MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã ASEAN Small Cap Fund

Lợi nhuận mục tiêu của các quỹ này tính bằng "lần" tức là gấp đôi ba lần, chứ không phải tính bằng %.

Với những ai đã có suy nghĩ về việc quỹ ngoại đầu tư thì phải là những doanh nghiệp lớn, hàng đầu, nói chung là phải... hoành tráng có thể sẽ cảm thấy lạ lẫm khi chứng kiến các quỹ như ASEAN Small Cap Fund (ASCF), Mutual Fund Elite hay Lucerne Enterprise giải ngân vào những cổ phiếu mid cap, penny trong đó có những mã vô cùng rủi ro.

Bài viết sẽ tập trung phân tích động thái của riêng ASCF để qua đó thấy được thêm một xu hướng đầu tư của khối ngoại, tất nhiên là khác hẳn với những quỹ như Dragon Capital hay VinaCapital.

"Liều" chuyên nghiệp

Theo công bố thì ASCF có trụ sở tại Cayman Islands (một số người gọi vui là... cây me), một nơi khá quen thuộc của các quỹ đầu tư, Giám đốc Đầu tư (CIO) là David Peter ONeil. Theo một số thông tin thì quỹ này đã có mặt tại Việt Nam từ trước năm 2013 nhưng năm nay mới là thời điểm "bung sức". Đọc qua tên gọi của ASCF, có thể thấy được mục tiêu giải ngân của quỹ chính là các công ty có vốn hóa nhỏ (small cap).

ASCF đã nắm giữ cổ phần tại Chứng khoán APEC (APS), Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp (VIG): Đây là hai công ty nhỏ, doanh thu mỗi quý chỉ vài tỷ đồng và cũng không có lợi thế gì đặc biệt. ASCF còn nắm giữ lượng cổ phần của NVT (Du lịch Ninh Vân Bay), một cổ phiếu đầu cơ có tiếng.

Thời gian gần đây, ASCF trở thành cổ đông lớn của Sông Đà Thăng Long (STL), một doanh nghiệp đang ngập trong nợ nần, đang phải giao dịch tại Upcom, Hạ tầng Sông Đà (SDH), quý III vừa rồi còn mới báo lỗ, và hiện đang bị kiểm soát (do lỗ trong hai năm 2012 và 2013). Nhìn vào danh mục của ASCF, nhiều người không khỏi giật mình vì quỹ này đầu tư có khi còn... liều hơn cả những nhà đầu tư cá nhân liều lĩnh nhất.

Từ những động thái kể trên, có thể đánh giá ASCF thuộc nhóm quỹ đầu tư chọn chiến lượng "high risk high return" (rủi ro lớn lợi nhuận cao) cũng có nét tương đồng với quỹ mạo hiểm. Lợi nhuận mục tiêu của các quỹ này tính bằng "lần" tức là gấp đôi ba lần, chứ không phải tính bằng % (10 - 20%) và cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi "lỡ" giải ngân vào những cổ phiếu kiểu như Dược Viễn Đông (DVD).

Sự mạo hiểm của các quỹ như ASCF cũng bắt nguồn từ một số cơ sở nhất định, chẳng hạn như thời điểm xuất hiện thường sẽ là giai đoạn thị trường đã tạo được đáy và có dấu hiệu bật lên. Những dữ kiện này đều đã được thống kê, kiểm chứng dựa vào dữ liệu quá khứ để tính xác suất và đòi hỏi các quỹ mạo hiểm cũng phải bỏ ra không ít chất xám để nghiên cứu.

Đánh nhanh rút gọn

Nhìn vào diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2012 nay, mặc dù chưa thể lặp lại thời đỉnh cao như 2007, nhưng nhiều cổ phiếu nhìn chung cũng đã tạo đáy và bật trở lại. Đầu tiên là nhóm cổ phiếu lớn, làm ăn hiệu quả đã tăng giá mạnh trong thời gian qua và khoảng nửa năm đổ lại đây là nhóm cổ phiếu mid cap và penny.

Những xu hướng này chính là thời cơ để các quỹ như ASCF xuất hiện. Nói như một giám đốc đầu tư tại một quỹ ngoại thì không phải vô cớ mà ASCF lại chọn những cổ phiếu bất động sản như STL, SDH hay NVT để giải ngân mặc dù rủi ro vẫn đang bao phủ các mã này.

Thông thường, đối với một số thị trường cận biên (frontier market) hay thị trường mới nổi (emerging market), mỗi khi hồi phục thì những cổ phiếu liên quan đến bất động sản cũng chạy mạnh.

Với riêng cổ phiếu bất động sản trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc nợ nần, thua lỗ thì một số mã ít nhiều cũng có lợi thế về khối lượng tài sản, và thường cũng có thị giá thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách. Vì vậy, chiến thuật của các quỹ mạo hiểm như ASCF có thể là đầu tư vào tài sản giá rẻ, để chờ thời cơ.

Riêng tại Việt Nam, thời gian gần đây cũng đã xuất hiện những tín hiệu khởi sắc cho nền kinh tế, riêng ngành bất động sản đã có những dấu hiệu chạm đáy và đang chờ đợi những tín hiệu phục hồi. Nếu những điều này được duy trì, thì có thể cổ phiếu bất động sản sẽ lại "hot" và tăng "bốc đầu" như vài năm trước.

Với những cổ phiếu thuộc mid cap hoặc penny thì việc hiện thực hóa lợi nhuận, hay nói theo ngôn ngữ của dân chứng khoán là "thoát hàng", luôn là một thách thức vì những CP này luôn đối mặt với rủi ro thanh khoản. Trong trường hợp của ASCF hay một số quỹ tương tự khác cũng đã mua vào các mã rủi ro, thanh khoản thất thường thì xem chừng việc bán ra là không đơn giản.

Tuy nhiên, vì đã chấp nhận đánh cược vào sự phục hồi của thị trường, và mua vào ngay tại thời điểm đáy, có nghĩa là giá cổ phiếu vẫn còn cơ hội tăng và thị trường còn nhiều đợt tăng vậy nên cơ hội để "thoát hàng" cũng không hề hẹp, trái lại còn rộng là khác. Nhưng không vì vậy mà các quỹ này kéo dài thời gian hoạt động để có thể ăn dày hơn, mà thường sẽ chủ động bán ra để thu về trong thời gian ngắn.

Một chuyên gia chứng khoán cho biết, sẽ không ngạc nhiên nếu trong vòng 2-3 năm nữa, các quỹ như mạo hiểm sẽ bán ra, thu tiền về, trả tiền cho nhà đầu tư và đóng cửa quỹ dù khi đó thị trường vẫn tốt. Mỗi loại hình quỹ đầu tư chỉ phù hợp với một tiêu chí đầu tư nhất định và một thời điểm nhất định.

Theo Minh Triệu

phuongmai

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên