MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy quan sát thật kỹ khối lượng giao dịch

Các chỉ báo kỹ thuật đều nghiêng về khả năng hồi phục của Vn-Index trước Tết. Điều kiện tiên quyết cho độ dài của đợt hồi phục vẫn là sự tăng trở lại của <br/>KLGD.

Báo cáo tháng 1 mới ra ngày 01/02/2010 của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI cho rằng kinh tế tháng 1 của Việt Nam cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế vẫn đang chạy theo quán tính với các vấn đề cố hữu đang quay trở lại. Đà hồi phục kinh tế chắc chắn sẽ chậm lại đáng kể nếu mặt bằng lãi suất và cung tiền tệ vẫn được duy trì như trong 2 tháng qua.

Các thông tin vĩ mô được đưa ra trong tháng 1 đều khả quan hơn so với dự đoán như CPI tăng 1,36% so với tháng 12, sản xuất công nghiệp tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu tăng 28,1% so với cùng kỳ và giảm 10% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh 86,6% so với cùng kỳ song lại giảm 16,6% so với tháng trước, Chính phủ phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ...

Tuy nhiên, trên thị trường tiền tệ, lãi suất cơ bản được giữ nguyên 8% song thực tế cho thấy lãi suất cho vay và huy động thực tế trên thị trường nếu tính tất cả các loại khuyến mãi, phí có thể lên tới 12 – 13% thậm chí 16 – 18%.

Theo phản ánh trên báo Lao động, trước khi có quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, biểu lãi suất huy động VND tại nhiều NHTM vẫn có được sự chênh lệch ít ỏi và mang nhiều tính hình thức giữa các kỳ hạn. Tuy nhiên sau khi tin được chính thức công bố, một làn sóng ồ ạt trên thị trường huy động vốn với lãi suất cao nhất cho cùng lúc nhiều kỳ hạn.

Một thống kê sơ bộ cho thấy, cho đến nay có ít nhất hơn 20 NHTM đang áp dụng biểu lãi suất một mức duy nhất cho một loạt các kỳ hạn gửi tiền đồng từ 1 tháng đến 36 tháng với mức phổ biến lên tới 10,49%/năm; thấp hơn trần lãi suất huy động mà NHNN cho phép 0,01%/năm. Trong đó có một số ngân hàng tên tuổi như Vietcombank, Maritime Bank, Techcombank hay MB.

Thậm chí rất nhiều NHTMCP như MB, OCB hay VPBank còn đưa lãi suất duy nhất cho nhiều kỳ hạn chạm mức 10,499%/năm và chỉ còn cách trần cho phép vỏn vẹn 0,001%/năm.

Theo SSI, áp lực tăng LSCB có thể chỉ là vấn đề thời gian nếu NHNN không có các biện pháp mang tính thị trường để tác động đến cung cầu tín dụng và lãi suất thực tế của thị trường. Hiện NHNN tác động đến thị trường bằng ba công cụ chính: mức dự trữ bắt buộc, hoạt động bơm tiền có kỳ hạn trên thị trường mở (OMO) và tái cấp vốn trực tiếp theo hồ sơ tín dụng với NHTM.

Theo SSI, công cụ bơm hút trên thị trường mở đã được sử dụng hơn 1 tháng nay và NHNN đã mở rộng kỳ hạn bơm tiền lên tới 28 ngày song mới chỉ góp phần ổn định thanh khoản của hệ thống mà chưa có tác dụng kéo lãi suất thị trường xuống.

Các chỉ báo đều nghiêng về khả năng tăng trong ngắn hạn, nhưng...

Trên TTCK Việt Nam, mặc dù khối ngoại mua ròng 16 phiên liên tiếp, song tâm lý chờ đợi và thận trọng vẫn bao trùm lên cả thị trường trong tháng 1. Các thông tin tiêu cực phản ánh mạnh hơn tin tích cực, nếu công ty lỗ sẽ giảm sàn ngay hôm sau, nhưng nếu báo cáo lãi, chưa chắc cổ phiếu đã tăng giá.

Dự báo tháng 2, SSI cho rằng sự giằng co và cầm chừng có thể tiếp diễn trong những phiên đầu tháng 2, khi chưa có nhiều thông tin vĩ mô trong nước, xu hướng của TTCK thế giới sẽ ảnh hưởng mạnh đến TTCK Việt Nam, nhất là khi thị trường sẽ nghỉ Tết 9 ngày. Mức hỗ trợ vùng 480 điểm tỏ ra khá vững là một yếu tố hỗ trợ thị trường trước Tết.

Theo phân tích kỹ thuật của SSI, các chỉ báo đều nghiêng về khả năng hồi phục của chỉ số Vn-Index trong khung thời gian hai tuần trước Tết nguyên đán. Điều kiện tiên quyết cho độ dài của đợt hồi phục vẫn là sự tăng trở lại của khối lượng giao dịch.

Trong trường hợp khối lượng giao dịch không tăng lên thuyết phục trong những phiên tăng điểm, việc dừng mua thêm cổ phiếu ở vùng giá cao trong đợt hồi phục đối với nhà đầu tư ngắn hạn nên được cân nhắc.

Các ngưỡng hỗ trợ của VN-Index trong tháng 2 gồm vùng hỗ trợ 1 (471 – 481 điểm); vùng hỗ trợ 2 (441 – 459 điểm); vùng kháng cự 1 (509 – 521 điểm); vùng kháng cự 2 (531 – 550 điểm).

Phương Mai
Ghi theo SSI/Lao động


phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên