MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo quy chế về ký quỹ: Chặt và thoáng

Chốt chặt tỉ lệ; Chốt chặt lãi suất; Nhiều blue-chip được đánh giá tốt sẽ không có trong danh sách.

Từ ngày 1.8, thông tư 74 sẽ chính thức có hiệu lực. Để nghiệp vụ ký quỹ được thực hiện cùng thời điểm với mua – bán CK trong cùng phiên và mở nhiều tài khoản, UBCK đã gấp rút hoàn thành dự thảo về nghiệp vụ ký quỹ để lấy ý kiến đóng góp từ các thành viên thị trường. Thông tin được thị trường đón chờ nhất là tỉ lệ ký quỹ thì dự thảo đưa ra là 70%.

Chốt chặt tỉ lệ

Theo dự thảo Quy chế hướng dẫn GDCK vừa được UBCK đưa ra, tỉ lệ ký quỹ ban đầu do CTCK quy định nhưng không được thấp hơn 70%. Tức là NĐT phải có ít nhất 70 đồng thì mới được vay CTCK tối đa 30 đồng.

Theo ý kiến từ đại diện UBCK, quan điểm của UBCK là thận trọng trong thời gian đầu thực hiện nghiệp vụ này vì trong thời gian qua có nhiều CTCK rơi vào tình trạng “nguy hiểm” khi thị trường có diễn biến xấu. Bởi trong phần vốn của CTCK cho vay có một phần vốn của NH, nên cần thận trọng.

Trong khi đó, theo nhiều ý kiến thì trước đây dù chưa có quy định thì các CTCK đã thực hiện một cách “thuần thục” nghiệp vụ này. Trong đó tỉ lệ ký quỹ bao nhiêu bao nhiêu là hợp lý (ở trong ngưỡng an toàn mà vẫn khuyến khích NĐT sử dụng).

Duy chỉ có điều, do chạy đua cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần một cách không lành mạnh khiến nhiều CTCK rơi vào tình trạng rủi ro quá cao và hiện một số đang phải hứng chịu hậu quả. Nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng, việc chốt chặt vào con số 70% đối với tất cả các CTCK, tất cả các mã CK là thực sự chưa hợp lý.

Chủ ý của cơ quan quản lý là mong muốn các CTCK và bản thân NĐT không bị rơi vào tình trạng mất an toàn, ảnh hưởng tới sự phát triển và thành quả của TTCK. Nhưng ở chiều ngược lại, theo GĐ một CTCK, với tỉ lệ vay là 30% giá trị giao dịch, có thể tính khả thi sẽ không cao và có thể làm nảy sinh những trường hợp luồn lách, “dưới chuẩn” để cạnh tranh lẫn nhau.

Chốt chặt lãi suất

Về dư nợ cho vay, dự thảo quy chế thoáng hơn khi cho phép CTCK được cho vay tới 200% vốn chủ sở hữu, thay vì tỉ lệ 100% như dự thảo trước. Hạn mức cho vay của CTCK với một khách hàng cũng tăng lên mức 3%, thay vì 1% vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, vướng mắc lại nằm ở quy định mức lãi suất cho vay.

Dự thảo quy định, lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa CTCK và khách hàng, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Điều này có nghĩa là với lãi suất trần hiện đang được giữ ở mức 9% thì lãi suất áp dụng trong trường hợp này cao nhất là 13,5%. Quy định này gặp phải nhiều phản ứng nhất, vì hiện lãi suất cơ bản gần như không còn được sử dụng như một công cụ điều tiết lãi suất thị trường nữa.

Thêm vào đó, lãi suất cho vay ra của các NHTM hiện đã ở mức 21-23% nên không có cớ gì CTCK (nhiều trường hợp vay vốn NH) lại chỉ được cho vay với lãi suất chưa bằng lãi suất huy động (14%). Bên cạnh đó, theo phó GĐ một CTCK thì mức lãi suất hỗ trợ tiền của CTCK đối với NĐT hiện đang ở mức cao ngất ngưởng 25-27%, nếu bắt đầu thực hiện từ 1.8, các hợp đồng hỗ trợ trên sẽ được xử lý như thế nào?

Do đó, theo ông này, cơ quan quản lý đưa ra quy định về lãi suất căn cứ theo lãi suất cơ bản như trên có thể nhằm hạn chế CTCK thực hiện nghiệp vụ này, song cũng cần nghiên cứu lại và có hướng dẫn để các CTCK triển khai.

Nhiều blue-chip sẽ không có trong danh sách

Về quy định loại CK được phép giao dịch ký quỹ, theo đại diện UBCK, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng về cơ bản, UBCK sẽ giao cho hai sở quyết định CP nào được giao dịch kỹ quỹ, dựa trên tiêu chí là CP của DN hoạt động bền vững, an toàn và CP có tính thanh khoản nhất định.

Trong dự thảo, cơ quan quản lý đã khá thoáng khi đưa ra điều kiện là CK đã niêm yết ít nhất 6 tháng trên sở GDCK, giá trị sổ sách không thấp hơn mệnh giá, không thuộc dạng hạn chế chuyển nhượng hay trong tình trạng giao dịch đặc biệt.

Dự thảo quy chế cũng yêu cầu chọn CP phải căn cứ so sánh tương đối như thanh khoản và mức biến động giá so với các mã CK khác. Cụ thể, tỉ lệ giữa giá trị giao dịch/giá trị vốn hóa thị trường trong 3 tháng không vượt quá 10 lần hoặc thấp hơn 1/10 giá trị bình quân tỉ lệ này của tất cả các CK niêm yết tại cùng sở giao dịch.

Giá trị bình quân của mức biến động giá trong 3 tháng trước ngày xem xét cũng không được vượt quá 150% giá trị trung bình của các CP cùng ngành cùng niêm yết tại sở. Giá trị bình quân của mức chênh lệch giá cao - thấp không vượt quá giá trị bình quân của mức chênh lệch giá cao - thấp của các CK khác niêm yết tại cùng sở giao dịch và không vượt quá 150% giá trị bình quân của mức chênh lệch giá cao thấp của tất cả các CK cùng ngành niêm yết tại cùng sở giao dịch. Danh sách các CK nhận tài trợ giao dịch ký quỹ sẽ được các CTCK công bố định kỳ tháng 4 và tháng 8.

Quy định trên được coi là khá thoáng nhưng theo nhiều phản ánh, rất nhiều mã CK (trong đó có nhiều mã blue-chip được đánh giá tốt) sẽ không nằm trong danh sách được phép giao dịch ký quỹ do có thị giá ở mức thấp hơn mệnh giá hoặc do không đáp ứng được yêu cầu về thanh khoản.

Theo Cao Sơn
Lao động

thanhtu

Trở lên trên