MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo sửa đổi Thông tư 74 và sự hé mở cho hoạt động bán khống

Với những quy định rõ ràng hơn về giao dịch T+0 và cho vay chứng khoán của công ty chứng khoán đối với hoạt động bán trước - mua sau, dự thảo sửa đổi Thông tư 74 dường như đã mở đường cho hoạt động bán khống

Ủy ban Chứng khoán (UBCK) vừa công bố lấy ý kiến về Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán. Đáng chú ý, với những quy định mới về giao dịch trong ngày và cho vay chứng khoán, dự thảo Thông tư này dường như mở đường một phần cho hoạt động bán khống.

“Bán khống” trong thời gian qua

Theo định nghĩa của UBCK, hoạt động bán khống là hoạt động bán cổ phiếu mà người bán không sở hữu vào thời điểm thực hiện giao dịch. Khi bán khống, chứng khoán thường được mượn từ tài khoản của nhà môi giới và bán trong trường hợp dự đoán giá chứng khoán giảm, và mua lại với giá thấp hơn trong tương lai nhằm thu lợi. Bán khống được NĐT quen gọi là bán trước – mua sau.

Không nói đến các giao dịch bán trước mua sau mà các nhà đầu tư tự thực hiện với nhau – vốn là các giao dịch “ngoài luồng” thì hoạt động được gọi là bán khống tại Việt Nam trong những năm qua là việc công ty chứng khoán cho nhà đầu tư bán chứng khoán trước điểm chứng khoán được chuyển về tài khoản theo quy chế giao dịch hiện hành. Tức là trong quá trình chờ số chứng khoán đã đặt mua đang trên đường về tài khoản thì công ty chứng khoán (có nghiệp vụ tự doanh và có cổ phiếu đó trong tài khoản) đã cho phép NĐT thực hiện lệnh bán.

Theo quy định tại Khoản 9, điều 71 Luật Chứng khoán thì nghĩa vụ của CTCK là thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính. Do Bộ Tài chính chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nên các CTCK không được triển khai.

Tuy nhiên với việc khái niệm "không sở hữu chứng khoán" chưa được quy định rõ, các CTCK vẫn có thể cho phép NĐT thực hiện bán số chứng khoán đang trên đường về tài khoản, nhưng phải “lách” dưới các dạng hợp đồng khác.

Sự hé mở cho hoạt động bán khống trong Dự thảo thông tư sửa đổi TT 74

Dự thảo được UBCK đưa ra lấy ý kiến có định nghĩa: Giao dịch mua bán trong ngày được thực hiện thông qua việc NĐT bán số chứng khoán đã mua từ lệnh mua đã được thực hiện trước đó trong cùng ngày giao dịch (mua trước – bán sau); hoặc NĐT mua thêm chứng khoán để bù lại số chứng khoán đã bán trước đó  (bán trước - mua sau).

Đối với việc bán trước – mua sau, kết thúc ngày giao dịch, số chứng khoán bán (bao gồm chứng khoán đã có trên tài khoản của NĐT, chứng khoán chờ về và chứng khoán vừa mua trong cùng ngày giao dịch) không được nhiều hơn số lượng chứng khoán đã mua. Tức là phải tất toán trạng thái ngay trong ngày.

Trong trường hợp số chứng khoán bán nhiều hơn số chứng khoán mua hay nói cách khác là NĐT không có đủ số chứng khoán bán thì ngay trong ngày giao dịch (ngày T), CTCK có trách nhiệm cho NĐT vay lượng chứng khoán còn thiếu. Chứng khoán cho vay được lấy từ tài khoản tự doanh của CTCK hoặc vay từ các thành viên khác, hoặc từ các nhà đầu tư khác ...

Lãnh đạo của một CTCK nhận xét, điều quan trọng là việc bán khống cổ phiếu chỉ diễn ra trong ngày, và tài khoản của NĐT phải có lệnh đối ứng (tức lệnh mua đã khớp trước đó). Trong trường hợp CTCK cho NĐT vay chứng khoán thì trong ngày vẫn phải tự cân bằng hàng hóa trong tài khoản nội bộ của CTCK và tài khoản của các NĐT khác tại CTCK đó. Tóm lại, dù thế nào, khi NĐT thực hiện bán khống, CTCK vẫn phải đảm bảo cân bằng hàng hóa trên tài khoản vào cuối ngày.

Như  vậy, dự thảo sửa đổi lần này với quy định về giao dịch T+0 và quy định cụ thể hơn về việc hỗ trợ thanh toán của CTCK đối với những NĐT thực hiện việc bán trước – mua sau cổ phiếu đã tạo ra một cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho các vướng mắc được nhắc đến trên kia.

Quy định về hỗ trợ thanh toán cũng ghi rõ, tại ngày làm việc tiếp theo (ngày T+1), nếu NĐT tiếp tục không có đủ số chứng khoán để chuyển giao từ các giao dịch đã thực hiện tại ngày giao dịch (ngày T), CTCK có trách nhiệm yết giá để thực hiện các giao dịch mua bắt buộc trên hệ thống giao dịch của SGDCK hoặc TTLKCK. Tại ngày thanh toán (ngày T+2), nếu NĐT tiếp tục không có đủ số chứng khoán để chuyển giao từ các giao dịch đã thực hiện tại ngày giao dịch (ngày T), CTCK phải thực hiện các lệnh vay chứng khoán trên hệ thống của TTLKCK theo quy chế của Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Chính vì thế, để hạn chế rủi ro, giao dịch T+0 chỉ được phép thực hiện với cổ phiếu trong VN30 và HNX30 vì đó là những cổ phiếu có thanh khoản cao, dễ dàng xử lý khi xảy ra sự cố về việc thanh toán của NĐT.

Công nghệ và quản trị rủi ro sẽ là thử thách đối với các CTCK

Có thể thấy dự thảo sửa đổi Thông tư 74 này sẽ khiến CTCK gặp thử thách ở trình độ công nghệ và quản trị rủi ro cùng với khả năng cung cấp margin khi NĐT giao dịch ngay trong ngày. Vì thế, thời điểm Thông tư được hoàn tất và đưa vào áp dụng mới là điều cần quan tâm.

Song vị lãnh đạo nói trên cho rằng hệ thống công nghệ thông tin của các CTCK hiện nay đều đáp ứng được các giao dịch trên, chỉ cần đặt thêm điều kiện cho khách hàng. Đó có thể là NĐT phải đặt tiền ký quỹ khi bán khống, hoặc CTCK sẽ giữ tiền bán chứng khoán lại và có thêm một khoản ký quỹ nếu giảm giá - đảm bảo CTCK vẫn có một khoản tiền để mua lại hàng trên thị trường khi NĐT không đủ chứng khoán trong tài khoản. Điều kiện nữa là đến cuối ngày NĐT phải mua lại số hàng đã bán để CTCK có đủ hàng, không phải đi vay.

Dự thảo sửa đổi TT74 vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến. Bản dự thảo mở ra cơ hội cho phép bán khống nhưng không có nghĩa là cho phép bán khống, và hẳn là hoạt động này vẫn cần một văn bản pháp luật riêng.

 

Bảo Ngọc

Tài chính Plus

Trở lên trên