MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết quả kinh doanh Doanh nghiệp cao su tự nhiên vẫn sụt giảm

Cao su được ví như "vàng trắng", tuy nhiên giá cao su liên tục sụt giảm khiến kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp ngành này không thực sự khả quan.

Cao su là một trong số những cây công nghiệp xuất khẩu có giá trị cao. Có những thời điểm cao su được ví như "vàng trắng", với mức giá hơn 100 triệu đồng/tấn vào những năm 2010 -2011. Tuy nhiên sau khi đạt đỉnh vào tháng 2/2011 giá cao su tự nhiên thế giới đã liên tục lao dốc và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nhìn nhận đây là thời điểm khó khăn nhất của ngành cao su tính từ nhiều năm trở lại đây.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2014 đạt 1.800 đô la Mỹ/tấn, giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, dự báo của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đưa ra vào đầu năm cho rằng năm 2014, giá cao su trên thị trường sẽ dao động trong khoảng 2.500 - 2.700 đô la Mỹ/tấn, và ổn định trong cả năm ở mức trên dưới 2.500 đô la Mỹ, tương đương khoảng 52 triệu đồng/tấn.

Diễn biến giá cao su Việt Nam xuất khẩu (Nguồn: www.vra.com.vn)

Việc giá cao su giảm mạnh bắt nguồn từ nguồn cung cao su thiên nhiên trên thế giới vẫn tiếp tục vượt cầu. Thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ lại đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm nên nhu cầu ở các thị trường này sụt giảm.

Biến động giá cao su đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện tại có 5 doanh nghiệp trồng trọt và chế biến cao su được niêm yết trên TTCK, gồm: CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC), CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) và CTCP Cao su Thống Nhất (TNC).

Giá cao su sụt giảm mạnh ngoài dự báo đã làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp cao su và buộc một số công ty phải điều chỉnh kế hoạch mặc dù ngay từ đầu năm các mục tiêu đã được đề ra khá thận trọng.

Cụ thể, Cao su Đồng Phú (DPR) công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2014 với sản lượng khai thác đạt 10.086 tấn, đạt 66,6% kế hoạch, tiêu thụ đạt 12.219T giá bán bình quân đạt 41,2 triệu đồng/tấn và LNTT đạt 181,5 tỷ đồng bằng 73% kế hoạch.

Công ty cho biết, do hiện tại giá bán đang ở mức rất thấp (khoảng 31 triệu đồng/tấn, dưới giá thành tiêu thụ), dẫn đến giá bán bình quân cả năm dự kiến chỉ đạt khoảng 38 triệu đồng/tấn nên dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm chỉ đạt khoảng 190 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm là 249 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT của công ty đã đề nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế xuống còn 190 tỷ đồng, chỉ tiêu cổ tức vẫn giữ ở mức 30% và sẽ xin ý kiến cổ đông về vấn đề này.

Cao su Thống Nhất (TNC) công bố mức lãi ròng vỏn vẹn 735 triệu đồng trong quý 3/2014, giảm tới 88% so với cùng kỳ. Tại phần giải trình công ty cho biết nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do giá bán cao su thấp hơn giá thành sản xuất nên trong kỳ hoạt động từ lĩnh vực cao su của công ty bị lỗ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, TNC lãi ròng gần 12 tỷ đồng giảm 62% so với cùng kỳ.

Lường trước được những khó khăn này nên ngày từ đầu tháng 7/2014, công ty đã điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu từ 119 tỷ đồng giảm còn 93,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng được giảm từ 27 tỷ đồng về mức 15 tỷ đồng. Cổ tức cũng giảm từ 8% về mức 5%.

Cao su Phước Hòa (PHR), đơn vị trong nhóm đứng đầu về quy mô trồng và xuất khẩu cao su, công bố 9 tháng đầu năm, sản lượng cao su khai thác đạt hơn 12 nghìn tấn, tương ứng 65% kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 1.082 tỷ đồng, ứng với 71% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 143,5 tỷ đồng, thực hiện được 68% kế hoạch năm.

Thời gian tới, PHR cũng sẽ tiến hành lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2014. Trong đó doanh thu sẽ giảm từ 1.516 còn 1.356 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm từ 267 còn 207 tỷ đồng, cổ tức 20% thực hiện bằng tiền mặt.

Cao su Tây Ninh (TRC), 9 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 343 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 21%; lãi ròng 98 tỷ đồng, giảm 35%. Với kết quả này, TRC đã thực hiện được 85% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Tại công văn giải trình TRC cũng than phiền về nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do giá bán cao su bình quân giảm so với cùng kỳ.

Cao su Hòa Bình (HRC) công bố doanh thu thuần trong quý 3 chỉ đạt hơn 33 tỷ đồng, giảm 74% so với quý 3/2013. Lãi ròng trong quý 3/2014 đạt hơn 6 tỷ đồng, giảm mạnh 73% so với cùng kỳ năm trước. Theo HRC, nguyên nhân giảm lợi nhuận trong kỳ là do giá bán giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần HRC đạt gần 122 tỷ đồng và lãi ròng 36,55 tỷ đồng, lần lượt giảm 62% và 24% so với 9 tháng đầu năm 2013.

Mã CK

Doanh thu thuần

 

Lợi nhuận sau thuế

 

9T 2014

9T 2013

Biến động

9T 2014

9T 2013

Biến động

PHR (mẹ)

912

1141,56

-20%

143,5

194,2

-26%

DPR

627,9

709,2

-11%

149,2

236

-37%

TRC

342,68

431,47

-21%

98,14

150,67

-35%

HRC

121,87

320,26

-62%

36,55

48,2

-24%

TNC

48,6

96

-49%

12

31,48

-62%

Bức tranh chung của ngành cao su cũng không thực sự khả quan, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải Quan cho biết, tính đến hết quý 3/2014, lượng xuất khẩu mặt hàng cao su của cả nước đạt 698 nghìn tấn, giảm 3,4% và trị giá đạt 1,23 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2013 (tương ứng giảm 480 triệu USD, trong đó do giá giảm là 422 triệu USD và do lượng giảm là 58 triệu USD).

Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 9 tháng qua với 292 nghìn tấn, giảm 9,6% và chiếm tới 42% lượng cao su xuất khẩu của cả nước; tiếp theo là Malaixia: 138 nghìn tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2013…

Thanh Tú

thanhtu

HSX

Trở lên trên