MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi các cửa đầu tư khép lại, tiền đổ về ngân hàng và TTCK?

Khi thị trường vàng, ngoại tệ bị kiểm soát chặt, thị trường BĐS "điêu đứng" vì thiếu vốn, chứng khoán đang từ bi quan nhất lại trở nên lạc quan.

Cuối tháng 2/2011, trên một diễn đàn về chứng khoán xuất hiện một topic (chủ đề) nói về việc chi tiêu hàng tháng của một gia đình với thu nhập 17 triệu đồng/tháng nhưng không đủ. Đã có khá nhiều thành viên lên tiếng phản đối vì nếu tính theo hệ số lương cơ bản của nhà nước thì con số 17 triệu/tháng là…quá thừa.

Tuy nhiên một thành viên sống tại Tp.HCM đã kể chi tiết các khoản chi tiêu trong tháng của gia đình mình (bao gồm hai vợ chồng và 2 đứa con) như sau “tiền nhà 4 triệu; tiền học con nhỏ 2 triệu; sữa cho con 2 triệu; xăng xe 1 triệu; tiền ăn sáng 1,5 triệu, tiền ăn trưa cơ quan 1,5 triệu, tiền ăn tại nhà 2 triệu, tiền ăn của con 2 triệu”. Tổng cộng 17 triệu/tháng, đó là các khoản chi tiêu tối thiểu nhất cho một gia đình sống tại TP.HCM hiện tại.

Câu chuyện này nói lên điều gì? 17 triệu đồng/tháng thu nhập hai vợ chồng, bình quân mỗi người đi làm phải thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng. Với thu nhập của công nhân hoặc cơ quan nhà nước, thu nhập trung bình mỗi tháng dưới 5 triệu đồng, họ sẽ sinh hoạt như thế nào? Chưa kể nỗi lo về gánh nặng phải mua nhà, mua tài sản cố định…không thể trông chờ duy nhất vào đồng lương hàng tháng. Nhu cầu tất yếu của mỗi gia đình là có một nơi để đầu tư sinh lời, nhưng trong tình cảnh hiện nay, bỏ tiền vào đâu để “lãi mẹ đẻ lãi con”?

Đầu tư vàng và ngoại tệ: Các cửa đều chặn

Nghị định 11 của Chính phủ đã yêu cầu NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, kiểm soát thị trường hoại hối và thị trường vàng trong năm 2011.

Trong những ngày vừa qua, thị trường ngoại tệ tự do tại Hà Nội và TP.HCM đã tạm ngưng giao dịch, thị trường ngoại tệ tại các tỉnh thành vào ngày 10/3 cũng hoàn toàn tê liệt kể từ sau vụ bắt “điển hình” đối với các đối tượng giao dịch gần 400.000 USD tại chi nhánh Eximbank Hà Nội vào chiều 8/3.

Rõ ràng, Chính phủ đang sử dụng các biện pháp đồng bộ và mạnh tay để dẹp loạn thị trường ngoại tệ tự do, tránh tình trạng đô-la hai giá xuất hiện tại các Ngân hàng, và để xóa bỏ tình trạng đôla hóa nền kinh tế. Như vậy, người dân muốn mua bán ngoại tệ chỉ có thể đến “gõ cửa” các NHTM với giá niêm yết bằng tỷ giá bình quân liên ngân hàng cộng với biên độ +_1%.

Với việc tăng mạnh tỷ giá liên ngân hàng lên 9,3% vào ngày 9/2/2011, theo lời của TS Lê Xuân Nghĩa trong buổi họp báo vào ngày 25/2/2011, từ nay đến cuối năm 2011 tỷ giá sẽ được giữ nguyên và không phải điều chỉnh tăng thêm nữa, chúng ta đủ lực lượng và công cụ để giữ tỷ giá ổn định. Như vậy, việc đầu tư/đầu cơ ngoại tệ sẽ không thu được lợi nhuận trong năm 2011.

Đối với việc đầu tư vàng, NHNN đang lên kế hoạch cấm kinh doanh vàng miếng tự do, trong tháng 4/2011. Việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do sẽ theo lộ trình, NHNN hoặc các ngân hàng thương mại được chỉ định sẽ đứng ra mua vàng theo giá thế giới và trả bằng VND.

Trước đây, giá vàng trong nước có những thời điểm được “giật” lên tăng mạnh, có lúc cao hơn giá thế giới 1 triệu đồng/lượng do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, cầu nắm giữ của người dân và do tác động từ phía tỷ giá USD trên thị trường tự do. Nay khi tỷ giá được bình ổn và kiểm soát, việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do bị cấm, giá vàng thế giới dao động ở mức cao trên 1.400 – 1.440 USD/oz, kênh đầu tư vào vàng cũng vì thế mà kém hấp dẫn so với trước kia.

Đầu tư bất động sản: Kẹt vốn

Đầu tư bất động sản kén chọn nhà đầu tư bởi nó đòi hỏi một lượng vốn tương đối lớn.

Trong năm 2011, vốn vào BĐS bị thắt chặt khi các NHTM thực hiện Nghị định 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN về việc tập trung vốn cho sản xuất, giảm mạnh vốn cho vay lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là chứng khoán và BĐS. Đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%.

Hơn nữa, vốn vào BĐS còn chịu ảnh hưởng từ Thông tư 13 và Nghị định 71, khi các khoản cho vay này chịu hệ số rủi ro tới 250% và chủ đầu tư bị khống chế thời gian huy động vốn.

Trong một hội thảo gần nhất diễn ra vào ngày 10/3/2011, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, khi tiền tệ bị siết chắt, huy động tiền trong dân bị hạn chế thì các dự án bất động sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, tại thị trường TP.HCM, nguồn cung căn hộ gần như đã bão hòa, hơn nữa, dư nợ trong lĩnh vực BĐS tại Tp.HCM lên tới 47% tổng dư nợ BĐS cả nước, người dân TP.HCM chủ yếu đi mua nhà bằng tiền vay ngân hàng trong khi ở Hà Nội chỉ chiếm 16% do đó thị trường BĐS TP.HCM sẽ khó khăn hơn ngoài Hà Nội.

Đối với đất nền, nhìn chung đất nền không rớt giá nhiều, có nơi còn tăng do “ăn theo” các dự án cầu, đường, tuy nhiên việc đầu tư có nhiều rủi ro do các nhà đầu cơ đẩy giá và do đó, tỷ lệ sinh lời thì sẽ ko nhiều.

Ngoài ra, giá bất động sản thường “ăn theo” các đợt sốt nóng từ giá vàng và giá USD, khi tỷ giá và giá vàng được bình ổn, giá bất động sản sẽ chỉ tăng cục bộ ở một số địa điểm nhất định. Mặc dù vậy, ông Nam cho rằng, thị trường BĐS sẽ không đóng băng trong năm 2011 bởi thị trường này vẫn là nơi “cất giữ” tiền tốt nhất trong thời buổi bão giá.

Tiền chuyển về ngân hàng và chứng khoán?

Dòng tiền thông minh luôn tìm kiếm nơi sinh lời tốt nhất. Và các biện pháp của Chính phủ cũng như NHNN trong thời gian qua đang hướng dòng tiền đổ về NHTM, “két sắt” của nền kinh tế.

Tiết kiệm lên ngôi

Trước khi NHNN ban hành Thông tư về trần lãi suất 14%/năm, trong một thời gian ngắn cuối tháng 2 – đầu tháng 3/2011, đã có một lượng lớn tiền gửi được đưa vào hệ thống ngân hàng với lãi suất huy động 17%/năm. Chưa bao giờ người dân theo dõi sát sao lãi suất tại các ngân hàng như thế, khi chứng khoán vẫn đóng băng, và thị trường vàng, đô trong tình trạng bị quản lý chặt.

Đối với việc gửi tiết kiệm USD, giữa tháng 2/2011, lãi suất huy động USD đã có thời điểm “sốt nóng” khi hàng loạt các NHTM nhỏ tăng lãi suất huy động lên trên 6%/năm, một số ngân hàng như Navibank lãi suất huy động cao nhất 6,24%/năm, Western Bank 6,35%/năm, các ngân hàng lớn như Vietcombank cũng đẩy lãi suất huy động lên 5,5%/năm. Tuy nhiên đến giữa tháng 3, lãi suất huy động USD có chiều hướng hạ nhiệt, nhìn chung các ngân hàng huy động lãi suất trong khoảng 5%-5,5%/năm, các biểu lãi suất trên 6%/năm cũng dần được hạ.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, kênh tiết kiệm đang yếu thế dần. Lãi suất huy động cao nhất tại các NHTM là 14%/năm, bao gồm cả các khoản khuyến mại. Ngày 10/3, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 04 về việc về việc hạn chế người gửi tiền rút trước hạn, theo đó, mức lãi suất áp dụng cho các khoản rút trước hạn là lãi suất không kỳ hạn thấp nhất tại thời điểm đó, thay vì các ngân hàng triển khai dịch vụ tiết kiệm linh hoạt như trước.

Khi đóng cửa thị trường USD tự do, người dân muốn bán USD chỉ có thể gõ cửa ngân hàng, trong khi muốn rút ra, lại phải trình lý do chính đáng. Rõ ràng, NHNN muốn lượng tiền được nằm trong ngân hàng nhiều hơn là rút ra, để đảm bảo vốn trung và dài hạn được ổn định, và nhằm hạ mặt bằng lãi suất xuống. Các biện pháp này có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của một nhóm nhỏ trong ngắn hạn, nhưng lại có tác dụng tốt trong dài hạn.

Và điều này, lại khiến TTCK đang từ bi quan nhất lại chuyển sang lạc quan.

Tiền chuyển về chứng khoán?

Chứng khoán là kênh đầu tư theo kỳ vọng và thường đi trước các diễn biến kinh tế vĩ mô vài tháng. Hàng loạt các thông tin được đưa ra vào tháng 2/2011 vừa qua như CPI 2 tháng đầu năm lên tới 3,87%, NHNN tăng mạnh lãi suất tái chiết khấu từ 7% lên 12%, tăng lãi suất trên thị trường OMO lên 12%, siết chặt cung tiền…các thông tin này như một “gáo nước lạnh” đổ vào TTCK khiến thị trường này đã ảm đạm lại càng ảm đạm hơn.

Tuy nhiên, trong hai ngày 10 và 11 tháng 3/2011, thị trường đồng loạt tăng điểm mạnh trên cả hai sàn. Điều này được lý giải là do giá các cổ phiếu đã xuống mức thấp hơn thời điểm tháng 2/2009 khi VN-Index chỉ ở mức 237 điểm, và P/E của thị trường ở thời điểm hiện tại chỉ ở mức 8,33 lần, có tới ¼ số cổ phiếu niêm yết trên hai sàn có thị giá dưới mệnh giá.

Hơn nữa, hoạt động mua bán ngoại tệ tự do bị ngưng trệ do các cơ quan công an đang kiểm tra gắt gao, cộng với việc thị trường vàng miếng tự do chưa biết ‘đi đâu” cho đến tháng 4/2011 khi NHNN lên kế hoạch đóng cửa thị trường này thì rõ ràng, chứng khoán đang có lợi so với các kênh đầu tư khác do giá các cổ phiếu đã xuống mức thấp. Dòng tiền có thể tăng mạnh vào kênh tiết kiệm, tuy nhiên hiện tại trần lãi suất bị hạn chế ở mức 14%/năm, và các khoản rút trước hạn bị áp lãi suất không kỳ hạn thấp nhất tại thời điểm rút do đó chứng khoán đang có lợi thế hơn cả.

Ngoài ra, các biện pháp đồng bộ của NHNN trong thời gian gần đây có thể sẽ đem lại hiệu quả bình ổn vĩ mô trong quý 2/2011 và khả năng, xếp hạng tín dụng của Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới, và khi niềm tin quay trở lại, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội tăng điểm mạnh.


Trong một cuộc bình chọn vào đầu tháng 3/2011 về “Năm 2011 đầu tư vào đâu” của CafeF, đã có hơn 1.700 người tham gia bình chọn, trong đó có 32% số người tham gia bình chọn vẫn tiếp tục muốn đầu tư chứng khoán, 26% đầu tư vào vàng, USD, 22% đầu tư bất động sản, 18% muốn gửi tiết kiệm và 2% có ý kiến khác.

Ngày 11/3/2011, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột (BCEC) chính thức đưa vào giao dịch sản phẩm cà phê giao sau (giao dịch kỳ hạn). Đây có thể là một kênh đầu tư mới trong bối cảnh các kênh đầu tư truyền thống không đáp ứng được sự kỳ vọng của NĐT?


Phương Mai

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên