MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải tỏa sức ép tâm lý

Những phiên tăng giảm đan xen cùng biến động khó lường của hàng hóa trên sàn đang tạo sức ép rất lớn cho các NĐT dù đang cầm tiền hay đang giữ CP.

Tăng trong nghi ngờ

Tuần rồi, NĐT nào không có CP trong tài khoản hẳn sẽ cảm thấy tiếc nuối khi chứng kiến những phiên giao dịch vào ngày 8 và 9-9, khi chỉ trong 2 phiên này VN Index đã tăng từ 555 điểm lên hơn 570 điểm. Tuy nhiên, những ai vào hàng trong các phiên sau đó lại cảm thấy lo ngại vì VN Index không tăng mà còn quay đầu giảm xuống dưới 570 điểm, còn gần 567 điểm vào phiên 11-9.

TTCK đang diễn biến theo kiểu ngày nào biết ngày đó hơn là phát ra một tín hiệu rõ ràng. Nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến là thị trường đang có khoảng trống về thông tin cả về vĩ mô lẫn từng CP, khiến NĐT khó định đoán để có thể đưa ra quyết định sáng suốt.

Tuy vậy, việc NĐT lưỡng lự không đồng nghĩa với bi quan, mà trái lại diễn biến của thị trường vẫn có những màu sắc tích cực và có thể xem đây là bước đệm cho một đợt sóng mới. Trở lại với 2 phiên tăng vào ngày 8 và 9-9, một số chuyên gia phân tích, môi giới và cả những NĐT dày dạn kinh nghiệm, mỗi người đưa ra một cách lý giải khác nhau, nhưng không ai dám khẳng định chắc chắn giả thuyết của mình là đúng và điều này dường như khớp với quy luật “tăng trong nghi ngờ”.

Cũng cần nhắc lại một điều là sau những đợt điều chỉnh rất mạnh giống như hồi cuối tháng 8 vừa qua, TTCK thường phục hồi làm nhiều đợt, sau đợt đầu tiên bật khá mạnh, đem lại lợi nhuận 20-30% chỉ trong vài phiên sẽ nối tiếp bằng những đợt phục hồi có chọn lọc và trầm lắng hơn.

Chẳng hạn, trong phiên ngày 10-9, có những lúc VN Index giảm khoảng 5 điểm, xấp xỉ 1% trong phiên, nhưng diễn biến của một loạt blue chip như VNM,VCB, VIC, BVH… đã kéo chỉ số này giảm nhẹ vào cuối phiên. Một số CP có EPS cao, nền tảng kinh doanh vững chắc như SKG, NCT… cũng đã tăng giá ấn tượng, hay như LDG, CP mới lên sàn cách đây 1 tháng, cũng đã có những diễn biến tích cực trong những ngày qua.

Tuy nhiên, do thanh khoản của thị trường tương đối thất thường và việc chọn đúng CP trong lúc này rất khó khăn, nên cảm giác không thuận lợi hay tiêu cực có vẻ đang trội hơn. Từ mức đáy 510 điểm xuất hiện trong phiên 25-8, VN Index đã phục hồi lên đến 573 điểm vào ngày 31-8, sau đó có 3 phiên giảm xuống vùng 550 điểm.

Có lẽ tại thời điểm này, nhiều người chỉ mong mốc 550 điểm được giữ vững, chưa dám nghĩ đến khả năng tăng tiếp của thị trường. Nhưng tâm lý đã dần ổn định và đến giờ các NĐT dù bi quan nhưng suy nghĩ tích cực lẫn tiêu cực đã cùng xuất hiện. Thay vì lo thị trường tiếp tục giảm, NĐT hiện nay cũng nghĩ đến khả năng tăng, nghĩa là về mặt tâm lý đã được cải thiện đáng kể.

NĐT cần kiên nhẫn

Thoạt nhìn, có thể nghĩ thanh khoản là vấn đề lớn của thị trường, thanh khoản èo uột, tiền khó tham gia, thị trường khó tăng. Tuy nhiên, nếu thị trường tuân theo quy luật tăng trong nghi ngờ, thanh khoản tốt rất dễ tạo ra những phiên tăng mạnh, bởi áp lực bán giảm, trong khi lực mua trong lúc hưng phấn có thể khiến giá CP tăng mạnh.

Khi tâm lý NĐT không có chiều hướng tiêu cực, chỉ cần thị trường tăng từ 3 phiên trở lên, lập tức sự hào hứng sẽ quay trở lại. Và cũng chỉ trong thời gian ngắn sẽ có những thông tin có thể kéo NĐT trở lại với thị trường một cách tự tin hơn. Trước tiên, giao dịch của khối ngoại, tuần từ 7 đến 11-9, khối này đã mua ròng xấp xỉ 150 tỷ đồng tại HOSE. Xét về số phiên, khối ngoại bán ròng 2 phiên và mua ròng 3 phiên, không chênh lệch là mấy.

Tuy nhiên, giá trị mua ròng gần 150 tỷ đồng lại cho thấy những phiên mua vào có giá trị khá lớn và tích cực, còn với giai đoạn thị trường chưa định hình rõ xu hướng việc mua vào bán ra đan xen cũng là bình thường. Giao dịch của NĐTNN trong tuần này có thể diễn biến theo chiều hướng sôi động và tích cực hơn khi các quỹ ETF tiến hành chốt danh mục cho kỳ thứ 3 của năm 2015.

Kế tiếp là những số liệu vĩ mô cũng như KQKD trong quý III-2015 và 9 tháng năm 2015 cũng có thể xuất hiện dưới dạng kỳ vọng. Nên nhớ rằng quý III được xem là quý cao điểm của năm khi những kết quả đạt được trong quý này có tính dự báo rất lớn về kết quả cả năm, nên các công ty niêm yết với đà phục hồi trong hoạt động có thể sẽ công bố những con số tích cực hơn.

Nhiều khả năng, diễn biến của TTCK trong tuần tới sẽ tiếp tục theo hình răng cưa với biến động mạnh tại nhóm blue chip khi NĐTNN tăng cường giao dịch. Một điểm cũng đáng lưu ý là nhóm CP trụ cột trong 4-5 phiên gần đây đang có hiện tượng luân phiên để tạo ra sự tích cực cho thị trường, dù chỉ trong thời gian ngắn và liên tục đổi vai.

Nhiều khả năng dòng tiền sẽ tập trung tại các blue chip cùng những CP có nền tảng cơ bản tốt. Dường như thị trường đang buộc NĐT phải nhìn vào, tập trung quan sát hàng ngày và dễ bị chi phối trong từng phiên. Nhưng trong thực tế, nếu nhìn theo từng giai đoạn từ 3-5 phiên, ít nhất sẽ thấy rằng thị trường không xấu đi, thậm chí còn tích cực hơn và diễn biến của từng CP cũng sẽ như vậy. CP có thể biến động rất mạnh trong 1-2 phiên, nhưng giảm mạnh sẽ hồi phục mạnh thay vì bị xả quá mức.

Vậy nên, nếu hành động theo kiểu thấy tăng thì mua, giảm thì bán trong những lúc này, ngoài việc gây ra thua lỗ còn tạo ra tâm lý ức chế và nhận định không chuẩn xác, dẫn đến mất cơ hội nếu thị trường vào sóng. Vấn đề của NĐT hiện nay sẽ là kiên nhẫn, lựa chọn CP mua vào và chờ đợi. Sức ép hiện nay của NĐT gặp phải đến từ chính mình hơn là thị trường.

Theo DIỆU KHANH

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên