các môi giới sẽ gặp một chút khó khăn để thay đổi thói quen trước kia, nhưng đây là một bước tập rượt tùy theo tình hình. “Chúng ta đặt ra bài toán khó và sẽ tự giải quyết dần”, ông Tuấn nói.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên