MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dược phẩm Viễn Đông: Chủ tịch HĐQT mua lại cổ phiếu bảo lãnh với giá 100.000 đồng

Theo đúng lộ trình đã thông qua các cổ đông, Công ty Dược phẩm Viễn Đông dự kiến sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung trước ngày 31/12/2009.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Viễn Đông cho biết, theo đúng lộ trình đã thông qua các cổ đông, Công ty dự kiến sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung trước ngày 31/12/2009.

Tuy nhiên, trước thời điểm niêm yết, Hội đồng quản trị Công ty quyết định tiến hành thực hiện cam kết với các đối tác chiến lược với hình thức mua lại toàn bộ số cổ phiếu được bảo lãnh, với giá 100.000 đồng/cổ phiếu.

Tại thời điểm tháng 8/2007, Ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Phẩm Viễn Đông) đã bán cho các khách hàng lớn của Công ty ( khoảng 260 khách hàng) với giá 50.000 đồng/cp và cam kết tại thời điểm trước 31/12/2009 nếu giá đấu IPO của Công ty dưới 100.000 đồng/cp thì ông Dũng sẽ mua lại toàn bộ số cổ phiếu bảo lãnh trên với giá 100.000 đồng/cp.

Do Công ty không tiến hành đấu thầu IPO nên Ông Dũng quyết định mua lại các cổ phiếu có cam kết trên trước ngày 15/10/2009 để thực hiệm cam kết của chính mình. Tổng giá trị thu mua đợt này của Ông Dũng khoảng 70.000.000.000 đồng được chi ra từ tài khoản cá nhân của Ông Dũng.

Ông Lê Văn Dũng sẽ trực tiếp đại diện Hội đồng quản trị cũ mua lại cổ phiếu đối với cổ đông chiến lược có cam kết bảo lãnh nói trên. Ông Lê Văn Dũng nhận thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu trước ngày 15/10/2009; sau thời hạn trên, nếu cổ đông không làm thủ tục chuyển nhượng lại cho ông Lê Văn Dũng thì cam kết bảo lãnh trước đây không còn hiệu lực, cổ phiếu bảo lãnh sẽ trở thành cổ phiếu phổ thông, và giá sẽ phụ thuộc vào thị trường.

Đây là một thông tin đáng chú ý không chỉ đối với các cổ đông chiến lược đang nắm giữ cổ phiếu của Dược Viễn Đông mà còn là thông tin được giới đầu tư rất quan tâm. Việc HĐQT doanh nghiệp cam kết với cổ đông, với nhà đầu tư về những kế hoạch trước khi lên sàn được xem như một “lời hứa”, lời đảm bảo của những người điều hành doanh nghiệp đối với những cổ đông, nhà đầu tư đã tin tưởng góp vốn cho hoạt động của doanh nghiệp. Song việc thực hiện cam kết như thế nào, thực hiện được đến mức nào lại là chuyện khác.

Không ít câu chuyện bức xúc, thắc mắc về quyền lợi, về sự công bằng, minh bạch khởi nguồn từ độ vênh giữa cam kết và thực hiện cam kết. Cũng không ít trường hợp, cam kết của doanh nghiệp trôi tuột vào im lặng, và nó trở thành nguyên nhân làm “nóng” những cuộc họp Đại hội đồng cổ đông mỗi khi “mùa” Đại hội cổ đông đến.

Trở lại với cam kết của HĐ QT Dược Viễn Đông, ông Dũng cho hay, năm 2007, Các thành viên Hội đồng quản trị Công ty có quyết định số 09TT/2007TQ/QĐ – CTHĐQT về việc cam kết bảo lãnh dành cho cổ động chiến lược.

Theo đó, Công ty cam kết “tại thời điểm Viễn Đông niêm yết, nếu giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, Ông Lê Văn Dũng đại điện cho HĐQT trị sẽ mua lại số cổ phiếu của cổ đông chiến lược với giá 100.000đ/CP, nếu cổ đông có nhu cầu bán lại”.

Theo ông Dũng, các thành viên HĐQT Công ty cam kết như vậy là vì Công ty hoàn toàn tự tin vào sự phát triển của mình trong lộ trình tiến tới thị trường chứng khoán tập trung. Năm 2008, doanh thu công ty đạt 645 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 26 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 3.030 đồng.

Từ kết quả đó, Ban lãnh đạo Dược Viễn Đông đã điều chỉnh mục tiêu tài chính năm 2009 và 2010 ở mức cao hơn. Cụ thể, phấn đấu doanh thu năm 2009 đạt 720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 75 tỷ đồng; năm 2010 doanh thu đạt 820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 115 tỷ đồng .

Theo kết quả Kiểm toán 6 tháng đầu năm 2009 của Viễn Đông, do Ern&Yong thực hiện, trong khoảng thời gian này Viễn Đông đạt doanh thu 427 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ, thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 4.046 đồng.

Năm 2007, mỗi cán bộ nhân viên của Tập đoàn Viễn Đông được quyền mua “cổ phiếu hạt giống” (là một trái phiếu ghi danh) với mệnh giá từ 20 triệu đến 250 triệu đồng, tùy theo mức độ đóng góp của mỗi cán bộ, nhân viên cho Công ty. Điểm đặc biệt là cán bộ nhân viên chỉ phải trả 40% giá trị của cổ phiếu, 60% còn lại được Công ty tặng; sau 5 năm được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông theo mệnh giá gốc.

Theo Bá Kiên
(Báo Đầu tư, số 120, ngày 7/10/2009)

phuongmai

Trở lên trên