MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện tượng Everpia

Hơn 2 năm ròng không có mấy giao dịch, giá cổ phiếu giảm mặc dù thương hiệu và tài chính tốt hàng đầu trong ngành. Gần đây, cổ phiếu này bất ngờ tăng giá mạnh kèm khối lượng giao dịch đột biến không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư tò mò về cổ phiếu này.

Với những dự báo lạc quan đến từ nhiều phía, nhóm cổ phiếu ngành dệt may đã có những giai đoạn tăng trưởng rất mạnh. Từ thời điểm năm 2014, cho đến ngày hiệp định TPP chính thức được thông qua, nhóm cổ phiếu ngành dệt may có mức tăng trưởng khá mạnh. Các cổ phiếu như GIL của Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE:GIL) tăng 20%, TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX:TNG) tăng 160%, TCM của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE:TCM) tăng 89% và GMC của Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (HOSE:GMC) tăng khoảng 53%.

EVE của Công ty cổ phần Everpia (HOSE:EVE) là hiện tượng nghịch khi giảm gần 12% trong vòng 2 năm 2014 – 2015 và gần như hiếm khi cổ phiếu này được giao dịch sôi động. Khối lượng giao dịch bình quân phiên cổ phiếu này chỉ ở mức xấp xỉ 4.300 Cp/phiên, rất thấp so với bình quân thị trường và các cổ phiếu khác trong ngành dệt may.

Rực sáng sau khi nới room

Cổ phiếu này chỉ thực sự bắt đầu gây được sự chú ý đối với nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Sau khi được cho phép nới room khối ngoại lên 100% và có hiệu lực từ ngày 3/2/2016, cổ phiếu EVE của CTCP Everpia Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trước đó, với việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 49%, cổ phiếu EVE của Công ty CP Everpia luôn ở tình trạng đầy kín room nước ngoài. Ngay sau khi được nới room, khối ngoại nâng tỷ lệ sở hữu tại cổ phiếu này hiện lên tới 54,8%.

Năm 2015, EVE đạt 114,39 tỷ đồng LNST, tăng 35% so với năm trước đó. EPS đạt 4.160 đồng. Với mức giá hiện tại, P/E tương ứng 7,7 lần. Theo báo cáo tài chính năm 2015 của EVE cho thấy giá trị sổ sách của doanh nghiệp này ở mức 33.023 đồng/cp, cao hơn giá trị cổ phiếu trên thị trường.

EVE được xem là của hiếm trong ngành dệt may với tỷ suất lợi nhuận gộp khá cao. Năm 2015 ở mức 35,84%, và mức bình quân giai đoạn 2007 – 2015 là 35,7%. Đây là con số vượt trội so với các doanh nghiệp khác trong ngành như TCM 15,3% , GMC 15,1%, TNG 19,1%, GIL 19,3%, STK 18,1%.

Có thể nhận thấy sự khác biệt của EVE so với nhóm cổ phiếu còn lại. Trong khi các cổ phiếu cùng ngành tăng mạnh, EVE lại giảm. Ngược lại, trong thời điểm hiện nay khi mà giá của hầu hết cổ phiếu dệt may không có sự khởi sắc thì EVE lại tăng mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch 17/2, cổ phiếu EVE tăng lên 30.800đ với khối lượng giao dịch đột biến 616.260 cổ phiếu. Đây cũng là mức giá và khối lượng cao nhất sau khi điều chỉnh của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2010. Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, EVE đã tăng gần 18,5%, thể hiện sức nóng của EVE trong giai đoạn hiện nay.

Sức hút của hiện tượng

Với những hiệp định thương mại tự do vừa ký và chuẩn bị có hiệu lực. Đã có nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước. Thế nhưng, nhiều chuyên gia nhận định chỉ có những doanh nghiệp có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao mới có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội từ hội nhập.

EVE là một trong số ít các doanh nghiệp ngành dệt may có tỷ suất lợi nhuận cao trong ngành cùng với việc nắm hệ thống phân phối mạnh. Tính đến cuối năm 2016, Công ty cổ phần Everpia Việt Nam (EVE) đã có gần 700 đại lý trên toàn quốc. Ngành hàng chăn ga là sản phẩm mà Everpia chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam (25%) vào năm 2012, dẫn đầu thị trường chăn ga Việt Nam. Hiện ngành hàng này đang mang lại 70% lợi nhuận cho Everpia Việt Nam với 3 thương hiệu. Artemis ở phân khúc cao cấp. Everon ở phân khúc trung cấp, luôn duy trì vị trí số một tại thị trường chăn ga tại Việt Nam với 18 năm hiện điện trên thị trường. Edelin ở phân khúc bình dân.

Bên cạnh đó, ngành hàng bông tấm Everpia Việt Nam là một trong những công ty đứng đầu với khoảng 31% thị phần năm 2013 với 2 thương hiệu chính DEXFIL và Thermolite.

Ngoài những điểm mạnh về hệ thống phân phối, việc đầu tư đúng mức cho khâu nghiên cứu và phát triển lại là những điểm mạnh giúp các sản phẩm của Everpia chiếm lĩnh thị trường. Với số lượng 50 sản phẩm mới hàng năm.

Trong khi nước ngoài tiếp tục duy trì đà bán ròng, EVE lại là cổ phiếu có lượng mua ròng thuộc nhóm lớn nhất sàn HOSE. Điều này cho thấy EVE đang được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài sau khi quyết định nới room vừa được thông qua.

Trong những năm gần đây, làn sóng MA tập trung vào các công ty có quy mô vừa thuộc các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và bán lẻ đang diễn ra khá rầm rộ. Với những yếu tố tích cực từ hoạt động kinh doanh, sản phẩm được nhận dạng và mạng lưới phân phối mạnh. EVE đang được đánh giá là “con mồi ngon” của các công ty nước ngoài muốn thâu tóm lĩnh vực hàng tiêu dùng tại Việt Nam .

Ở góc độ khác, rõ ràng sự việc cổ phiếu này đột nhiên tăng mạnh cùng với lượng giao dịch tăng vọt trong bối cảnh thị trường còn ảm đạm là điều hơi khó hiểu. Khối lượng giao dịch tăng mạnh là do đâu ? Ai đang đua gom cổ phiếu này? Ai đang bán mạnh số cổ phiếu như vậy?

Chính điều này làm cho nhà đầu tư bắt đầu đặt ra những dấu hỏi lớn đối với doanh nghiệp này. Và hiển nhiên là không thể không nhắc tới xung đột lợi ích giữa các cổ đông công ty này trong suốt thời gian dài trước đó?

Mặc dù có hoạt động kinh doanh và sản phẩm có thị phần cao hàng đầu Việt Nam, thế nhưng giá trị cổ phiếu EVE giao dịch ở mức thấp, thanh khoản kém trong suốt thời gian dài cùng kế hoạch kinh doanh và cổ tức thấp. Điều này tạo nên những mâu thuẩn nội bộ gay gắt kéo dài trong suốt 2 năm 2014-2015

Câu chuyện lùm xùm xung quanh vấn đề quản trị doanh nghiệp tại Everpia bắt nguồn từ năm 2014. Mâu thuẩn giữa nhóm cổ đông đại diện khoảng 28-38% vốn tại EVE trong đó có Red River Holding, Temasia đối với ông Lee Jae Eun, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty (ông và gia đình nắm khoảng 20% cổ phần EVE) bắt đầu lộ diện. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2014 của EVE, nhóm cổ đông này đã phủ quyết nhiều nội dung mà Ban điều hành trình ĐHCĐ bao gồm kế hoạch kinh doanh 2014, tỷ lệ chia cổ tức, tổng thù lao cho Hội Đồng Quản Trị. RRH và Temasia cũng như các cổ đông khác cho rằng ban lãnh đạo EVE kinh doanh không hiệu quả, tỷ lệ cổ tức thấp, và có những hành động không vì quyền lợi của cổ đông.

Mâu thuẫn ngày càng căng thẳng hơn và đến ĐHCĐ thường niên năm 2015, đại diện của Red River và Temasia tiếp tục chất vấn ông Lee hàng loạt vấn đề như lương thưởng, thao túng giá cổ phiếu, gây sức ép với cổ đông để bán cổ phiếu với giá rẻ…

Có vẻ như mâu thuẫn giữa Red River Holding và ban lãnh đạo Everpia vẫn chưa dừng lại khi mà Chủ tịch Everpia vừa bị UBCKNN xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán vào ngày 11/01/2016 và Red River Holding cho biết đang khởi kiện ông Lee ra tòa án nhân dân TP. Hà Nội.

Phải chăng những xung đột cố hữu này không được giải quyết đã dẫn đến tình trạng đua gom cổ phiếu giành quyền kiểm soát của cổ đông nước ngoài ngay sau khi quyết định nới room được thông qua?

Ai là người đang nhượng bộ trong thương vụ này, các bên đã đi đến thống nhất về kế hoạch trong thời gian tới? Hay phải chăng sau những lần bỏ phiếu chống bất thành trong các lần đại hội, RRH đang quyết định rút lui tạo nên thanh khoản cao trên thị trường?

Hiện tại khó mà nhận định rõ ràng về tình hình nội bộ của công ty này và ai đang âm thầm đứng sau những phiên giao dịch đột biến đó. Tuy vậy, những giao dịch sôi động vẫn đang được kỳ vọng tiếp diễn.

Với những diễn biến chẳng giống ai, EVE đang là một hiện tượng thú vị trên sàn chứng khoán Việt Nam. Dù thế nào đi nữa, một EVE hầu như không có giao dịch trở nên thanh khoản mạnh cũng đã tạo được sức hút nhất định đối với các nhà đầu tư.

Theo Huy Nguyên

Người đồng hành

Trở lên trên