MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Kêu trời” vì thuế chứng khoán bất hợp lý

"Với quy định của thuế thu nhập cá nhân hiện hành, nhà đầu tư như tôi đang phải nộp cả 'thuế mẹ' lẫn 'thuế con'!".

Chưa đầy một tuần nữa là thời điểm cuối cùng nhà đầu tư phải hoàn tất thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2010, nhưng đến thời điểm này Đầu tư Chứng khoán chưa ghi nhận trường hợp nào nhà đầu tư hoàn tất thủ tục để được hoàn thuế cho dù họ kinh doanh thua lỗ trong năm vừa qua.

Đã chịu "thuế mẹ" còn bị đánh "thuế con"

Khi nói về sự bất hợp lý của Luật thuế Thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư Nguyễn Tiến Dũng (Hà Nội) đã phải thốt lên: "Với quy định của thuế thu nhập cá nhân hiện hành, nhà đầu tư như tôi đang phải nộp cả 'thuế mẹ' lẫn 'thuế con'!".

Ông Dũng cho rằng, nhà đầu tư khi bỏ vốn vào một DN, thì ở một góc độ nào đó họ đồng thời là chủ DN. Vậy nên, khi DN đóng thuế thu nhập DN thì có nghĩa là phần lãi do đồng vốn mà nhà đầu tư đầu tư vào DN đã bị đánh thuế. Nếu coi đây là khoản "thuế mẹ", thì thuế cổ tức được coi là khoản "thuế con" mà nhà đầu tư phải nộp. Rõ ràng, đây chính là tình trạng "thuế chồng thuế" mà nhà đầu tư đang phải gánh chịu.

Sự bất hợp lý trên, theo ông Dũng, đang gây ức chế cho nhà đầu tư nhiều hơn là việc họ phải bỏ ra chi phí nộp thuế. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng này, cần bỏ thuế cổ tức trong lần sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân sắp tới. Thực tế, khoản thu này cho ngân sách không lớn, trong khi nếu không phải chịu thuế cổ tức sẽ mang lại "liều thuốc bổ tinh thần" cho nhà đầu tư, cũng như TTCK.

"Thu nhập từ cổ tức về thực chất chẳng khác là mấy so với lãi tiền gửi tiết kiệm. Trong khi lãi tiền gửi tiết kiệm không bị đánh thuế thì tại sao thu nhập từ cổ tức lại bị chịu thuế. Rõ ràng, đây là sự bất bình đẳng không nên tồn tại", ông Dũng nói.

Cũng ở khía cạnh bị đánh "thuế mẹ" lại còn phải chịu "thuế con", nhà đầu tư Nguyễn Thị S (Hà Nội) bức xúc: "Với những nhà đầu tư chọn hình thức nộp thuế 20% trên tổng lợi nhuận từ kinh doanh cổ phiếu khi quyết toán thuế vào cuối năm, thì thực chất là họ đã nộp thuế cho thu nhập từ cổ tức, vì mức thuế 20% trên lợi nhuận rõ ràng được hiểu là thu nhập từ cổ tức cộng với chênh lệch giữa giá bán và giá mua. Ấy vậy mà thuế thu nhập cá nhân vẫn đánh thêm một lần nữa với thu nhập từ cổ tức".

Bà S cho biết, một "nỗi đau" khác mà bản thân bà cũng như tất cả các nhà đầu tư đang gánh chịu là bị lỗ trong năm vừa rồi, nhưng vẫn phải nộp thuế. Sau mỗi lần giao dịch, CTCK tự động trừ trong tài khoản của nhà đầu tư 0,1% giá trị bán, ngay cả khi chọn cách nộp thuế 20%/thu nhập. Luật thiết kế như vậy là không hợp lý, bởi lẽ ra không nên khấu trừ ngay khi nhà đầu tư tiến hành bán chứng khoán. Nếu cơ quan thuế sợ nhà đầu tư "xù" thuế mà áp dụng cách làm như vậy, thì có thể đưa ra các chế tài để xử lý nhà đầu tư trốn thuế. Với thẩm quyền của mình, cơ quan thuế hoàn toàn tự chủ và có trách nhiệm trong theo dõi lỗ, lãi của nhà đầu tư để làm cơ sở đối chiếu với hồ sơ khai thuế của nhà đầu tư khi làm thủ tục quyết toán thuế hàng năm.

Với lý lẽ như vậy, bà S đề xuất không nên khấu trừ thuế ngay khi nhà đầu tư bán chứng khoán. Vào cuối năm, trên cơ sở tính toán lỗ lãi, nhà đầu tư sẽ nộp thuế theo đúng quy định.

Trong số nhiều nhà đầu tư mà phóng viên Đầu tư Chứng khoán phỏng vấn trực tiếp thì 100% trả lời rằng, không riêng gì đầu tư chứng khoán, trong bất kể lĩnh vực kinh doanh nào cũng vậy, đầu tư có lãi đóng thuế là chuyện đương nhiên, hợp lý hợp tình. Nhưng kinh doanh lỗ mà vẫn phải đóng thuế thì không thể coi là bình thường như giải thích của đại diện Bộ Tài chính, đó là chưa kể ý kiến này còn trái với một tinh thần quan trọng của Luật thuế Thu nhập cá nhân là đầu tư chứng khoán có lãi mới phải đóng thuế. Thế nhưng, thực tế thời gian qua, kinh doanh thua lỗ, nhưng nhà đầu tư vẫn phải "đem tiền nhà" đi đóng thuế. Đây rõ là một bất cập, rất cần cơ quan quản lý nghiên cứu thấu đáo để có một giải pháp đánh thuế hợp lý, mà qua đó Nhà nước vẫn thu được thuế, còn các nhà đầu tư nộp thuế không bị ấm ức.

Theo Hữu Hòe

ĐTCK

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên