MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO Đạm Cà Mau: Không ế nhưng khó đột biến

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa công ty đạm thứ hai của Tập đoàn Dầu khí-Đạm Cà Mau sẽ chính thức IPO với giá khởi điểm chỉ 12.000 đồng/CP.

Đây là mức giá chưa đến 1/4 giá đấu thầu thành công của “người anh” trước đó là Đạm Phú Mỹ (TCT Phân bón & Hóa chất dầu khí- PVFCCo). Tuy vậy, bối cảnh thị trường hiện nay hoàn toàn khác so với cách đây 7 năm. Do đó, thành công của đợt IPO này đến đâu còn là một điều bí ẩn.

Ngành phân đạm không còn thời hoàng kim

Kể từ sau IPO vào năm 2007, lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ (DPM) luôn đạt mức trên 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2011 và 2012, lợi nhuận đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của DPM luôn đạt xấp xỉ 30%, cổ tức bằng tiền mặt hàng năm luôn đạt trên 30%. Đây được xem là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất trên sàn niêm yết.

Những thành công của DPM nhờ giá phân bón trong những năm trước đây tăng lên rất cao, trong khi đầu vào chiếm gần 70% giá thành sản xuất của công ty là khí gas lại được mua với giá ưu đãi thấp nhiều hơn so với giá thị trường. Tuy nhiên, thành công rực rỡ của DPM đang gặp không ít thử thách kể từ khi “người em” là Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012.

Với việc “bảo kê” ROE là 12%/năm của Tập đoàn Dầu khí, EPS của Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Do đó, NĐT nếu chấp nhận mua CP Đạm Cà Mau với mức giá quanh mức 12.000 đồng/CP cũng không có quá nhiều rủi ro. Do vậy, dù không bị ế nhưng khó kỳ vọng có sự đột biến.

Hiện nay với việc dư thừa năng lực sản xuất, cạnh tranh của ngành phân bón trong nước trở nên khá gay gắt. Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu phân bón nay phải tìm mọi cách để xuất khẩu phân bón ra nước ngoài vì công suất dư thừa. Không chỉ có thị trường phân bón trong nước không thuận lợi, mà phân bón trên thị trường quốc tế cũng giảm khá mạnh trong thời gian qua.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), giá phân bón tiếp tục suy giảm cho đến năm 2020 và giá phân urê sẽ xuống dưới 300USD/tấn (giá cố định năm 2012). Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm vào năm 2008 gần 500USD/tấn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do giá dầu thô được dự báo tiếp tục ở mức thấp và đặc biệt là tổng nguồn cung urê trên thế giới đang dư thừa hàng chục triệu tấn mỗi năm.

Giá đạm phổ biến trong nước hiện nay khoảng 7.800-7.900 đồng/kg. Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức giá trên 10.000 đồng/kg cách đây hơn 1 năm. Tuy nhiên, mức giá trong nước hiện cũng cao hơn khá nhiều so với giá urê được nhập từ Trung Quốc chỉ 6.000-6.500 đồng/kg.

Trước bối cảnh đó, lợi nhuận của “anh cả” trong ngành đạm là DPM trong 9 tháng chỉ đạt 938 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tất nhiên, ngoài việc lợi nhuận sụt giảm do giá đạm giảm còn do giá khí DPM cũng mới được điều chỉnh tăng. Trong khi đó lợi nhuận của Đạm Cà Mau trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 403 tỷ đồng và giảm 32% so với cùng kỳ.

Lợi thế riêng của Đạm Cà Mau

Là một doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” trong sản xuất urê ở Việt Nam nhưng Đạm Cà Mau lại có khá nhiều lợi thế. So với 2 nhà máy sản xuất đạm của Tập đoàn Than khoáng sản là Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, thì Đạm Cà Mau có lợi thế vượt trội do đạm sản xuất từ khí có giá thành rẻ hơn và chất lượng cao hơn.

Còn so với DPM, Đạm Cà Mau sản xuất có lợi thế nhất định. Chẳng hạn sản phẩm urê hạt đục của Đạm Cà Màu có thời gian hòa tan lâu hơn so với đạm hạt trong của DPM. Loại đạm này phù hợp với một số loại cây và phương pháp canh tác nhất định.

Bên cạnh lợi thế về sản phẩm, Đạm Cà Mau cũng có lợi thế về mặt địa lý khi nằm ở khu vực sản xuất lúa lớn nhất Việt Nam là vùng Đông Nam bộ. Vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước này mỗi năm tiêu thụ khoảng 1/3 lượng phân urê cả nước, tức gần bằng công suất sản xuất của Đạm Cà Mau. Với lợi thế về địa lý, việc thiết lập kênh phân phối và giá thành vận chuyển của Đạm Cà Mau cũng rẻ hơn nên tạo ra những lợi thế cạnh tranh nhất định.

Ngoài ra, Đạm Cà Mau cũng nằm gần Campuchia, một đất nước có tiềm năng phát triển cây lúa rất lớn và mỗi năm tiêu thụ 200-300 ngàn tấn đạm. Thực tế trong năm qua, Đạm Cà Mau cũng đã xuất khẩu được gần 100.000 tấn sang thị trường này và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Một lợi thế không nhỏ nữa của Đạm Cà Mau là doanh nghiệp này đang được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 0% cho đến năm 2015, chỉ phải đóng thuế 5% cho 9 năm tiếp theo, còn lại 2 năm tiếp theo nữa cũng chỉ phải đóng thuế 10%. Đây là một lợi thế rất lớn đối với Đạm Cà Mau so với DPM. Đặc biệt, cũng giống như DPM trước đây, trong một số năm tới Đạm Cà Mau tiếp tục được Tập đoàn Dầu khí “bảo kê”.

Theo đó, căn cứ vào Công văn 2175/VPCP-KTKH ngày 2-4-2014 của Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm bảo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu từ năm 2014-2018, bình quân 12%/năm, thông qua việc điều chỉnh giá dầu khí đầu vào sản xuất đạm. Như vậy, với sự “bảo kê” này Đạm Cà Mau đảm bảo luôn có lợi nhuận khá tốt trong 4 năm tới.

Nhưng vẫn có những yếu thế

Theo quy chế đấu giá công bố giá khởi điểm của Đạm Cà Mau là 12.000 đồng/cổ phần. Tổng số cổ phần chào bán cho công chúng trong ngày 11-12 tới hơn 128 triệu cổ phần. Như vậy, với mức vốn điều lệ được xác định lại là 5.294 tỷ đồng, vốn hóa thị trường của Đạm Cà Mau theo giá thị trường là 6.352,8 tỷ đồng.

Mức giá này so với giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính cuối tháng 6-2014 khoảng 1,46 lần. Theo lợi nhuận dự kiến trong Bản cáo bạch là 636 tỷ đồng cho năm 2015, EPS tương ứng 1.201 đồng/cổ phần, tương ứng PE forward (PE dự kiến cho lợi nhuận năm sau) năm 2015 với mức giá khởi điểm sẽ là 10 lần.

Còn nhớ vào tháng 4-2007, IPO của DPM thành công với giá bình quân đạt 54.400 đồng/cổ phần. Với mức giá này chỉ số P/B của DPM lúc đó hơn 4 lần, PE khoảng 18 lần. Mức giá của DPM được xem là khá thấp so với mặt bằng chung của TTCK vào lúc đó. Thực tế, chỉ một vài tháng sau đó giá DPM được giao dịch trên 100.000 đồng/CP.

Như vậy, so với thời điểm IPO DPM giá CP của Đạm Cà Mau vào thời điểm này hấp dẫn hơn khá nhiều. Tuy nhiên, thực tế chưa chắc đã như vậy, bởi lúc đó nhiều NĐT đã nhìn ra tiềm năng của DPM với thị trường nguồn cung Đạm urê thiếu trầm trọng, giá bán đạm trong nước luôn cao hơn khá nhiều so với thế giới. Bên cạnh đó, giá đầu vào của DPM được ưu đãi thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Thực tế, những năm sau IPO lợi nhuận của DPM rất cao với ROE hàng năm lên đến 30-40%.

Hiện nay, so với DPM thời điểm đó Đạm Cà Mau đang có rất nhiều yếu thế. Chẳng hạn giá mua khí của Đạm Cà Mau chỉ được đảm bảo có lợi nhuận chứ khó được lợi nhuận vượt trội. Đúng như theo kế hoạch kinh doanh của công ty ROE hàng năm của Đạm Cà Mau chỉ quanh mức 12%.

Thị trường phân đạm trong nước và thế giới được dự báo sẽ không thuận lợi, khi giá bán đạm chắc chắn khó tăng mạnh như trước. Về mặt tài chính của Đạm Cà Mau cũng khá rủi ro khi công ty đang vay nợ hơn 8.000 tỷ đồng bằng ngoại tệ. Dù lãi suất bằng ngoại tệ của công ty được xem là khá thấp nhưng rủi ro từ biến động tỷ giá rất lớn. Trong khi đó, DPM hầu như không còn vay nợ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28-11 giá CP DPM đang được giao dịch 29.200 đồng/CP, tương ứng PE trailing (giá hiện tại chia cho EPS 4 quý gần nhất) khoảng 9,27 lần, còn PB theo giá trị sổ sách vào cuối tháng 9 khoảng 1,2 lần. Những chỉ số này khá gần với chỉ số của CP DPM với mức giá khởi điểm.

Theo Hoàng Nam

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên