MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dragon Capital chốt lời Sacombank

Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 8,17% cổ phần Sacombank do Dragon Capital nắm giữ vừa được ký với giá bán cao hơn hẳn giá đang giao dịch trên sàn.

Thực ra hội đồng đầu tư của Dragon Capital đã có kế hoạch chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) từ khoảng cuối năm ngoái đầu năm nay. Việc tìm người mua và đàm phán kéo dài.

Chốt lời chỗ “chín muồi”, giải ngân nơi “chớm ra hoa”

“Không có tổ chức nào chung thuỷ với các doanh nghiệp mà chúng tôi bỏ vốn vào như Dragon Capital. Chúng tôi nắm giữ cổ phiếu Sacombank mười năm. Việc chuyển nhượng sở hữu tại đây nằm trong chiến lược dài hạn cơ cấu danh mục đầu tư, chuyển bớt vốn từ lĩnh vực ngân hàng sang lĩnh vực khác của Dragon Capital. Năm kia, chúng tôi đã chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng Phương Nam, năm ngoái chuyển nhượng cổ phiếu VPBank và năm nay là Sacombank”, ông Dominic Scriven, tổng giám đốc công ty quản lý quỹ Dragon Capital nói.

Dragon Capital đang có những cơ hội đầu tư mà theo họ đánh giá là chưa bao giờ tốt hơn thế kể từ nhiều năm nay. “Bây giờ là cơ hội tuyệt vời để giải ngân”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh. Do đó việc chốt lời đối với khoản đầu tư vào Sacombank được cho là đã “chín muồi” để chuyển sang các công ty mới chỉ “chớm ra hoa” đầy tiềm năng, chẳng có gì đáng để bàn.

 
Có chăng là động thái chuyển nhượng của Dragon Capital đã diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi một nhóm các nhà đầu tư vẫn đang kiên trì mua vào cổ phiếu Sacombank. Cùng lúc các tổ chức có liên quan đến các thành viên hội đồng quản trị ngân hàng liên tiếp thông báo mua vào hàng triệu cổ phiếu.
 
Theo báo cáo đến ngày 14/7, quỹ VEIL thuộc Dragon Capital
đang nắm giữ khoảng 27,7 triệu USD giá trị cổ phiếu STB.
Quỹ này cũng đang nắm giữ 58,4 triệu USD cổ phiếu ACB.

Thêm khó cho thâu tóm

Vài ngày trước, công ty khai thác và quản lý khu công nghiệp Đặng Huỳnh, một công ty con của Thành Thành Công đăng ký mua vào 9,8 triệu cổ phiếu Sacombank. Ngay trước đó, công ty đường Ninh Hoà, một doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE, nơi Thành Thành Công nắm giữ cổ phần chi phối cũng đăng ký mua vào 3,6 triệu cổ phiếu Sacombank. Giới đầu tư cũng chưa quên đầu tháng 7.2011, Thành Thành Công đã thông báo chính thức mua thoả thuận 15 triệu cổ phiếu Sacombank, nâng số lượng nắm giữ lên 20 triệu.

Đó là những khởi động chuẩn bị cho một bước tiến mới của công ty cổ phần sản xuất thương mại Thành Thành Công trên thương trường. Ngày 28.7.2011, công ty này tròn 32 tuổi và sẽ nâng vốn từ 1.000 tỉ đồng hiện tại lên 3.000 tỉ đồng nhằm mở rộng lĩnh vực đầu tư tài chính. Mấy chục năm nay, Thành Thành Công bám trụ ở lĩnh vực phân phối đường và rỉ mật. Hiện nay, khi đã chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực đó, công ty chuyển mạnh sang sản xuất đường và đầu tư tài chính.

Những chuyển động ở Sacombank, như vậy, đã có một bước ngoặt.

Thứ nhất, 30% cổ phần dành cho nước ngoài ở đây vẫn không thay đổi. Trong khi đó, nếu mua vào thành công trong thời gian tới, tỷ lệ cổ phiếu ngân hàng do các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát và các tổ chức có liên quan nắm giữ tăng lên đáng kể. Lượng cổ phiếu bên ngoài có khả năng giao dịch sẽ thu hẹp lại.

Trong trường hợp tiếp tục thực hiện ý định mua vào của mình, nhóm nhà đầu tư mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết Sacombank phòng thủ trước áp lực bị thâu tóm?, có thể phải tăng tốc độ giao dịch. Một nhà đầu tư của nhóm này cho biết họ vẫn giao dịch bình thường, song không phủ định cũng không khẳng định mục đích đầu tư. Với họ, câu trả lời đơn giản vẫn là “giá cổ phiếu ngân hàng đang quá rẻ”.

Thứ hai, do bắt đầu mua vào từ khi Sacombank có giá 22.000 đồng/cổ phiếu cách đây hơn 15 tháng, có thể phỏng đoán giá vốn bình quân của nhóm nhà đầu tư vẫn đang có một khoảng cách nhất định với giá thị trường của Sacombank (giá ngày 26.7.2011 là 13.900 đồng/cổ phiếu). Cho dù mang tính suy diễn, khó có chuyện họ từ bỏ “cuộc chơi” lúc này, nhất là khi tiềm lực tài chính của họ không nhỏ.

Thứ ba, giả sử có mục đích thâu tóm, khả năng thương lượng để mua lại phần sở hữu của các cổ đông lớn khác từ nay sẽ trở nên khó khăn hơn. Hai đối tác nước ngoài thế chỗ Dragon Capital, mỗi đối tác nắm giữ chỉ hơn 4% cổ phần. Việc đàm phán với các đối tác nhỏ mất nhiều thời gian và công sức hơn một tổ chức lớn. Chưa kể ngay cả khi thương lượng mang lại kết quả, giá mua bán sẽ không thể ở mức giá mà Dragon Capital vừa chuyển nhượng.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư tham gia cuộc chơi đều có sự chuẩn bị. Họ là những người hiểu biết lĩnh vực này, họ đã từng và đang hành nghề trong những tổ chức tín dụng.

Bên cạnh Sacombank, thị trường đang chứng kiến những giao dịch thú vị khác của cổ phiếu ngân hàng trên cả sàn niêm yết và OTC. Trong các ngân hàng đang dấy lên hy vọng thời kỳ gian truân nhất trong vòng mấy năm qua của kinh doanh tiền tệ, mặc dù chưa hết thử thách, sắp qua đi.

Theo Hải Lý
SGTT

thanhtu

Trở lên trên