MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc khuất bảng xếp hạng thị phần môi giới

Đằng sau sự vinh danh 10 CTCK là các chiêu thức giành thị phần, sự khác biệt về chiến lược phát triển và trên hết là sự khác biệt về hiệu quả kinh doanh 2009.

Năm 2009, TTCK Việt Nam trải qua nhiều biến động, nhưng thanh khoản toàn thị trường được cải thiện mạnh mẽ khi áp dụng phương thức giao dịch không sàn. Đây cũng là năm sự cạnh tranh giữa các CTCK diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết.

Số liệu thống kê về thị phần môi giới của 10 CTCK dẫn đầu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa công bố. Đằng sau sự vinh danh 10 CTCK là các chiêu thức giành thị phần, sự khác biệt về chiến lược phát triển và trên hết là sự khác biệt về hiệu quả kinh doanh 2009 - vấn đề vẫn chưa được công ty nào chính thức công bố.

Thị phần và chiến lược phát triển

Đây là năm thứ hai HOSE công bố công khai thị phần môi giới của các CTCK. Tuy nhiên, giữa hai lần công bố có một sự khác biệt nhỏ về cách tập hợp số liệu: trong lần đầu, số liệu thị phần được chia nhỏ theo từng tiêu chí tốp 10 môi giới cổ phiếu, tốp 10 môi giới chứng chỉ quỹ, tốp 10 môi giới trái phiếu (chia nhỏ cho 2 mảng dành cho khối NĐT trong nước và nước ngoài).

Điều này khác với lần hai - số liệu được công bố dạng tổng hợp. Do đó, việc cân nhắc so sánh vị trí của từng CTCK trong năm qua là khá khó khăn.

Năm 2008, CTCK Sài Gòn (SSI) đứng đầu trong tất cả các mảng môi giới trong nước và ngoài nước, trừ trái phiếu. Sang năm 2009, ngôi vương mà SSI nắm giữ trong nhiều năm liền đã nhường chỗ cho một gương mặt mới - CTCK Thăng Long (TSC). Đây cũng là năm đầu tiên TSC vươn lên vị trí cao nhất, dù trước đó Công ty thường xuyên có mặt trong tốp 10.

Điều tương tự với CTCK Sacombank (SBS). Năm 2008, SBS có mặt trong topten, nhưng chưa gây nhiều ấn tượng. Bất ngờ năm 2009, một số tháng SBS vươn lên dẫn đầu thị phần môi giới, có quý ở vị trí số 2, kết thúc năm ở vị trí số 3.

Xét về mức độ thăng tiến, bên cạnh các công ty gây ấn tượng mạnh từ TSC và SBS, nhiều sự tiến bộ còn đến từ HSC, FPTS, KEVS và VIS. Trong đó HSC thể hiện sự ổn định đáng kể, FPTS và KEVS tỏ ra không hề hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với nhiều CTCK có tên tuổi, thâm niên khác. VIS là một bất ngờ khi có mặt trong topten vào thời điểm cuối năm.

3 CTCK còn lại trong Top 10, nhiều hay ít đều có sự thoái lui so với chính mình của 1 năm trước đó. Tuy nhiên, xét rộng ra trong Top 20, những vị trí cuối của "Top Ten" và 10 CTCK tiếp theo không có nhiều chênh lệch về thị phần, sự đổi ngôi có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Con số thị phần của các CTCK cho thấy điều gì? Đầu tiên các CTCK tiến bộ trong Top 10 đang phát triển theo hai chiến lược. Thứ nhất, các CTCK có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2009 đang phát triển theo hướng "cú nhảy lớn": hoạt động môi giới được đẩy mạnh trên nguyên tắc đầu cơ cao bởi hoạt động tư vấn từ broker. Đòn bẩy tài chính tập trung ở nhóm khách hàng VIP cũng được các công ty này triển khai mạnh.

Thứ hạng thị phần được cải thiện nhanh chóng theo tốc độ vòng quay của tiền nhiều hơn là số tài khoản được mở. Ở hướng thứ hai, một số CTCK phát triển theo hướng bền vững, chắc chắn và đồng bộ hơn, từ nhân sự, công nghệ tới quản trị rủi ro. Một số công ty có định hướng sẽ xác lập vị thế ổn định trong vài năm tới. Ở nhóm này, các CTCK có sự tham khảo kỹ những mô hình thành công và linh nghiệm từ nước ngoài.

Phần còn lại trong tốp 10 là những CTCK từng có tên tuổi, có thâm niên hoạt động, nhưng chiến lược phát triển không rõ ràng, hoặc CTCK đang trực thuộc pháp nhân khác, nên thiếu quyền tự quyết trong hoạt động, hoặc vẫn đơn giản xoay xở trong tấm áo chật của cơ chế. Đây là lý do chính của những sự thoái lui.

Ở nhóm thứ nhất, nếu thị trường đi lên theo một đường thẳng, lịch sử sẽ sang trang. Tuy nhiên cú rớt sâu bất ngờ của thị trường cuối năm ngoái gợi ra nhiều vấn đề về chiến lược phát triển của các công ty này.

Giám dốc môi giới một CTCK thuộc Top 20 đang có tham vọng chen chân trong Top 10 nói với ĐTCK rằng, khách hàng VIP của một số CTCK đã thua lỗ khá lớn do các CTCK này chỉ tư vấn một chiều (thị trường sẽ lên).

Vòng xoáy giải chấp trên diện rộng khi thị trường đi xuống đã đẩy nhiều khách hàng VIP của CTCK này phải "nhảy cóc” trở thành khách hàng thường của CTCK khác! Hướng phát triển nhanh có thể đẩy công ty rơi vào cảnh "bạo phát, bạo tàn", vị giám đốc này nhận định. Tuy nhiên, ở nhóm thứ hai, sự thận trọng cũng khiến các công ty này bỏ lỡ một số cơ hội để bứt xa hơn.

Thị phần không đồng nghĩa với gia tăng lợi nhuận

Tiêu chí thị phần không đồng nghĩa với lợi nhuận của các CTCK. Điều này có hai lý do, thứ nhất hoạt động tự doanh của các CTCK vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu lợi nhuận năm 2009. Lý do thứ hai, tế nhị hơn. Một số CTCK lớn hướng phát triển thị phần tập trung vào khách hàng VIP, khách hàng NĐT tổ chức hay NĐT nước ngoài.

Năm 2009, vai trò của NĐT tổ chức và NĐT nước ngoài khá mờ nhạt, bộ phận tự doanh và khách hàng VIP của các CTCK là hạt nhân chính châm ngòi cho các đợt bùng nổ của thị trường. Tuy nhiên, khách hàng VIP được hưởng khá nhiều ưu đãi, chẳng hạn phí môi giới thấp (0,15 - 0,2%).

Một số CTCK còn cho khách hàng VIP giao dịch cùng loại cổ phiếu trong ngày (tài khoản thứ 2 là tài khoản được ủy quyền), nhưng công ty chỉ thu phí một chiều...Vì thế, theo giới quan sát, sự bùng nổ về thị phần môi giới của CTCK không đồng nghĩa với sự gia tăng của lợi nhuận.

Trong thời gian sắp tới, khi báo cáo tài chính của khối CTCK được công bố, sẽ rất thú vị khi NĐT có thể đánh giá hiệu quả thực sự trong hoạt động tư vấn môi giới tại các CTCK qua chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo Giang Thanh
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên