MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kế hoạch hoang tưởng của VSP

Liên tục thua lỗ trong những năm gần đây và thậm chí đứng bên bờ vực phá sản nhưng CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) lại đặt ra kế hoạch lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2013.

Từ đỉnh xuống đáy

Theo các số liệu vừa được VSP công bố tại ĐHCĐ tổ chức ngày 24-6, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong năm 2012 là âm 2.036 tỷ đồng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp VSP kinh doanh thua lỗ với khoản lỗ lũy kế hơn 2.800 tỷ đồng.

VSP là doanh nghiệp đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) niêm yết trên TTCK. VSP chính thức niêm yết trên sàn HNX ngày 25-12-2006 và chốt phiên giao dịch chào sàn ở mức giá 70.000 đồng/CP. Sau đó, VSP có chuỗi tăng giá khá mạnh và đạt đỉnh 305.000 đồng/CP (tháng 10-2007).

Đầu năm 2012, đứng trước khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tiếp, lãnh đạo VSP đã chủ động lên kế hoạch hủy niêm yết trên sàn HNX để chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM.

Tuy nhiên, kết cục của VSP đã nhanh chóng được định đoạt khi HNX có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với VSP kể từ ngày 1-6-2012. Như vậy, từ CP được nhiều NĐT ưa chuộng, có thời điểm VSP giao dịch với mức giá lên đến 305.000 đồng/CP nhưng đến nay VSP hiện chỉ giao dịch ở dưới mức 2.000 đồng/CP.

Trong tình cảnh hết sức bi đát nhưng ngay tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT VSP vẫn trình kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 với những con số gây sốc cho toàn bộ cổ đông và NĐT tham dự ĐHCĐ. Cụ thể, doanh thu dự kiến đạt 1.950 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.810 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu thuần đạt xấp xỉ 93%.

Điều đáng nói những năm tài chính trước VSP đều đặt kế hoạch lợi nhuận dương nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại. Chính vì vậy, việc VSP đặt mục tiêu lãi lớn trong năm 2013 khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính thực tế. Thậm chí, nhiều người cho rằng đây là kế hoạch "hoang tưởng".

Vòng luẩn quẩn

Dù đặt mục tiêu khủng nhưng các giải pháp HĐQT VSP đưa ra phần lớn là bán cổ phần chứ không đến từ sự điều chỉnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thậm chí, nhiều cổ đông còn cho rằng, những giải pháp này giống như việc “dỡ nhà” đem bán.

Có thể kể đến những giải pháp như: cổ phần hóa hoặc bán toàn bộ Công ty Kinh doanh dịch vụ dầu khí Việt Hải nếu tìm được đối tác để tăng cường hiệu quả kinh doanh do thua lỗ liên tục âm hết vốn chủ sở hữu.

Chuyển nhượng kho LPG Đình Vũ cho đối tác khác nếu tìm được đối tác do công ty không có tiền để hoàn thiện đưa vào hoạt động và do công nghệ đã lạc hậu vì xây dựng dở dang suốt nhiều năm. Hoán đổi nợ của các tổ chức tài chính, ngân hàng thành vốn góp của công ty mẹ hoặc các công ty con thích hợp.

Chuyển chủ đầu tư dự án Mê Linh từ công ty mẹ sang Công ty TNHH đầu tư Mê Linh Xanh (công ty con 100% vốn công ty mẹ) với điều kiện không làm thay đổi quyền lợi của các bên liên quan và phương án chuyển đổi phải được các bên liên quan chấp thuận. Thoái vốn dự án Cần Giuộc (Long An) và dự án Hà Khẩu (Quảng Ninh) do không có tài chính để triển khai tiếp.

Nếu tinh ý, cổ đông sẽ thấy rõ sự mơ hồ của lãnh đạo VSP trong các giải pháp khi dùng quá nhiều chữ “nếu”. Chẳng hạn, VSP đặt mục tiêu cổ phần hóa Công ty Kinh doanh dịch vụ dầu khí Việt Hải nếu tìm được đối tác thích hợp, chuyển nhượng kho LPG Đình Vũ nếu có đối tác muốn mua.

Với các giải pháp còn lại không dùng từ “nếu”, khả năng thực hiện thành công cũng rất thấp như việc hoán đổi nợ của các tổ chức tín dụng thành vốn góp tại công ty mẹ hoặc các công ty con.

Bên cạnh những giải pháp này, VSP còn đề ra cả kế hoạch đổi tên công ty nhưng xem ra khả năng “đổi vận” của doanh nghiệp này là điều không tưởng. Và điều này càng chứng tỏ lãnh đạo VSP đang trong vòng luẩn quẩn.

Theo Kim Giang

phuongmai

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên