MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Địa chỉ” đến của đồng tiền 2014

Có nhiều nguyên do để xác định vì sao chứng khoán sẽ là kênh hút tiền số 1 của 2014.

Không có nhiều thay đổi so với năm 2013, bức tranh đầu tư 2014 được dự báo ít sôi động. Thạc sĩ Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn - ĐH Mở TP HCM đã chia sẻ với DĐDN những dự cảm về cơ hội đầu tư cho một năm mới.

Chứng khoán

Có nhiều nguyên do để xác định vì sao chứng khoán sẽ là kênh hút tiền số 1 của 2014.

Thứ nhất, tín dụng năm 2014 sẽ không quá eo hẹp như 2013. Dự kiến của NHNN là tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 12-14%, tức “rộng rãi” hơn so với năm trước. Đồng thời, sau một năm lạm phát đã ở mức thấp lịch sử của 10 năm, tuy Chính phủ sẽ không chọn giải pháp nới lỏng tiền tệ nhưng nhu cầu kích thích đầu tư để khôi phục nền kinh tế là cần thiết, và không thể không làm nếu không muốn VN tụt lại và mắc kẹt ở ngưỡng trì trệ. Vì vậy, bội chi ngân sách hiện đã được duyệt nâng trần từ 4,8% lên 5,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội được Quốc hội giữ nguyên 30% GDP. Cùng với nguồn lực trong nước, dòng vốn đầu tư bên ngoài dự kiến sẽ quan tâm vào TTCK cũng đang có triển vọng tăng. Bởi, tuy đã có mức tăng trên 20% trong năm 2013 (với chỉ số Vn-Index), song P/E của chứng khoán VN vẫn đang thấp hơn so với nhiều thị trường trong khu vực. Đặc biệt, các nhà đầu tư sẽ rất quan tâm đến thị trường chứng khoán với một số ngành hàng có thể khai thác được đối tượng tiêu thụ 90 triệu dân. Cộng thêm, VN vẫn đang có nhiều DN làm ăn tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ - thị trường theo báo cáo của Tham tán Công sứ thương mại VN tại Mỹ Đào Trần Nhân - luôn chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của VN trong nhiều năm qua. Năm 2014 với những tín hiệu rút gói nới lỏng định lượng QE3 và tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp, nền kinh tế Mỹ đang có cơ sở hồi phục. Kéo theo sẽ là các thị trường nhập khẩu hàng Việt khác.

VN, với tư cách quốc gia đang thu hút làn sóng đầu tư ngoại, đặc biệt từ sự dịch chuyển sóng đầu tư khỏi nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, cũng sẽ gia tăng sức mạnh đòn bẩy cho thị trường chứng khoán. Đầu tư qua kênh cổ phiếu dường như đang là con đường ngắn để các quỹ, các nhà đầu tư tổ chức góp vốn và tham gia quản trị tại nhiều DN Việt. Vì vậy, nhiều mã cổ phiếu sẽ rơi vào tầm ngắn đầu tư tài chính lẫn đầu tư dài hạn của khối ngoại. 

Một tiền đề khác hứa hẹn hút vốn vào chứng khoán, là cam kết cổ phần hóa và IPO của những DN lớn, thuộc các Tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước. Cộng thêm, SCIC, với danh mục đầu tư khá lớn vào các DN niêm yết đang lên kế hoạch thoái vốn ở nhiều ngành hàng khác nhau, cũng hứa hẹn tăng lượng hàng hóa có tính thanh khoản và khối lượng giao dịch tốt trên thị trường.

Vàng

Sóng vàng vẫn dập dềnh. Sụt giảm kỉ lục 28% ở năm 2013, giá vàng quốc tế cùng chính sách quản lí của thị trường vàng trong nước sẽ khiến các nhà đầu tư vàng chùn tay với vàng. Ngay cả những người chơi qua tài khoản lẫn đầu tư vàng vật chất, đều có thể đang có tâm lí e sợ cầm vàng… đứt tay.


Nhưng như vậy không có nghĩa vàng hoàn toàn đánh mất sức hút. Ở VN, bên cạnh những tay đầu cơ, buôn lậu vàng cỡ lớn, số người “sống, chết” với vàng lại chính là những người có khả năng gắn bó với vàng bền lâu nhất. Đó chính là các bác hưu trí, anh nông dân, chị tiểu thương – những người tuy cầm vàng theo kiểu tích tiểu thành đại nhưng cũng có thể góp thêm sóng to gió lớn hay mục tiêu để tạo sóng lớn ở thị trường này.

Năm 2014, vàng miếng được xác định tiếp tục trong cơ chế kiểm soát độc quyền. Đầu tư vàng theo đó, trước hết, phải là mối bận tâm của các tổ chức có tư cách tham gia thị trường đấu thầu. Nhưng phỏng đoán xu thế hay đưa ra dự đoán xu thế cho giới này là một điều bất khả thi, vì các nhà đầu tư tổ chức này không chỉ nhìn sóng quốc tế, chốt giá thị trường theo nguyên tắc mua thấp bán cao. Họ còn có thể ra quyết định vì những nhân tố khác.

Người mua vàng vật chất nhỏ lẻ, vì vậy, thường cho rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu chọn vàng nhẫn, vàng trơn. Như những hàng hóa dễ bán, dễ mua, ít bị kiểm soát, nhất là khi không phải ai cũng giao dịch mua bán vàng nhẫn, vàng trơn nhỏ lẻ mà đạt tới trên 300 triệu đồng/ngày. Nhưng nếu muốn chọn vàng nhẫn, vàng trơn để đầu tư sinh lợi, mặt hàng này thực tế vừa cho tỷ suất sinh lời thấp, mà rủi ro lại phải tính tới năm lần: Tác động của thị trường quốc tế, nhà đầu tư cấp 1, chính sách quản lí, tỷ giá và… vàng lậu. Bởi vậy, sóng vàng nhẫn, vàng trơn tuy chỉ lăn tăn dập dềnh nhưng ai muốn đu theo để chờ sóng lớn, cũng rất dễ úp ván, lật thuyền.

Bất động sản

Cơ hội của dự án địa ốc. Bất động sản (BĐS) là tài sản lớn và luôn đòi hỏi sự hỗ trợ của những nguồn lực lớn. Chưa biết các nguồn lực trên thị trường BĐS năm 2014 sẽ thế nào, thì trước hết muốn có sóng ở thị trường này, địa ốc năm 2014 phải được giải phóng khỏi khối hàng tồn kho lũy kế của năm 2013, cũng như không bị “bóng đè”bởi nguồn cung dự báo sẽ được tung ra.


Kinh nghiệm năm 2013 cho thấy phân khúc nhà ở là phân khúc đang được quan tâm của chính sách và cũng được các nhà đầu tư lớn, nhỏ tập trung tham gia. Nhưng những dự án đang có và sức mua thực tế năm qua, lẫn nguồn lực dự phóng năm tới, khả năng sẽ còn nhiều nhà đầu tư thứ cấp mắc kẹt, đặc biệt ở các sản phẩm “cao không tới, thấp không thông” như căn hộ giá trên 1,5 đến 2,5 tỉ đồng, trừ phi đó là những căn hộ thực sự cao cấp ở tại các vị trí trung tâm và có mức giảm so với giá ban đầu ít nhất 50%. Do đó, nếu không có một cú “kích thích” đặc biệt, phân khúc sản phẩm này sẽ khó chuyển động.

Ở khu vực kinh doanh cho thuê địa ốc và phát triển BĐS du lịch, nếu nền kinh tế tiếp tục có những dịch chuyển theo chiều tích cực, và đặc biệt nếu ngành du lịch giữ nguyên tốc độ tăng trưởng ngoạn mục – cán mốc mục tiêu đã đặt ra của tận năm 2015 như năm 2013 - thì nhu cầu đầu tư đón làn sóng du lịch và nghỉ dưỡng của khách hàng nội địa lẫn nước ngoài sẽ tăng lên. Cùng với đó, xu thế nở rộ các quỹ đầu tư với nguồn vốn chừng vài chục đến vài trăm triệu USD/ quỹ, đang rắp ranh mở ra để tìm kiếm những tài sản tốt, giá còn rẻ tại VN, cũng sẽ giúp tài sản địa ốc phân khúc nghỉ dưỡng của VN dễ lọt vào danh mục tầm ngắm. Tất nhiên, vị trí vẫn là yếu tố tiên quyết quyết định mãi lực của bất kì loại tài sản địa ốc nào. Do đó, kinh doanh cho thuê hay phát triển BĐS du lịch đều chỉ có cơ hội tập trung ở một vài khu vực.

Tiết kiệm

Tạm trú tiết kiệm. Với chỉ tiêu lạm phát năm tới dưới 7%, tiết kiệm khó có điều kiện bật đáy lãi suất.

Những nhà đầu tư lọc lõi sẽ không chọn tiết kiệm làm kênh sinh lời mà sẽ chỉ trú chân tạm thời trong khi họ tìm kiếm những cơ hội đầu tư rõ ràng hơn ở các kênh khác. Vì vậy, mức độ liên thông giữa tiết kiệm và các lựa chọn chuyển sang tài khoản chứng khoán, thậm chí sau đó là BĐS, vàng… tuy không còn chặt chẽ nhưng vẫn được duy trì. Tỷ lệ những người giàu “đông tiền mặt” trong thị trường khách hàng tổ chức và dân cư tuy ít, nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số dư huy động của nhiều ngân hàng, cho thấy khuyến nghị gửi tiết kiệm của Thống đốc NHNN không phải không có lí.

2014, nếu không tính ngoại tệ, hàng hóa, những chỗ trũng, chỗ nông đón dòng tiền khá rõ ràng. Tất nhiên, tiền sẽ không đổ đều đặn vào một thị trường và cũng không phủ sóng ở mọi kênh đầu tư trong cùng thời điểm. Hàn thử biểu chứng khoán với những điểm son xuất khẩu, một số nhóm ngành liên quan đến sức mạnh tiêu dùng nội địa, có khả năng hưởng lợi từ TPP… vẫn sẽ đi trước nền kinh tế. Chọn điểm son nào là quyết định tùy thuộc khẩu vị của từng nhà đầu tư, cũng như tùy thuộc năng lực vốn và mức độ chịu đựng rủi ro... Trong cuộc chơi đầu tư tài chính, nếu nhìn tổng quan, không có kì vọng nào được xây bằng mục tiêu cho tổng bằng 0, mà quan trọng là mỗi vòng quay sẽ mang đến lợi ích như thế nào cho nền kinh tế.

thanhhuong

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên