MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao dịch Ask/Bid sẽ thay thế được sản phẩm bán khống cho quỹ ETF?

Hạ tầng giám sát và nhận thức NĐT ở nước ta chưa đủ để cho phép bán khống, giao dịch ask/bid vừa tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm ETF nhưng vẫn đảm bảo sự thận trọng cần thiết cho thị trường.

Tại hội thảo “Tìm hiểu quỹ hoán đổi danh mục, quỹ đầu tư bất động sản và khung pháp lý ở Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ quản lý quỹ đã giới thiệu đến các thành viên thị trường một loạt hình giao dịch tên gọi ask/bid.

Về mặt bản chất giao dịch ask/bid đưa thị giá về gần hơn giá trị thực của quỹ đó (NAV) nên nhiều quốc gia không cho phép bán khống tuy nhiên vẫn cho phép giao dịch song hành đối với quỹ ETF.

Cụ thể, khi giá chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp cao hơn NAV, vào ngày giao dịch T, NĐT sẽ bán chứng chỉ quỹ ETF (có thể vay trên hệ thống của Trung tâm lưu ký), đồng thời mua danh mục cơ cấu trên thị trường thứ cấp và yêu cầu phát hành các lô ETF trên thị trường sơ cấp (qua trung tâm lưu ký). Đến T+3, chứng chỉ quỹ ETF mới được tạo ra sẽ bù đắp cho ETF đã bán trước đó. Việc bán ETF khiến giá ETF giảm xuống và gần NAV hơn.

Hoạt động hoán đổi của ETF đã đặt tại hệ thống của VSD chứ không phải tại ngân hàng lưu ký, điều này giải tỏa được vấn đề đại lý chuyển nhượng như của quỹ mở.

Ngược lại, nếu thị giá ETF thấp hơn NAV, NĐT bán danh mục cơ cấu và mua ETF trên thị trường thứ cấp và yêu cầu bán lại lô ETF trên thị trường sơ cấp.

Có sự khác biệt giữa giao dịch bán khống và ask/bid: Nếu bán khống vay chứng khoán A và bán ngay chứng khoán A và điều này làm giảm giá chứng khoán A.

Trong khi đó về bản chất, các giao dịch ở quỹ ETF là hoạt động hàng đổi hàng, tức là thành viên lập quỹ ETF sẽ dùng danh mục cơ cấu để mua chứng chỉ quỹ, do đó đối với giao dịch ask/bid là giao dịch vay danh mục cơ cấu nhưng lại bán ccq ETF, việc không bán trực tiếp chứng khoán đó không tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường và làm giảm giá chứng khoán, chỉ là đưa giá của ETF về gần với giá chứng khoán đó.

Ở nhiều quốc gia hiện nay cho phép bán khống yêu cầu NĐT chỉ được bạn khống nếu mức giá bán không thấp hơn hoặc phải cao hơn bao nhiêu điểm so với mức giá của giao dịch vừa thực hiện trên thị trường để tránh kéo thị trường xuống. Ở nước ta hiện tại điều kiện hạ tầng cũng như nhận thức của nhà đầu tư chưa đủ để cho phép bán khống.

Ở giao dịch ask/bid, khi đặt lệnh bán ETF yêu cầu phải mua chứng khoán cơ cấu trước, điều này giảm thiểu hoàn toàn việc mất khả năng thanh toán để đảm bảo đến ngày T+3 (là chu kỳ thanh toán và chuyển giao hành hóa của cả chứng khoán cơ cấu và ccq ETF), chứng khoán về đến tài khoản của trung tâm lưu ký và chuyển ngay về tài khoản của quỹ.

Ông Long nhắc lại chúng ta vẫn phải đảm bảo sự thận trọng cần thiết để vừa đảm bảo tính hấp dẫn của sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo thông lệ bán khống chưa phù hợp với khả năng và nhận thức của thị trường.

Hiện tại giao dịch ask/bid vẫn chưa đưa vào dự thảo quỹ ETF và nó vẫn đang được giới thiệu ở mức độ học thuật. Ông Long cho biết việc đưa giao dịch ask/bid vận hành phải phụ thuộc vào giao dịch hạ tầng của Trung tâm lưu ký và khả năng phòng ngừa rủi ro của các bên.

"Nếu chúng ta đòi hỏi một sảm phẩm ETF hoàn hảo và có đặc trưng của giao dịch ask/bid thì chúng ta phải tiếp tục phát triển hạ tầng, VSD hiện nay đang nghiên cứu và triển khai rất tích cực. Còn nếu chúng ta tạm hài lòng đưa ETF ra và chưa có giao dịch ask/bid thì nó sẽ có độ vênh về giá giữa thị giá ccq ETF và NAV và nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giao dịch của các quỹ cũng như NĐT", ông Long nói.

Tất cả mọi thứ vẫn đang là dự thảo hiện UBCK vẫn đang lấy ý kiến các thành viên thị trường. Việc bao giờ đưa quỹ ETF vào vận hành thì điều này còn phải phụ thuộc vào thị trường, UCBK đã chuẩn bị mọi thứ về hành lang pháp lý, khi nào thị trường chín muồi - kết hợp giữa công ty quản lý quỹ, CTCK, ngân hàng,..thì sẽ cho triển khai quỹ ETF.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên