MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Họp bàn "giải cứu" thị trường chứng khoán

Chiều qua, 29/05, nhiều biện pháp cứu chứng khoán đã được đại diện UBCKNN, các CTCK, công ty quản lý quỹ, VAFI và VASB bàn bạc sôi nổi.

Chiều nay, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đã chủ trì Tọa đàm “Giải pháp phát triển TTCK”.
 
Những nội dung chính được đưa ra bàn bạc là: về biên độ giao dịch, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty chứng khoán (CTCK), ưu đãi thuế cho nhà đầu tư (NĐT), giảm phí cho các CTCK và mở room cho NĐT nước ngoài.

Biên độ giao dịch về như cũ, hay không biên độ?

Theo VASB, việc xử lý biên độ phụ thuộc vào tính ổn định của chính sách kinh tế vĩ mô.

Đại diện VASB, Chủ tịch Hiệp hội, ông Ngyễn Thanh Kỳ công bố những kinh nghiệm trên thế giới như Ba Lan, bỏ hẳn biên độ; Thượng Hải-Trung Quốc mở rộng biện độ (hiện nay là 10%); Đài Loan-Trung Quốc sử dụng biên độ lệch.

Từ những kinh nghiệm đó ông Kỳ đưa ra nhiều khả năng: nới rộng biên độ, xử lý biên độ lệch, bỏ hẳn biên độ, xử lý biên độ ngắt mạch, khi thị trường lên hay xuống quá nhiều và giữ nguyên biên độ như hiện nay.

Phát biểu tại tọa đàm, đại diện đa số các CTCK đều đồng tình với phương án trở về biên độ như cũ để tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Đại diện CTCK Bảo Việt cho rằng thị trường chưa đủ nền tảng để bỏ hẳn biên độ, nhưng biên độ cần được nới rộng, ít nhất như trước đây. Minh chứng cho việc biên độ mở rộng sẽ tạo tính thanh khoản cho thị trường, đại diện này cho biết: thị trường OTC, vì không có biên độ nên tính thanh khoản cao hơn thị trường niêm yết, đơn cử như cổ phiếu của ngân hàng Quân đội gần đây vẫn được giao dịch rất nhiều.

Đại diện các CTCK khác như SSI, Thăng Long cũng đồng tình với quan điểm này. Giải pháp biên độ chỉ là biện pháp hành chính nhưng vần cần áp dụng. Biên độ thắt chặt chỉ nên áp dụng trong thời gian rất ngắn nhằm chặn đà suy giảm của thị trường. Hiện tại thị trường là “cái chợ” cần phải có người bán, người mua nên cần biên độ được nới rộng- giám đốc CTCK Thăng Long, ông Lê Đình Ngọc bộc bạch.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI vẫn kiên quyết đề nghị biên độ lệch, với mong muốn thị trường lên chứ không xuống.

Trước những ý kiến trên, bà Vũ Thị Kim Liên, phó Chủ tịch UBCKNN chia sẻ: Vì quá quá nhiều luồng ý kiến về biên độ nên hiện nay Uỷ ban đang phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Riêng với việc sử dụng biên độ lệch, qua khảo sát của Tổng Giám đốc Sở GDCK HCM, ông Trần Đắc Sinh, tại Đài Loan tuần qua thì Đài Loan tuy có sử dụng biên độ lệch nhưng kinh tế vĩ mô của Đài Loan rất vững chắc, khác hoàn cảnh hiện tại của chúng ta.

Thêm vào đó Uỷ ban cũng lo lắng nếu áp dụng biên độ lệch hay mở biên độ như cũ mà thị trường “shock”, lại giảm tiếp thì sẽ rất bất lợi.

Vì vậy Uỷ ban phải cân nhắc kỹ và trình Bộ tài chính phương án cụ thể. Trong thời điểm chúng ta đang phải đối mặt với lạm phát, nhập siêu… thì từng quyết định đều có tác động lớn tới thị trường chứng khoán và nền kinh tế.

Tuy nhiên, đại diện Uỷ ban cũng cam kết nếu mở biên độ từ từ hay trở về biên độ cũ thì sẽ công bố sớm đến NĐT.

Các công ty chứng khoán cũng cần được giải cứu

Theo tờ trình số 184/TTr-UBCKNN, và 175/TTr-UBCKNN, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã trình lên Bộ tài chính với nội dung: giảm phí giao dịch cho các CTCK, mức giảm từ 0,05% đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư xuống còn 0,02% giá trị giao dịch cho đến khi có thông tư mới.

Đề nghị này dựa trên căn cứ các CTCK đang thực hiện giảm phí giao dịch để duy trì NĐT và có thu nhập (lãi) cho khách hàng nên các khoản thu vào không đủ chi phí cho các CTCK. Trong quý 1/2008, các khoản thu phí giao dịch theo báo cáo của SGDCKHCM và TTGDCKHN đều giảm từ 26, 23% (SGDCKHCM) đến 40,74% (TTGDCKHN) so với quý 4 năm 2007. Vì vậy việc giảm phí được coi như công cụ để ổn định thị trường (từng được áp dụng ở Trung Quốc, trong thời gian TTCK suy giảm).

Ngoài ra, UBCK cũng đề nghị miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các CTCK thành lập trước khi thị trường chứng khoán có hiệu lực. UBCK nêu rõ: xuất phát từ sự suy giảm nhanh của TTCK trong năm 2007 và 2008, hầu hết các CTCK thua lỗ nặng và có nguy cơ phá sản hoặc bị thâu tóm, sát nhập. Để hỗ trợ CTCK trong giai đoạn khó khăn UBCK đề nghị bổ sung danh mục kinh doanh chứng khoán vào đối tượng ưu đãi, cho phép các CTCK thành lập trong năm 2006 (trước ngày Luật chứng khoán có hiệu lực là 1/1/2007) được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với nội dung các tờ trình trên, hầu hết đại diện các CTCK đều đồng tình, ủng hộ. Đại diện VAFI cho rằng đây là “buốc bổ” cho các CTCK và cũng cần thêm những biện pháp thực sự hữu hiệu như theo những đề nghị của VAFI trước đây.

Nhà đầu tư cần tự cứu lấy mình

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, chủ tịch VASB nêu rõ: khi thị trường liên tục giảm sút, người bán không có người mua, các NĐT, các quỹ đầu tư cần tự cứu lấy mình. NĐT cố gắng ngừng bán, những NĐT tiềm lực thì khuyến khích mua vào. Đây cũng là yếu tố khiến thị trường sớm ổn định trở lại.

Ngoài ra theo tờ trình số 184/TTr-UBCKNN gửi lên Bộ Tài chính, UBCK đề nghị xem xét kéo dài thời gian ưu đãi thuế đối với đầu tư kinh doanh chứng khoán sau năm 2009 (hiện nay các NĐT đang được miễn thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán).

Ngoài ra, các nội dung khác cũng được bàn luận như mở room cho NĐT nước ngoài, hoạt động Repo của các CTCK…Tuy nhiên các đại biểu cũng phân tích rõ những khó khăn của TTCK nằm trong khó khăn chung của nền kinh tế vĩ mô và toàn cầu nên cần có các biện pháp hữu hiệu để điều chỉnh và vực dậy thị trường.

Đại diện UBCK cũng cam kết sẽ có những hành động tích cực cho mục đích này.
 
Vũ Minh

tuyetminh

Trở lên trên