MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ETF nội vào cuộc chơi

Theo giới phân tích, việc thành lập các quỹ ETF nội mới chỉ là bước thăm dò "khẩu vị" của giới đầu tư trong nước.

Trong quý II/2014, nhiều khả năng Quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF) nội địa sẽ xuất hiện trên TTCK Việt Nam. Theo Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (Vietfund Management - VFM), mọi thứ đang rất thuận lợi để có thể ra đời quỹ ETF nội đầu tiên trong thời gian sớm nhất.

Việc ra đời của ETFs nội, là điều tích cực, nhà quản lý phát triển đa dạng sản phẩm cho NĐT. Thị trường, NĐT sẽ đón nhận hoạt động của quỹ này như thế nào thì vẫn phải chờ.

Quỹ ETF nội cũng mô phỏng theo chỉ số tham chiếu nên thay vì mất thời gian và chi phí cao để có được danh mục đa dạng thì NĐT chỉ cần mua chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF, đồng thời giảm thiểu được các rủi ro chọn sai cổ phiếu.

Ưu điểm vượt trội của ETF nội

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Đầu tư và Nghiên cứu Công ty VFM, cho biết ETF là loại quỹ hoán đổi danh mục, đầu tư theo chỉ số rất thịnh hành tại hầu hết các thị trường. Vì quỹ ETF nội cũng sẽ đầu tư theo chiến lược thụ động nên chi phí trung bình thấp, chỉ từ 0,75 - 1,5% so với mức phí ở các quỹ quản lý chủ động (2 - 3%).

NĐT có thể mua bán giao dịch CCQ ETF nội trên sàn chứng khoán như một cổ phiếu thông thường. Với tính minh bạch cao, NĐT có thể cập nhật danh mục đầu tư, giá trị tài sản ròng (NAV), giá trị tài sản tạm tính theo ngày (iNAV), các báo cáo khác của quỹ ETF.

Trong trường hợp thanh khoản thị trường không đáp ứng, NĐT có thể hoán đổi CCQ thông qua thành viên lập quỹ (thường là CTCK). Chỉ có các thành viên lập quỹ có ưu thế trong việc kiếm lời từ chênh lệch giữa giá giao dịch CCQ với NAV.

Điểm nổi bật của quỹ ETF nội còn là cho phép cả NĐT trong nước lẫn quốc tế tham gia vào quỹ. Quỹ ETF nội không giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài. Quỹ ETF nội địa lại không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu 49% như quỹ ETF ngoại. Nếu ETF nội đầu tư theo chỉ số VN30 thì tính đại diện và thanh khoản cao hơn.

Các quỹ ETF nước ngoài phải tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho NĐT nước ngoài là 49%, trong khi tham gia quỹ ETF nội, NĐT nước ngoài không phải chịu sự khống chế này. Điều này giúp quỹ ETF nội tạo ra sự hấp dẫn đáng kể so với quỹ ETF ngoại. Điều đó chứng tỏ sự hấp dẫn CCQ ETF nội đối với NĐT nước ngoài.

Theo giới phân tích, việc thành lập các quỹ ETF nội mới chỉ là bước thăm dò "khẩu vị" của giới đầu tư trong nước. Quy mô của quỹ khởi đầu là 50 tỷ đồng để huy động vốn, nhưng có thể đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu, nên chiến lược có thể rất khác nhau.

Đặc điểm của quỹ mở là dòng vốn có thể tăng liên tục khi xu hướng thị trường đi lên. Ngược lại, khi thị trường giảm, NĐT có thể cân đối bán ra giống như cổ phiếu, làm cho việc điều chuyển vốn linh hoạt hơn so với quỹ đóng. Các yếu tố này hứa hẹn sẽ hấp dẫn được dòng vốn lớn tham gia vào quỹ ETF nội.

Những sản phẩm mới kỳ vọng sẽ làm cho TTCK sôi động hơn

Đại diện của VinaWealth cũng rất quan tâm để triển khai ETF tại thị trường Việt Nam khi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thành lập quỹ. Sở GDCK đã cơ bản hoàn thiện hệ thống kỹ thuật và sự chuẩn bị, sẵn sàng của các thành viên thị trường và tổ chức cung cấp giao dịch liên quan.

ETF có khả năng huy động vốn khá dễ dàng cũng như được các công ty quản lý quỹ ưa thích do không cần phải tích cực tái cơ cấu danh mục, chi phí quản lý thấp. Chứng chỉ quỹ ETF nội cũng sẽ được niêm yết, giao dịch trên Sở GDCK như một loại cổ phiếu. Đầu tư qua quỹ ETF là hình thức đầu tư thụ động, nên chi phí thấp, hạn chế rủi ro.

Cơ hội hay thách thức?

Việc đón nhận một sản phẩm mới như ETF Việt Nam, tưởng chừng không quá khó khăn, nhưng giới phân tích cũng chỉ ra nhiều điều bất lợi. Thời gian đầu có thể tò mò, kỳ vọng, nên có những phản ứng tích cực trước sự ra đời của sản phẩm này. Tuy nhiên, cho tới khi hàng hoạt các quỹ ra đời mang thương hiệu "Made in Vietnam", nhưng nếu hoạt động không hiệu quả thì sẽ làm nản lòng NĐT.

Thách thức lớn nhất trong việc lựa chọn rổ danh mục đầu tư liệu có giống các quỹ ngoại hay không, hoặc chuyên sâu vào ETF ngành như dầu khí, ETF bất động sản, ETF chứng khoán, giống như rất nhiều các rổ chỉ số trên thị trường.

Các ETFs Việt Nam cũng có thể hướng đến NĐT ngoại, nhưng NĐT nước ngoài muốn mua chứng chỉ quỹ ETF nội phải mở tài khoản, đăng ký giao dịch ở Việt Nam. Điều này có thể nói là phiền phức cho NĐT ngoại hơn nhiều so với việc họ mua chứng chỉ quỹ ETF ngoại niêm yết tại thị trường nước ngoài.

Trong thời gian đầu, có thể quỹ ETF nội sẽ gặp khó khăn trong phát triển các sản phẩm ETF có tính đại diện cho toàn thị trường. Đây là sản phẩm mới tại Việt Nam, cơ chế hoạt động phức tạp, trong khi mức độ quan tâm của NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, để hệ thống hạ tầng sớm đi vào hoạt động, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty quản lý quỹ, CTCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), các sở GDCK và ngân hàng giám sát.

Các NĐT trên TTCK Việt Nam đều là NĐT cá nhân với tính chuyên nghiệp khá thấp và tập quán tự đầu tư đã ăn sâu vào tiềm thức. NĐT cá nhân vẫn còn hạn chế tham gia chủ yếu thích đầu cơ, tạo sóng từ những dòng tiền nóng trên thị trường, tự đầu tư lời ăn, lỗ chịu…

Điều quan trọng nữa để hình thành ETF là quy định phải có hoạt động vay và cho vay chứng khoán. Cho đến nay, các hoạt động vay, mượn cổ phiếu vẫn chưa được cho phép thực hiện chính thức do không có quy định hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy, nhu cầu vay mượn cổ phiếu của các NĐT không được CTCK hỗ trợ.

Dù sao thì vẫn kỳ vọng những sản phẩm mới trên TTCK làm cho TTCK sôi động hơn. Các Quỹ ETF nội có cơ hội "thi đấu" trực tiếp với ETF ngoại trên thị trường.

Theo Sơn Long

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên