MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GĐ môi giới SHBS: Một vài năm tới thị trường sẽ khó kiếm doanh nghiệp tốt với giá thấp như hiện tại

Ông Hoàng Thanh Tuấn, giám đốc môi giới CTCK SHBS vẫn lạc quan về xu hướng tăng giá của thị trường từ nay cho tới cuối năm.

Đánh giá về phiên giao dịch kỷ lục ngày 21/11 với hơn 270 triệu cổ phiếu giao dịch trên hai sàn, ông Hoàng Thanh Tuấn, giám đốc môi giới CTCK SHBS vẫn có cái nhìn lạc quan về cơ hội trên TTCK hiện nay.

Thị trường đang có những giao dịch rất khó đoán, thanh khoản sàn HoSe phiên 21/11 vượt 2.400 tỷ, sàn Hà Nội đạt hơn 700 tỷ, ông đánh giá thị trường hiện nay có những lợi thế và rủi ro nào?

Thanh khoản của thị trường giai đoạn vừa qua và đặc biệt là phiên giao dịch ngày 21/11/2013 tương đối tốt và đạt mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Điều này thể hiện sự quan tâm của dòng tiền và nhà đầu tư tới thị trường đã lớn hơn rất nhiều. Tôi cho rằng, những khó khăn nhất của nền kinh tế và thị trường chứng khoán đã qua đi và thị trường đang diễn biến nhanh hơn những biến chuyển của vĩ mô.

Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang xu hướng tăng điểm trong trung hạn, và từ nay cho tới cuối năm cũng ít có thông tin tác động lớn làm cho thị trường điều chỉnh sâu, do vậy đây sẽ vẫn là cơ hội cho các nhà đầu tư. Đây là giai đoạn thị trường có nhiều lợi thế khi nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng.

Và chỉ trong vòng 1 vài năm tới, trên thị trường sẽ rất khó tìm kiếm những doanh nghiệp tốt có giá dưới giá trị sổ sách hoặc P/E dưới 5 như hiện tại.

Bên cạnh những lợi thế kể trên, rủi ro trên thị trường luôn hiện hữu, có lẽ rủi ro lớn nhất vẫn là những rủi ro vĩ mô xuất phát từ thị trường thế giới và các chính sách của chính phủ Việt nam như việc Mỹ chuẩn bị có động thái rút gói hỗ trợ QE3 hay kết quả thực sự của những nỗ lực giải quyết nợ xấu của Việt Nam...

Các cổ phiếu thị giá thấp hiện tại vẫn thu hút được sự quan tâm của dòng tiền, theo ông nhà đầu tư cần cảnh giác những điều gì khi đầu tư vào cổ phiếu penny?

Trong khủng hoảng, những cổ phiếu bluechip với những lợi thế về quy mô, thị trường và thương hiệu vẫn hoạt động có lãi, trong khi những công ty nhỏ, với tiềm lực mỏng ngành nghề rủi ro, vốn ít nên chịu đựng kém với những biến động của thị trường. Do đó giá cổ phiếu của công ty nhỏ (penny) đã giảm sâu hơn rất nhiều so với giá của cổ phiếu bluechip.

Giai đoạn đầu của sự phục hồi thì cổ phiếu bluechip luôn chiếm ưu thế do có một sức khỏe tốt hơn và tận dụng được lợi thế từ chính sách ưu đãi của chính phủ (giảm thuế, giảm lãi suất, ...). Trong giai đoạn tiếp theo, sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ đã tự cơ cấu tốt và phục hồi được trở lại.

Do đó, đối với cổ phiếu penny tôi nghĩ nhà đầu tư nên chú ý: không hẳn doanh nghiệp nào cũng có thể phục hồi được trở lại, đối với các doanh nghiệp không còn tài sản có giá trị và không có lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thì khả năng phục hồi và phát triển của công ty là không thể. Do vậy, việc giá cổ phiếu tăng trưởng đối với những công ty này là điều phi lý.

Nhiều doanh nghiệp tăng mạnh nhờ KQKD đột biến nhưng thực tế đa phần là bán tài sản, ông đánh giá điều này thế nào?

Kết quả kinh doanh đột biến từ bán tài sản thường giúp giá cổ phiếu tăng giá trong ngắn hạn chứ không giúp cổ phiếu tăng giá bền vững. Trong thời điểm khủng hoảng hiện tại nhiều công ty đã phải sử dụng cả tới việc bán tài sản để trang trả nợ nần cũng như tạo dòng tiền cho việc kinh doanh, đây cũng là một điểm tích cực giúp doanh nghiệp tồn tại và trụ vững được trong giai đoạn khó khăn này.

Các nhóm ngành nào ông cho là hấp dẫn và nhóm ngành nào rủi ro?

Về nhóm ngành thì theo tôi các nhóm ngành là lợi thế của Việt Nam như nhóm ngành nông nghiệp, thủy sản, dệt may, xây dựng cầu đường sử dụng đầu tư công sẽ là nhóm có lợi thế. Khi nền kinh tế phục hồi thì đa số các ngành đều có cơ hội, tuy nhiên tôi thấy rằng trước mắt một số ngành như ngành cao su sản xuất, vật liệu xây dựng sẽ hết các lợi thế về đầu vào giá rẻ trong khi thị trường không tăng trưởng nhiều.

Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều đang chờ đợi thông tin nới room, nhưng nếu quyết định này tiếp tục kéo dài sang đến năm 2014 vẫn chưa có kết quả thì theo ông thị trường có ảnh hưởng không?

Việc nới room nước ngoài theo tôi là một trong những thông tin tích cực giúp cho thị trường khởi sắc hơn nhằm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đây không phải là nhân tố quyết định tới xu hướng của thị trường, do vậy nó chỉ làm ảnh hướng một phần tới dòng tiền nước ngoài chứ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường.

Từ 15/11 các công ty chào bán chứng khoán ra công chúng phải bắt buộc niêm yết trong 1 năm, điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung trên thị trường niêm yết trong thời gian tới rất lớn, ông đánh giá điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường thế nào?

Tôi nghĩ nguồn cung trên thị trường nhiều hơn, sẽ giúp cho thị trường có nhiều cổ phiếu chất lượng hơn, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn, là tốt hơn với thị trường chứ không có tác động xấu.

Quan điểm của ông về thị trường cuối năm?

Tôi vẫn lạc quan về xu hướng tăng giá của thị trường từ nay cho tới cuối năm, tôi nghĩ thị trường không biến động mạnh những vẫn phục hồi dần dần. Thị trường sẽ có nhiều nhịp điều chỉnh tuy nhiên mức độ điều chỉnh thường không nhiều.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên