MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Habeco và Sabeco: Nan giải chuyện niêm yết

Nếu không thay đổi quan điểm: giá bán cho đối tác chiến lược không thấp hơn giá đấu bình quân thì Sabeco khó tìm kiếm được đối tác chiến lược và chưa biết khi nào mới lên sàn.

"Chúng tôi có thể lựa chọn một trong hai sàn niêm yết mà không phải bận tâm về việc 100 cổ đông bên ngoài đã sở hữu hơn 20% vốn điều lệ hay chưa", một lãnh đạo của Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) chia sẻ với ĐTCK.

Trước đây, DN muốn niêm yết tại Sở GDCK phải thỏa mãn một trong những điều kiện là tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định số 84/2010/NĐ-CP thì DN nhà nước không phải tuân thủ quy định này. Đây là một hướng mở cho nhiều DN nhà nước cổ phần hóa lên sàn, cho dù mức độ đại chúng chưa cao. Vậy nhưng, không phải DN nào cũng thực hiện việc niêm yết một cách thuận lợi, do liên quan đến việc chào bán cho đối tác chiến lược. Câu chuyện từ hai "đại gia" ngành bia là một ví dụ.

Điều 9 Nghị định 84/2010/NĐ-CP sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 14/2007/NĐ-CP, DN được phép niêm yết tại Sở GDCK khi có "tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ".

Ông Nguyễn Tuấn Phong, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết, bản thân Habeco rất muốn niêm yết sớm, nhưng đến thời điểm này vẫn không xác định được cụ thể thời gian nào. "Do liên quan đến bán vốn nhà nước nên mọi việc triển khai phải hết sức cẩn trọng, đầy đủ các thủ tục", ông Phong nói.

Theo ông Phong, hiện Habeco đã xây dựng phương án bán bớt phần vốn nhà nước trình Bộ Công thương. Theo phương án này, Habeco sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu, nhưng lượng bán ra phải đảm bảo không để cổ đông chiến lược Carlsberg nắm giữ quá 30% vốn. "Phía đối tác chiến lược luôn mong muốn nắm giữ nhiều hơn, nhưng theo cam kết trước đây của Habeco với Carlsberg thì họ sẽ không được sở hữu quá 30%", ông Phong cho nói. Về giá bán cổ phần trong đợt thoái vốn nhà nước này, ông Phong cho biết, phải chờ ý kiến của Bộ Công thương mới xây dựng phương án chi tiết.

Một nguồn tin từ Bộ Công thương cho hay, nguồn vốn nhà nước tại Habeco có thể giảm xuống 66% trong thời gian tới. Hiện vốn nhà nước tại DN này là 81,79%. Phương án đang được tính tới là bán thêm 15,79% theo hướng đấu giá công khai, 3% phần còn lại sẽ bán cho các cổ đông hiện hữu.

Cũng giống như Habeco, chuyện niêm yết của Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khá mịt mờ. Bà Trịnh Tuyết Minh, Phó tổng giám đốc Sabeco cho biết, đến nay hồ sơ niêm yết đã được chuẩn bị rất kỹ càng. Tuy nhiên, Sabeco đang đứng trước "ngã ba đường": bán cho đối tác chiến lược xong rồi mới niêm yết hay niêm yết trước rồi bán cho đối tác chiến lược. Vào thời điểm này, nếu niêm yết trước, giá cổ phần của Sabeco (đang giao dịch trên thị trường OTC khoảng 32.000 đồng/CP) sẽ thấp hơn rất nhiều giá thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm 2007 (trên 70.000 đồng/CP).

Theo phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, sau khi IPO, DN này phải bán cổ phần cho đối tác chiến lược rồi mới thực hiện niêm yết. Tuy nhiên, đến nay sau gần 3 năm thực hiện cổ phần hóa, Sabeco vẫn chưa có đối tác chiến lược. Một phần do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới. Nhưng mặt khác, theo quy định, giá bán cho đối tác chiến lược không thấp hơn giá đấu bình quân khiến Sabeco rất khó khăn trong đàm phán.

Như vậy, nếu niêm yết thì Sabeco sẽ khó bán cho đối tác chiến lược với giá bán 70.000 đồng/CP. Nếu không thực hiện niêm yết thì Sabeco trở nên "bội tín" với lời hứa cách đây 3 năm kể từ thời điểm DN này cổ phần hóa.

Ngay trong việc lựa chọn đối tác chiến lược, hiện nội bộ DN này cũng có ý kiến khác nhau. Trước đây chỉ xác định là đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng đến nay sau 3 năm tình hình có nhiều thay đổi, không ít ý kiến cho rằng, cần phải có đối tác chiến lược trong nước. Như vậy, lại phải thay đổi, bổ sung tiêu chí đối tác chiến lược.

Bà Minh cho biết, hiện Sabeco đã trình lên Bộ Công thương văn bản xin ý kiến bán xong cho đối tác chiến lược rồi mới lên sàn. Mọi vấn đề chuẩn bị niêm yết Sabeco đã chuẩn bị xong. DN cũng đã có thư ngỏ cho một số đối tác hàng đầu về bia trên thế giới để mời làm đối tác chiến lược. "Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Công thương sẽ xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này", bà Minh nói.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không thay đổi quan điểm: giá bán cho đối tác chiến lược không được thấp hơn giá đấu bình quân khi tiến hành cổ phần hóa thì Sabeco khó lòng tìm kiếm được đối tác chiến lược và chưa biết đến khi nào mới lên giao dịch tại sàn chứng khoán tập trung.

Theo Nguyên Thành
ĐTCK

duchai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên