MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng tiền nào sẽ được sử dụng trên sàn chứng khoán Campuchia

Việc quyết định đơn vị tiền tệ nào sẽ được sử dụng cho TTCK sắp khai trương tại Campuchia hiện là vấn đề nóng bỏng.

Chống lại tình trạng đôla hóa và quảng bá cho đồng Riel hay…

Tuy nhiên, thái độ chung trước vấn đề này dường như là sự né tránh cả đối với những quan chức chính phủ ủng hộ cho việc quảng bá đồng Riel cũng như những nhà điều hành thị trường chứng khoán ủng hộ đồng đôla vì sự an toàn của đồng bạc xanh này.

“Chúng tôi muốn sử dụng đồng Riel với lý do chính là để quảng bá việc sử dụng đồng nội tệ. Đó cũng là một phần của nỗ lực chống lại trình trạng đôla hóa,” nhận định của bà Tal Nay Im – Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC).

Bà Nay Im từ chối trả lời về việc chính phủ sẽ lựa chọn đơn vị tiền tệ nào và những câu hỏi liên quan đến ông Ming Bankosal – Tổng Giám đốc Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Nhà nước Campuchia (SECC).

Về phía mình, ông Bankosal cho rằng hiện chưa có quyết định chính thức về vấn đề này, nhưng quá trình đánh giá của chính phủ và tất cả các bên liên quan cũng như ngày công bố chính thức đơn vị tiền tệ nào được chọn dự kiến sẽ diễn ra vào giữa Tháng Tư tới.

Mặc dù, thị trường chứng khoán tạo cơ hội cho các nhà lập pháp thực thi chính sách chống lại tình trạng đôla hóa, nhưng giới điều hành thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư tư nhân lại quả quyết rằng lúc này nền kinh tế chưa sẵn sàng cho việc gia tăng đột ngột vai trò của đồng Riel. Được biết, chính sách chống lại tình trạng đôla hóa là một quá trình cung cấp cho các nhà lập pháp một số công cụ tiền tệ như thiết lập lãi suất cơ bản.

“Theo tôi thì giới đầu tư sẽ thích thị trường sử dụng đồng đôla. Bên cạnh đó, các thương nhân tại Campuchia cũng tiến hành hoạt động kinh doanh bằng đồng bạc xanh. Vì thế việc chuyển đổi hoàn toàn sang đồng Riel sẽ là một quyết định hết sức khó khăn”, nhận xét của ông Douglas Clayton – Giám đốc điều hành đồng thời là đối tác chính của Tập đoàn quản lý các quỹ đầu tư tại các thị trường mới nổi Châu Á, Leopard Capital.

Theo ông thì các tranh cãi về sự lựa chọn đơn vị tiền tệ nào không chỉ nằm ở vấn đề lòng tin mà còn do đồng Riel không được giao dịch một cách tự do. Do đó, việc phát thảo giá trị tương lai của đồng tiền này là hết sức phức tạp và rủi ro đối với nhà đầu tư.

Ông nói: “Hiện có tới 90% số hợp đồng giao dịch thương mại sử dụng đơn vị là đồng đôla nên việc sử dụng đồng tiền này cho sàn chứng khoán là hết sức hợp lý.”

Giải pháp nào giúp cả hai bên hải lòng?

Một biện pháp khôn ngoan nhằm thực hiện việc kiểm soát vai trò của đồng Riel trong thị trường chứng khoán cũng chính là thước đo nguồn cung đồng Riel trong nền kinh tế và chuyển đổi công năng sử dụng đồng tiền này trong thị trường chứng khoán cho phù hợp.

Ông Clayton thắc mắc: “Liệu đây có phải là thời điểm chống lại trình trạng đôla hóa trong nền kinh tế. Tôi không muốn chứng kiến việc thị trường chứng khoán đi trước một bước so với các lĩnh vực còn lại của nền kinh tế.”

Kang Chandararot – Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Phát triển Campuchia (CIDS) đưa ra một chiến lược làm hài lòng cả hai bên. Đó là trái phiếu chính phủ sẽ được niêm yết bằng đồng Riel, còn cổ phiếu sẽ được niêm yết bằng đồng đôla. Trong bối cảnh như hiện nay, chiến lược trên có thể được xem là hợp lý nhất.

Trong một email gửi ngày 23/03, ông cho biết: “Nếu chính phủ sử dụng đồng đôla thì cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ sử dụng dự trữ ngoại hối trong một chừng mực nhất định hoặc phải tìm thêm nguồn dự trữ ngoại hối mới. Hiện các khoản tài chính công và kinh phí hoạt động đều ở dạng đồng Riel. Điều này sẽ gây áp lực đối với chính phủ Campuchia, từ đó gây áp lực lên giá cả và đồng tiền của quốc gia.”

Theo ông Chandararot, việc niêm yết cổ phiếu bằng đồng đôla sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm đầu tư hơn. Nhất là trong bối cảnh niềm tin vào đồng Riel vẫn còn thấp và triển vọng kinh tế vĩ mô dài hạn chưa ổn định.

Nếu cổ phiếu được niêm yết bằng đồng Riel (vì lợi ích của việc ngăn chặn đôla hóa) thì các nhà quản lý tiền tệ sẽ đối mặt với áp lực cao để bình ổn tỷ giá hối đoái.

Giám đốc điều hành một ngân hàng có nộp đơn xin cấp phép hoạt động trong lĩnh vực môi giới chứng khoán cho biết mặc dù đa số các doanh nghiệp đều mong muốn sử dụng đồng Riel nhưng việc thị trường có khả năng hấp thụ lượng nội tệ khổng lồ tại cùng thời điểm vẫn là ẩn số.

Chúng ta phải nhìn bức tranh tổng quan của thị trường thì mới có thể quyết định được nên sử dụng đơn vị tiền tệ nào.

Trong trường hợp Campuchia lựa chọn đồng nội tệ thì NBC buộc phải in một lượng lớn đồng Riel, qua đó có thể khiến lạm phát leo thang.

Trong khi đó, việc điều hành thị trường chứng khoán theo cả hai loại tiền tệ này có thể dẫn đến hiện tượng cơ lợi (arbitrage*). Hiện tượng này xảy ra khi các chuyên viên đầu tư kiếm lợi nhuận hết sức nhanh chóng bằng cách chuyển đổi đồng tiền này để lấy đồng tiền khác khi xuất hiện biến động giá trị.

“Đây là hiện tượng không tốt trong việc cơ cấu một thị trường chứng khoán. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu phát triển, chúng ta phải biết cách thức xây dựng một thị trường an toàn”, vị giám đốc ngân hàng giấu tên trên nhận định.

Ý kiến từ phía Hàn Quốc

Ông Lee In-pyo, Giám đốc quản lý dự án tại Phnom Penh của sàn chứng khoán Hàn Quốc - tổ chức đang quản lý khoảng 45% cổ phần của sàn chứng khoán Campuchia - khẳng định rằng chính phủ Campuchia và phía Hàn Quốc đang tiến hành thảo luận xung quanh vấn đề trên.

“Chúng tôi vẫn đang tranh luận và Chính phủ Campuchia đang cố gắng thuyết phục chúng tôi sử dụng đồng Riel nhưng trên thực tế sử dụng đồng đôla tốt hơn”, ông nói.

Mặc dù ông Lee cho rằng mục tiêu ngăn chặn tình trạng đôla hóa của Campuchia là có khả năng thành công, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ này phụ thuộc nhiều vào vấn đề thời gian.

Trưởng đại diện của Công ty Chứng khoán Tong Yang tại Hàn Quốc, ông Han Kyung-tae, tiết lộ rằng ông nhận được thông tin chính phủ Campuchia đang cân nhắc việc dùng hệ thống tiền tệ kép.

“Tuy nhiên về cơ bản, tôi cho rằng Campuchia nên áp dụng đồng đôla trước, sau đó sẽ biết được có khả thi hay không khi dùng đồng Riel. Dưới quan điểm của một nhà đầu tư, nếu sử dụng đồng Riel thì việc đưa ra quyết định đầu tư là hết sức khó khăn vì rủi ro tiền tệ”. ông Han Kyung-tae nhận định.

Theo Vietstock/CambodiaDaily

ngocdiep

Trở lên trên