MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO Đạm Cà Mau: Vì sao PVN góp 920 tỷ đồng trước thềm IPO?

Việc góp thêm 920 tỷ đồng của PVN giúp Đạm Cà Mau giảm áp lực về nợ cũng như đảm bảo được cơ cấu nguồn vốn như đã phê duyệt trước đó. Đạm Cà Mau cũng đã tái cơ cấu được khoản vay ngoại tệ 100 triệu USD lãi suất thấp.

Đủ lượng để tạo ra thanh khoản tốt trên thị trường

Chiều ngày 25/11/2014, tại buổi Hội thảo Giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu Khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Bùi Minh Tiến – Tổng giám đốc của Đạm Cà Mau cho biết: Để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, Đạm Cà Mau sẽ tiến hành niêm yết ngay sau hoàn tất cổ phần hóa.

Theo kế hoạch, ngày 11/12/2014, Đạm Cà Mau  sẽ chào bán 128.951.300 CP lần đầu ra công chúng (IPO), tương đương 24,36% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 12.000 đồng/CP. Dự kiến cuối quý I/2015, cổ phiếu Đạm Cà Mau sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch.

Đại diện Công ty Chứng khoán Dầu khí – PSI đánh giá với lượng cổ phiếu bán ra cho công chúng lên đến  gần 129 triệu CP, Đạm Cà Mau đủ lượng tạo ra thanh khoản tốt trên thị trường khi được niêm yết và có khả năng ảnh hưởng đến bộ chỉ số VNIndex.

Sau giai đoạn 2018 Đạm Cà Mau phải tiếp cận giá khí theo giá thị trường

Hiện trong nước có 4 nhà sản xuất phân urê: Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau ở miền Nam và 2 nhà sản xuất ở miền Bắc. Đối với phân bón tổng hợp NPK có rất nhiều nhà sản xuất và tình trạng phân bón giả đang khá nhức nhối đối với dòng sản phẩm này. Đại diện Đạm Cà Mau kỳ vọng Nghị định 22/2013 của Chính phủ trong quản lý phân bón có thể cải thiện được tình trạng phân bón giả trên thị trường.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc dư cung phân urê trên thị trường và biên lợi nhuận của Đạm Cà Mau giảm, ông Bùi Minh Tiến cho biết:

(i) Đạm Cà Mau đã có những dự báo, dự tính về dư cung phân urê trong nước, cũng như các nhà sản xuất khác, Đạm Cà Mau cũng có những giải pháp như: Đẩy mạnh xuất khẩu. Hàng năm Đạm Cà Mau xuất khẩu khoảng 80.000 – 100.000 tấn sản phẩm ra các nước trong khu vực;

(ii) Giá phân bón thế giới giảm chúng tôi cũng có những biện pháp giảm thiểu chi phí, nâng cao sản xuất, giảm giá thành, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, giảm sản xuất urê.

Liên quan đến giá khí của PVN bán cho Đạm Cà Mau, đại diện PVN cho biết: PVN đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu đầu vào cho Đạm Cà Mau trong suốt vòng đời dự án (từ 2013 – 2032); và cam kết giá khí để trong giai đoạn 2015 - 2018 Đạm Cà Mau đạt được tỷ suất lợi nhuận trung bình /vốn chủ sở hữu là 12%. Sau giai đoạn 2018 Đạm Cà Mau phải tiếp cận giá khí theo giá thị trường (khi nào khấu hao nhà máy đã giảm, vấn đề tài chính tốt hơn, hệ thống quản trị tốt hơn…).

Giá bán khí của PVN cho Đạm Cà Mau năm 2012 là 6,43USD/triệu BTU; năm 2013 là 6,56 USD/triệu BTU. Giai đoạn 2014 – 2018 giá bán khí đảm bảo tỷ suất lợi nhuận 12% như đã nêu.

Được biết, Nhà máy Đạm Cà Mau bắt đầu khấu hao từ tháng 4/2012, trong vòng 12 năm.

Đã tái cơ cấu được khoản nợ 100 triệu USD lãi suất thấp

Đại diên Đạm Cà Mau cho biết, chi phí lãi vay trong năm 2013 tăng mạnh so với năm 2012 do Đạm Cà Mau có một số khoản vay được ân hạn và bắt đầu trả lãi vay từ năm 2013.

Được biết, để đầu tư Nhà máy, Đạm Cà Mau đã vay ngoại tệ khoảng 500 triệu USD, đã trả được khoảng 120 triệu USD còn lại 380 triệu USD với mức lãi suất cao. Mới đây, Đạm Cà Mau đã tái cơ cấu được khoản vay 100 triệu USD lãi suất thấp (50 triệu USD vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Như vậy, Đạm Cà Mau còn khoảng 280 triệu USD vay với lãi suất cao, và 100 triệu USD vay với lãi suất thấp (khoảng 4%/năm).

Liên quan đến khoản đầu tư hơn 920 tỷ đồng của PVN vào Đạm Cà Mau trước thời điểm IPO, đại diện PVN cho biết: Nguồn vốn tại nhà máy Đạm Cà Mau được phê duyệt là 70:30 (tức 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay). Trong quá trình xây dựng dự án, cơ cấu nguồn vốn tại Nhà máy là 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay. PVN góp 920 tỷ đồng trước thời điểm IPO để cơ cấu lại nguồn vốn tại dự án này lên đúng tỷ lệ 70:30 đã được phê duyệt. Đồng thời, khoản góp của PVN giúp Đạm Cà Mau giảm áp lực vay, và hỗ trợ PVN giai đoạn đầu.

Campuchia là thị trường mục tiêu

Đạm Cà Mau đang hướng tới nâng thị phần của mình ở thị trường urê Đông Nam bộ lên đến 65% (hiện khoảng 25%) và 40% cho thị trường Campuchia (dẫn đầu tại Campuchia). Giá bán tại thị trường Campuchia không thấp hơn giá bán tại thị trường trong nước (theo chính sách với PVN). Thị trường Campuchia được xác định là thị trường mục tiêu của Đạm Cà Mau trong thời gian tới.

Sẽ tiếp tục chào bán CP và lựa chọn NĐT chiến lược nếu … 

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư liên quan đến việc xử lý khối lượng CP còn dư (nếu có) trong đợt IPO cũng như chưa chốt được nhà đầu tư chiến lược, đại diện PVN cho biết: Nếu IPO không thành công – không bán hết lượng CP đem chào bán, chúng tôi sẽ tiếp tục chào bán sau IPO; nếu đến thời điểm IPO chúng tôi chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược thỏa mãn các điều kiện, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ kéo dài sau IPO. Chúng tôi kỳ vọng và tự tin rằng IPO sẽ thành công. 

Liên quan đến xử lý khoản thặng dư từ IPO, đại diện PSI cho biết: Theo quy định hiện hành, thặng dư từ IPO sẽ được chuyển về Tập đoàn PVN.

Được biết, tổng nhu cầu đầu tư các dự án trong thời gian từ 2015 – 2020 là 6.000 tỷ đồng. Theo chính sách ban hành, Đạm Cà Mau được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết 2015; áp thuế suất 5% giai đoạn 2016 -2024; thuế suất 10% giai đoạn 2025 – 2026.


thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên