MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi tiền vào ngân hàng chỉ có thể là...hoạt động khác của SCIC?

Việc gửi tiền vào ngân hàng để nhận lãi suất chỉ có thể nằm trong các "hoạt động khác theo quy định của pháp luật" mà thôi.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Văn bản mới kế thừa nội dung của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về quy định đầu tư kinh doanh. Đó là những quy định về việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý vốn Nhà nước sau khi nhận bàn giao, bán vốn Nhà nước và đầu tư kinh doanh vốn của Tổng công ty. Cụ thể, SCIC được chủ động sử dụng nguồn vốn kinh doanh để thực hiện đầu tư vào các dự án, lĩnh vực, ngành nghề trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật, đầu tư hiệu quả...

Ngoài ra, Nghị định mới quy định những hoạt động khác của SCIC giới hạn ở các hoạt động hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, tư vấn, góp vốn thành lập doanh nghiệp, nhận ủy thác đầu tư và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc gửi tiền vào ngân hàng để nhận lãi suất chỉ có thể nằm trong các "hoạt động khác theo quy định của pháp luật" mà thôi.

Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2012 và kế hoạch năm 2013 của SCIC mà chúng tôi đã từng đề cập, năm 2012 siêu Tổng công ty này ghi nhận tới 1.568 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng dưới dạng doanh thu tài chính. Với lãi suất 8% (theo báo cáo của SCIC), có thể nhẩm tính số tiền mà Tổng công ty này gửi ngân hàng lên tới 19 nghìn tỷ đồng.

40% nguồn thu của SCIC là lãi tiền gửi ngân hàng. Việc gửi tiền tiết kiệm không có bất kỳ quy định nào cụ thể (vì nằm trong khoản mục ngắn gọn: hoạt động khác). SCIC vì thế vẫn có cơ hội tiếp tục sử dụng nguồn tiền khổng lồ của một siêu tổng công ty để gửi ngân hàng, lấy lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Phương pháp đầu tư này được coi là an toàn bậc nhất. Nhưng nếu so với chức năng của một doanh nghiệp Nhà nước vốn được mặc định là tham gia vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân khó/không thể đủ tiềm lực để thực hiện, có vẻ vẫn có đôi chút "bất công" cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước vẫn đang ngày đêm "khát vốn".

Chúng tôi cũng lưu ý thêm, SCIC sẽ tiếp tục giữ vốn đầu tư dài hạn vào 4 doanh nghiệp bao gồm TCT Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR), FPT Telecom, Dược Hậu Giang (DHG) và Vinamilk (VNM). Đây cũng là các doanh nghiệp hàng năm đóng cả nghìn tỷ đồng cổ tức cho SCIC, không thua khoản tiền gửi ngân hàng là bao.

>> Sướng như SCIC
Hoàng Lan

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên