MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoạt động tăng vốn: Không phải ai cũng có nhu cầu

Đối lập với việc tăng vốn rầm rộ của nhóm ngành bất động sản, xây dựng thì các nhóm ngành điện, sách… lại đang đứng ngoài cuộc chạy đua tăng vốn đó.

“Kế hoạch tăng vốn”, “tăng vốn rầm rộ”, “phát hành cho cổ đông chiến lược”… đó là những cụm từ thường xuyên xuất hiện một cách khá dày đặc trên các trang báo trong thời gian gần đây.

Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế thì nhu cầu tăng vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng không còn là điều gì quá ngạc nhiên. Trong đó, huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu trong bối cảnh khó tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng chính là ưu điểm mà TTCK mang lại.

Trong các doanh nghiệp trên thị trường thì có lẽ các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng là nhóm doanh nghiệp có nhu cầu về vốn vào hạng lớn nhất và cũng không quá ngạc nhiên khi đây là nhóm doanh nghiệp thường xuyên thực hiện những đợt phát hành tăng vốn nhất trên thị trường.

Có thể thấy hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đang và sẽ tiến hành những kế hoạch tăng vốn rầm rộ. Như CEO, cuối năm 2014 đã phát hành tăng vốn với tỷ lệ 1:1, tăng vốn lên hơn 680 tỷ đồng ngay sau khi vừa lên sàn niêm yết.

Ngoài ra, có thể kể tới các doanh nghiệp khác như Đất Xanh (DXG), Tổng CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng (DIG), CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (TIG), Tasco (HUT), Tân Tạo (ITA)… cũng đều có kế hoạch tăng vốn khá rầm rộ.

Không chỉ vậy, hoạt động tăng vốn cũng có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp, thuộc nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau như FIT, TSC, DCL, FCM, KSA , VIX, DAG

Theo nhiều chuyên gia, câu chuyện tăng vốn rầm rộ thời gian qua bên cạnh việc tận dụng sự nóng lên của TTCK cũng như sự hồi phục của nền kinh tế mà còn có thể đến từ việc thông tư 58 sắp ban hành. Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 58 bổ sung quy định về tài khoản phong tỏa, thời gian thực hiện một đợt chào bán riêng lẻ; yêu cầu doanh nghiệp có báo cáo về sử dụng vốn được kiểm toán... và điều này sẽ khiến việc tăng vốn của doanh nghiệp khó có thể diễn ra rầm rộ như hiện tại.

Điện, sách… đứng ngoài cuộc đua tăng vốn

Mặc dù xu thế tăng vốn trên thị trường trong thời gian qua diễn ra khá rầm rộ, tuy nhiên vẫn có nhiều nhóm ngành đặc thù đứng ngoài cuộc đua đó. Đơn cử như nhóm doanh nghiệp ngành điện đang niêm yết.

Theo thống kê, trong số 15 doanh nghiệp đang niêm yết thì có tới trong đó có tới 9 doanh nghiệp chưa lần nào thực hiện tăng vốn kể từ khi lên sàn tới nay như Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), Thủy điện Thác Mơ (TMP).

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành điện còn lại có thực hiện tăng vốn, tuy nhiên mức độ tăng vốn là không lớn và đã diễn ra khá lâu. Có thể kể tới như Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh (VSH), Thủy điện Nậm Mu (HJS) đã thực hiện tăng vốn từ những năm 2007; 2010.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành điện cũng tỏ ra khá tích cực khi hầu hết doanh nghiệp đều lãi kể từ khi niêm yết. Ngoại trừ PPC lỗ năm 2008, BTP lỗ năm 2007 và CHP lỗ năm 2012.

Với kết quả kinh doanh tích cực cùng với nhu cầu mở rộng nhà máy, nâng công suất là không lớn nên tỷ lệ chi trả cổ tức của các doanh nghiệp ngành điện nhìn chung duy trì khá đều đặn và ở mức cao.

Điều tương tự cũng đến với các doanh nghiệp ngành sách khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều không thực hiện việc tăng vốn. Lý do của việc này cũng giống với ngành điện khi nhu cầu mở rộng sản xuất là hầu như không có.

Điểm chung của các nhóm doanh nghiệp không thực hiện tăng vốn là các ngành kinh doanh các sản phẩm thiết yếu, duy trì lợi nhuận ổn định qua các biến động của nền kinh tế và nhu đầu tư là không lớn.

Như vậy có thể thấy, bên cạnh những doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn khá mạnh trong thời gian qua thì ngược lại, có rất nhiều nhóm doanh nghiệp lại không hề có nhu cầu tăng vốn trong quá trình hoạt động. Điều này cho thấy việc tăng vốn không chỉ xuất phát từ trào lưu, “bơm thổi”, mà còn đến từ nhu cầu thực tế về việc mở rộng quy mô đầu tư của các doanh nghiệp.

>>>Những doanh nghiệp đứng bên lề cơn bão tăng vốn

Thanh Trung

Hoàng Anh Tú

Tài chính Plus

Trở lên trên