MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm tin chứng khoán tuần

CTCP Chứng khoán Thăng Long cho rằng, thị trường đã tạo ra những nền tảng tốt hơn để cho thấy khả năng giảm điểm nhỏ dần.

TTCK Việt Nam đã có 4 phiên tăng điểm sau khi mất 13.5 điểm vào thứ Hai đầu tuần. Mốc 500 điểm vẫn đang là ngưỡng hỗ trợ khá mạnh cho thị trường khi VN-Index đã có thời điểm giảm xuống 496 điểm song sau đó đã hồi phục nhẹ trở lại. Tuy nhiên tính chung cả tuần, VN-Index mất gần 7 điểm so với tuần trước.

Khối lượng giao dịch trong phiên cuối tuần đã tăng trở lại, sau 4 phiên giảm liên tiếp, đạt gần 1,568 tỷ đồng. KLGD thỏa thuận trong phiên cuối tuần gấp gần 3 lần các phiên trước do khối ngoại đẩy mạnh giao dịch nội khối hơn 20 mã.

Nhìn chung, trong tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những diễn biến theo sát với các diễn biến của TTCK thế giới.


Diễn biến TTCK Mỹ tuần qua (07/06 - 11/06)

Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa giảm 13.5 điểm khi ảnh hưởng từ TTCK Châu Á và thông tin TTCK Mỹ đóng cửa phiên thứ 6 tuần trước đó giảm mạnh do thông tin Hungary có khả năng lâm vào hoàn cảnh giống Hy Lạp. Ngoài ra, thông tin về nhóm các công ty thuộc Quỹ đầu tư của Dragon Capital đăng ký bán ra 19 triệu cổ phiếu STB cũng ảnh hưởng mạnh đến tâm lý các NĐT sáng thứ hai (7/06).

Tuy nhiên ngay sáng thứ Hai (giờ Việt Nam), Hungary đã phủ nhận khả năng vỡ nợ và sau đó chính phủ này đã công bố cải tổ lại hệ thống thuế và giảm chi tiêu vào thứ Ba đã khiến nỗi lo về khủng hoảng nợ Châu Âu lắng dịu lại.

Romania cũng công bố nước này lâm vào khủng hoảng trầm trọng nhất trong 60 năm. Nhà đầu tư lo lắng sự cố tràn dầu tại vùng Vịnh ảnh hưởng đến cổ tức của BP và đẩy BP đến khả năng phá sản đã khiến TTCK Mỹ giảm điểm vào phiên thứ 4.

TTCK Việt Nam sau phiên thứ Hai giảm sâu, hoạt động bắt đáy tăng dần tại mốc 500 điểm khiến Vn-Index có 4 phiên tăng điểm liên tiếp, mặc dù mức tăng không lớn. DC bán STB tạo ra một khoảng trống trong room về cổ phiếu ngân hàng này, hơn 3.6 triệu cổ phiếu STB bán ra phiên thứ 6 tuần trước đã được nhóm NĐT nước ngoài khác mua lại. STB tăng nhẹ cũng đủ trấn an tâm lý của các NĐT.

Thứ Năm, thông tin về nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc và phát biểu của chủ tịch FED cho rằng khủng hoảng nợ Châu Âu chỉ ảnh hương nhẹ đến Mỹ đã khiến TTCK thế giới tăng mạnh trở lại. Thị trường Mỹ tăng điểm cũng bởi một phần từ hoạt động short-covering, hoạt động mua lại chứng khoán bán khống trong các phiên giảm điểm trước đó.

VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần với sức cầu tăng nhẹ tại hầu hết các mã bluechips. Thông tin về REE công bố ngày chốt quyền thưởng cổ phiếu 1:1, cổ tức 20% bằng cổ phiếu và quyền mua trái phiếu chuyển đổi khiến mã này tăng trần trong phiên cuối tuần lên 50,500 đồng/cp hay các thông tin khác về Minh Phú (với tin về doanh thu xuất khẩu đạt cao); HAG (dự báo kết quả kinh doanh năm nay khả quan hơn) và PVD (mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ)…


Diễn biến Vn-Index và HNX-Index trong 1 tháng qua

NĐT đã phản ứng thái quá

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, các NĐT bán tháo trong phiên giao dịch hôm thứ Hai đầu tuần đều đã phản ứng thái quá.

Nền kinh tế trong nước hiện đang vẫn đang trong giai đoạn ổn định. Trong cuộc họp giữa ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) với Tổng Giám đốc các NHTM ngày 11/06, phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định NHNN sẽ tiếp tục có các biện pháp phù hợp để hạ lãi suất huy động VND xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay VND khoảng 12% và dùng các công cụ của chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và chủ động để hỗ trợ các NHTM giảm mặt bằng lãi suất kinh doanh và tăng thanh khoản cho nền kinh tế.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2010 khoảng 5.5% so với cuối năm 2009, quá thấp so với chỉ tiêu 25% của cả năm, nên NHNN trong tháng 5/2010 đã bơm ròng qua thị trường mở 21,000 tỷ đồng, tuần đầu tháng 6 là 7,000 tỷ đồng, tuần qua là hơn 9,000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại buổi tọa đàm do Hiệp hội doanh nghiệp Anh (BBGV) và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức cho khoảng 150 lãnh đạo và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tại TPHCM ngày 11-6, ông Tom Tobin, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, phát biểu rằng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 7,2% trong năm nay.

Tâm điểm của tuần qua là Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra ở Kiên Giang. Tại cuộc họp ngày 11/6, IMF dự báo, cán cân thanh toán trong năm 2010 của Việt Nam sẽ cân bằng hơn nhờ xuất khẩu phục hồi và kinh tế toàn cầu khởi sắc.

Thâm hụt cán cân vãng lai sẽ được bù đắp bởi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các luồng vốn chính thức. Nếu niềm tin vào tiền đồng được duy trì, áp lực tới tỷ giá sẽ giảm bớt, cho phép tăng dự trữ ở mức khiêm tốn trong năm 2010.

Tuy nhiên, IMF khuyến cáo nếu nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm có thể sẽ dẫn đến những xáo trộn nữa trong thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ liên ngân hàng vào cuối năm nay.

Chờ đợi đột phá về KLGD

Hiện tại, mối quan tâm duy nhất của các NĐT Việt Nam là KLGD vẫn ở mức thấp. Mốc sắp tới VN-Index có thể hướng đến là 510 điểm, tuy nhiên trong tình hình khủng hoảng nợ Châu Âu vẫn chưa rõ ràng, khả năng NĐT sẽ bán cổ phiếu khi VN-Index lên trên 516 điểm là khá lớn.

Theo CTCP Chứng khoán TP.HCM, tình trạng giao dịch lình xình này nhiều khả năng trước mắt sẽ còn tiếp diễn và mặc dù thị trường có thể tăng trong tuần tới thì mức tăng này cũng sẽ không vượt ra khỏi trong phạm vi biến động hiện tại.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Thăng Long cho rằng, thị trường đã tạo ra những nền tảng tốt hơn để cho thấy khả năng giảm điểm nhỏ dần. Với nhà đầu tư tổ chức, việc mua cổ phiếu luôn được khuyển nghị bởi vùng điểm này là một vùng giá trị hấp dẫn. Với NĐT, chỉ nên mua cổ phiếu nếu bạn tin rằng cổ phiếu bạn chọn có giá trị hấp dẫn, không mua theo thị trường.

Phương Mai
(tổng hợp)

phuongmai

Trở lên trên