MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo sửa đổi Nghị định 58: “Cần loại bỏ hẳn quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các Công ty đại chúng”

Xét về mặt tác động đến TTCK, việc nới room nước ngoài luôn là chủ đề nóng với NĐT nói riêng và TTCK nói chung.

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng quy định “room” tối đa của NĐTNN tham gia góp vốn và các công ty đại chúng là không cần thiết, không đảm bảo thực hiện cam kết trong WTO và không khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư phát triển kinh tế xã hội, cản trở dòng vốn ngoại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo quy định hiện tại, ngoại trừ các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, NĐTNN được mua cổ phần không hạn chế đối với các doanh nghiệp không đại chúng. Trong khi đó, các doanh nghiệp đại chúng phải chịu chung giới hạn đầu tư tối đa của Nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49%.

Quy định này là không cần thiết vì những ngành nghề cần giới hạn tỷ lệ đầu tư đối đa của nhà đầu tư nước ngoài (như Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông, dược phẩm…) đã được quy định cụ thể tại các quy định pháp luật chuyên ngành. Quy định này cũng không nhằm mục tiêu bảo vệ cho bất cứ đối tượng NĐT nào: từ NĐT trong nước, NĐT nước ngoài, NĐT nhỏ lẻ, NĐT lớn.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP, tinh thần chung là sẽ nới room cho NĐTNN nhưng lại chưa nêu rõ con số cụ thể mà thực hiện theo quyết định của Thủ tướng, đã không đáp ứng được sự trông đợi của nhà đầu tư.

Nếu quy định này được xử lý dứt điểm, loại bỏ hẳn quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các công ty đại chúng, cùng với diễn biến tăng trưởng kinh tế ổn định, nhiều cơ hội của nền kinh tế quốc dân sẽ được mở ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài sẽ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, trước mắt là tại các công ty đã niêm yết, tiếp đến là cơ hội để thúc đẩy nhanh chóng tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài ra, sự tham gia sâu rộng hơn nữa của các NĐT nước ngoài tại các DN Việt Nam sẽ tạo thêm động lực để DN cải thiện chất lượng quản trị, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tăng khả năng huy động vốn của các DN Việt Nam, tăng cường tính minh bạch của thị trường.

Xét về mặt tác động đến TTCK, việc nới room nước ngoài luôn là chủ đề nóng với NĐT nói riêng và TTCK nói chung. Chỉ tính riêng các công ty niêm yết đã hết room, theo thống kê của BSC có 34 cổ phiếu (29 trên HSX và 5 trên HNX) đều tập trung vào các doanh nghiệp lớn bao gồm các nhóm sau: Ngân hàng (CTG, MBB, ACB), Dược (DHG, DMC, JVC), Hàng tiêu dung (VNM, EVE, KRM, PNJ, TCM, BBC, MWG) và một số cổ phiếu khác như FPT, REE, CTD, BMP, VNS, GMD… Nếu dỡ bỏ hoặc nới room cho NĐT nước ngoài đối với các cổ phiếu này sẽ đẩy mặt bằng giá giao dịch lên và sẽ tạo ra một dòng tiền mới, tác động tích cực đến toàn bộ TTCK Việt Nam.

BSC cũng cho rằng, dự thảo đã lấy ý kiến nhiều lần và kéo dài gần 2 năm làm nhiều thành viên thị trường mất kiên nhẫn, ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK nói chung, tiến trình cổ phần hóa DNNN nói riêng. Để đảm bảo các chính sác sớm thực thi và có tác động tích cực, Dự thảo nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định 58 cần sớm được rà soát và ban hành trong tháng 4/2015.

A.D

PV

Tài chính Plus

Từ Khóa:
Trở lên trên