Sự
tăng điểm của TTCK thế giới cũng như một số thông tin vĩ mô trong nước
như lạm phát ở mức thấp cũng là điều kiện thuận lợi để thị trường phục
hồi sau thời gian giảm mạnh do áp lực dòng tiền và tâm lý. Sức ép cổ
phiếu giải chấp gần như không còn.
Tuy nhiên, thật khó có thể trả lời,
liệu VN-Index có còn “giữ lửa” như diễn biến khả quan của những phiên
cuối tháng 12 này không sau khi không còn động lực đẩy thị trường để
làm đẹp báo cáo tài chính nêu trên, cùng nguy cơ chốt lời của những NĐT
ngắn hạn?.
Trước
động thái mua ròng của khối ngoại kể từ đầu tháng 11 đến nay, một số ý
kiến cho rằng, khối ngoại mua vào thời điểm này không hẳn là để làm đẹp
báo cáo tài chính, vì so với thời điểm cuối năm ngoái thì VN-Index ở
mức 435 điểm cũng đã tăng gần 40%. Họ mua vì các cổ phiếu hấp dẫn để
đầu tư dài hạn. Việc bán ròng của khối ngoại trong một vài phiên thị
trường tăng điểm trước đó chủ yếu là của những NĐT đầu tư vào thị
trường Việt Nam dưới dạng P-note (chứng chỉ tham gia đầu tư). Nhóm NĐT
này bị nhiễu thông tin về lạm phát ở Việt Nam tăng cao.
Ngay
sau khi những con số về lạm phát được công bố chính thức thì nhóm nhà
tư vấn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã thay đổi quan điểm thận trọng
được duy trì một thời gian dài trước đó sang lạc quan và khuyến nghị
NĐT có thể mua vào. Tuy nhiên, cũng cần tính đến việc các nhà tư vấn
này hậu thuẫn cho hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài là cổ
đông lớn của họ.
Theo
tính toán của ông Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc Chương trình giảng dạy
kinh tế Fullbrigh thì lạm phát có độ trễ 3 - 6 tháng so với đỉnh của
tăng trưởng tín dụng. Có nghĩa là lạm phát ở Việt Nam sẽ tăng cao sau 3
- 6 tháng nữa. Quãng thời gian này trùng với dịp Tết Nguyên đán là thời
điểm mà lạm phát có cơ hội tăng cao ở nước ta.
Vì
thế, trước mắt, lạm phát vẫn là nguy cơ với nền kinh tế nói chung và
TTCK nói riêng. Chính phủ đã có biện pháp ngăn chặn lạm phát khá kịp
thời, nhưng tác dụng của các biện pháp như thế nào còn phải chờ đợi
thời gian. Hiện nay, chưa thể khẳng định là Chính phủ đã thành công
trong kiềm chế lạm phát sau khi bơm tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới.
Ghi
nhận chung là không ít NĐT lớn vẫn đứng ngoài thị trường quan sát,
trong khi có tổ chức đầu tư bán ra chốt lời dần. Điều này thể hiện tâm
lý thận trọng với thị trường. Song, thị trường tiếp tục tăng điểm dưới
áp lực chốt lời khi các cổ phiếu giá thấp về đến tài khoản ngày T+4
khiến nhiều NĐT tin rằng, đáy của thị trường sẽ lùi xa. Về mặt tâm lý,
có vẻ như là vậy.