MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ETF: Cần có thêm nhiều bộ chỉ số bên cạnh VN30 và HNX30?

Trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ ETF có hiệu lực, công ty quản lý quỹ phải hoàn tất các thủ tục niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán.

Thông tư 229/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 27/12/2012 đã chính thức hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Thông tư này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9/2013 và cho đến thời điểm đó, UBCK và các bộ ngành liên quan vẫn đang khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng để cho ra mắt các sản phẩm ETF đầu tiên.

Thông thường một quỹ ETF muốn hoạt động sẽ bao gồm các bộ phận cấu thành như sau: công ty quản lý quỹ sẽ thành lập quỹ ETF, quỹ này có ngân hàng giám sát và một chỉ số tham chiếu, danh mục chứng khoán cơ cấu của quỹ sẽ bao gồm các cổ phiếu mô phỏng biến động chỉ số tham chiếu sao cho độ biến động (tracking error) giữa NAV của quỹ và chỉ số tham chiếu ở mức thấp nhất.

Lấy ví dụ như Deutschebank lập quỹ ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam, sẽ có chỉ số tham chiếu FTSE Vietnam Index, quỹ ETF khi mua cổ phiếu trong danh mục không quan tâm giá cổ phiếu tăng giảm ra sao, chỉ cần NAV của quỹ sẽ biến động sát nhất với chỉ số FTSE Vietnam Index. Không như các quỹ đóng nhà đầu tư thường thích NAV phải có mức tăng vượt trội cho so với đà tăng của thị trường chung.

Quay trở lại với thông tư 229, theo yêu cầu của thông tư này chỉ số tham chiếu của quỹ ETF do Sở xây dựng và quản lý. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại Sở quản lý 4 chỉ số là VN-Index, HNX-Index, VN30-Index và HNX-Index.

Theo khoản 5 điều 3 của Thông tư, danh mục chứng khoán cơ cấu của quỹ ETF phải bao gồm 50% số chứng khoán cơ sở hình thành chỉ số tham chiếu, do đó quỹ ETF không thể lấy VN-Index hay HNX-Index làm chỉ số tham chiếu bởi mỗi chỉ số này có tới hơn 300 mã trong danh mục.

Đối với VN30-Index và HNX30-Index, có vẻ nhà đầu tư sẽ ưa chuộng VN30-Index nhiều hơn bởi mức tăng khá ấn tượng của chỉ số này khi ra mắt năm đầu tiên tăng tới 28% và các cổ phiếu trong VN30 có thanh khoản khá cao. Trong khi đó tại HNX30-Index có nhiều cổ phiếu thanh khoản rất thấp như NTP, OCH hay TH1, thậm chí PVV, PVL có kết quả kinh doanh lỗ năm 2012. Biến động giá của các cổ phiếu trong HNX30-Index cũng thất thường và không có mức tăng hiệu quả như VN30.

Thông thường ở các nước, quỹ ETF sẽ “nhờ” một bên thứ ba (không nhất thiết phải là sở giao dịch chứng khoán của nước đó), đó có thể là một tổ chức chuyên xây dựng các chỉ số như MSCI, S&P hay FTSE…để lập một chỉ số riêng cho quỹ. Thành phần cấu thành chỉ số này sẽ được thay đổi 3 tháng một lần và thường được chọn bởi các cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt, trong khi đó, Vn30-Index và HNX30-Index được thay đổi 6 tháng/lần nên quỹ sẽ không có sự chủ động đối với NAV.

Tất nhiên, chỉ số tham chiếu phải do một tổ chức uy tín thành lập (ở đây là Sở giao dịch chứng khoán) nhưng có lẽ nếu có nhiều quỹ ETF ra đời sẽ cần thêm nhiều bộ chỉ số bên cạnh Vn30 và HNX30.

Theo thông tin gần nhất, hiện Trung tâm lưu ký đang tích cực chuẩn bị hệ thống để hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy các lô chứng chỉ quỹ ETF, VSD đảm bảo vận hành tốt hệ thống trước khi thông tư 299 có hiệu lực.

Niêm yết ngay sau 30 ngày giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ có hiệu lực

Về việc niêm yết, sau 10 ngày kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ có hiệu lực, công ty quản lý quỹ phải đăng ký lưu ký các lô chứng chỉ quỹ ETF tại Trung tâm lưu ký, và trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ có hiệu lực, công ty quản lý quỹ phải hoàn tất các thủ tục niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán.

ETF sẽ bị hủy niêm yết nếu mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu (tracking error) liên tục trong 3 tháng gần nhất vượt quá mức sai lệch tối đa theo quy định của Sở giao dịch.

Trong vòng 3 tháng, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm điều chỉnh lại danh mục đầu tư của quỹ, đảm bảo mức sai lệch không vượt quá 80% mức sai lệch tối đa.

Vì quỹ ETF là quỹ đầu tư thụ động – chỉ quan tâm làm sao biến động NAV của quỹ diễn biến sát nhất với biến động của chỉ số tham chiếu, nên việc của ETF mua bán cổ phiếu trong danh mục sao cho tracking error thấp nhất.

Việc mua bán chứng chỉ quỹ ETF trên sàn theo thông tư 229 vẫn phải tuân thủ quy định của cổ phiếu niêm yết, đó là giao dịch T+3, được phép giao dịch ký quỹ, không được bán khống, nếu vượt quá 25% số cổ phiếu đang lưu hành của tổ chức phải chào mua công khai…

NĐT nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu tại các quỹ ETF nhưng nếu mua các lô ETF dẫn đến vượt quá giới hạn room thì công ty quản lý quỹ phải bán số chứng khoán cơ cấu vượt tỷ lệ sở hữu tối đa và thanh toán tiền cho NĐT đó…

Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân không được tham gia góp vốn lập quỹ, mua chứng chỉ quỹ.

Trong đợt chào bán lần đàu, mỗi NĐT phải mua tối thiểu 01 lô chứng chỉ quỹ (tối thiểu 100.000 chứng chỉ quỹ). Số lô chào bán thành công phải đạt tối thiểu 10 lô, đảm bảo vốn điều lệ của quỹ không thấp hơn 50 tỷ đồng.

Cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ ETF không được đầu tư vào quá 15% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành (trừ TP Chính phủ).

Không đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán phát hành của cùng một tổ chức (trừ TPCP).

Không được đầu tư quá 30% tổng tài sản của quỹ vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau, trừ trường hợp đó là chứng khoán cơ cấu nằm trong danh mục chỉ số tham chiếu

Không đầu tư vào chứng chỉ của chính quỹ đó, hoặc của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam

Không đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu OTC, cổ phiếu chưa đăng ký giao dịch của công ty đại chúng…

Không được phép vay để tài trợ cho các hoạt động của quỹ, tổng giá trị vay ngắn hạn không quá 5% NAV tại mọi thời điểm và thời hạn vay tối đa không quá 30 ngày.

Các sai lệch về cơ cấu đầu tư chỉ được phép không quá 15% do biến động thị trường và phải được điều chỉnh ngay trong thời hạn 3 tháng.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên