MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi sếp ra tay cứu giá cổ phiếu

Lịch sử cho thấy, đã có rất nhiều trường hợp khi lãnh đạo quyết định chi tiền "khủng" gom cổ phiếu, ngay lập tức đã có tác động tích cực lên giá cổ phiếu. Vậy đây có phải là "cây đũa thần" giúp nâng giá trị doanh nghiệp?

1001 lý do cổ phiếu sụt giá

Giá cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) liên tục đi xuống trong 6 tháng đầu năm 2015, từ vùng giá 53.000 đồng/cổ phiếu ngày 5/1 đã giảm tới 52,26% (tính theo giá chốt phiên ngày 5/6- 25.300 đồng/cổ phiếu).

Cổ phiếu HPG bắt đầu sụt giảm mạnh kể từ khi "đại gia thép" công bố kế hoạch lấn sân sang... lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc và chăn nuôi. Theo một số nhà đầu tư, lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt nên khi bước chân vào lĩnh vực này, HPG sẽ chịu rủi ro không nhỏ.

Ngoài ra, báo cáo kế quả kinh doanh quý I/2015 không mấy khả quan cũng là một nhân tố khiến cổ phiếu HPG trở nên kém hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư. Kết thúc quý đầu tiên của năm, HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng, chỉ bằng 71,4% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước.

Diễn biến giá cổ phiếu HPG 6 tháng đầu năm

Để kích thích giá cổ phiếu, ngày 9/6, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT công ty công bố quyết định chi ra số tiền khoảng 270 tỷ đồng để mua vào 10 triệu cổ phiếu HPG.

Kết thúc giao dịch ngày 26/6, ông Long đã hoàn tất giao dịch, nâng sở hữu lên hơn 184,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25,15%. Theo đó, ông Long cùng người có liên quan là vợ và mẹ đã nâng sở hữu lên hơn 238 triệu cổ phiếu, ứng với 32,49% vốn điều lệ của HPG.

Trước đó, hồi tháng 5, bầu Đức cũng từng phải ra tay cứu cổ phiếu HAG khi thông tin về các khoản nợ đến kì đáo hạn (bằng trái phiếu) gây áp lực lớn lên HAG, giá cổ phiếu HAG "bốc hơi" mạnh xuống dưới mức 18.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, Chủ tịch HAG đã phải chi ra khoảng 89 tỷ đồng để mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG, nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 43,39% lên 44,03% vốn điều lệ.

Hồi đầu tháng 7, ngay khi thông tin HHS bị thanh tra về doanh số bán xe và thuế phải nộp, cổ phiếu HHS ngay lập tức bị bán tháo. Tuy nhiên chỉ sau 1 phiên bị bán tháo, ngay ngày hôm sau chủ tịch HĐQT của HHS là ông Đỗ Hữu Hạ đã có thư ngỏ gửi tới các cổ đông khẳng định đây chỉ là tin đồn thất thiệt và thông báo với cổ đông về kết quả kinh doanh quý II/2015 của công ty vẫn rất khả quan.

Cùng với thông tin đính chính, ông Hạ còn đăng ký mua vào nửa triệu cổ phiếu vì theo ông giá cổ phiếu hiện tại đang thấp hơn giá trị thực.

Gần đây nhất, vào sáng 21/8, cổ phiếu của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã rơi vào tình trạng giảm kịch sàn với lượng dư bán giá sàn tới hơn 9,85 triệu đơn vị. Nguyên nhân là trên thị trường xuất hiện một số tin đồn thất thiệt ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT công ty bị bắt đã khiến nhà đầu tư rơi vào trạng thái "hoảng loạn" và bán cổ phiếu.

Trước áp lực bán tháo quá lớn, ông Tâm đã phải lên tiếng đính chính thông tin, khẳng định KBC vẫn đang hoạt động tốt. Bên cạnh đó, Chủ tịch KBC còn cho biết kế hoạch mua 5 triệu cổ phiếu KBC trong thời gian tới.

Những cái kết ngược chiều...

Ngay sau khi có tin Chủ tịch Trần Đình Long sẽ mua vào cổ phiếu, cổ phiếu HPG đã tăng ngay 1.000 đồng, tương đương 3,85%, lên 27.000 đồng/cổ phiếu.

Không dừng lại ở đó, từ giữa tháng 6 tới nay, cổ phiếu HPG nằm trong xu hướng tăng. Hiện giá cổ phiếu HPG đang được giao dịch quanh mức 31.300 đồng, tăng tới 20,38% so với trước thời điểm Chủ tịch công bố thông tin.

Không được may mắn như HPG nhưng ngay sau khi có thông tin đính chính, ngay phiên chiều ngày 21/8, lực cầu đã trở lại và giúp KBC thoát khỏi mức giá sàn và giảm 800 đồng xuống 12.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE là hơn 17,4 triệu đơn vị.

Trong các phiên tiếp theo, mặc dù chưa lấy lại được "màu xanh" nhưng đà rơi cổ phiếu KBC đã giảm. Hiện cổ phiếu KBC đang được giao dịch quanh mức 12.200 đồng/cổ phiếu, giảm 9,63% so với giá trước khi xảy ra "sự cố".

Diễn biến cổ phiếu HAG sau khi bầu Đức công bố quyết định mua vào 5 triệu cổ phiếu

Ở chiều ngược lại, không được như hai doanh nghiệp trên, việc bầu Đức công bố kế hoạch mua 5 triệu cổ phiếu và HAG mua 10 triệu cổ phiếu quỹ cũng không "cứu" được cổ phiếu HAG tiếp tục đà sụt giảm.

Tính từ thời điểm bầu Đức chính thức công bố kế hoạch "cứu giá" cổ phiếu đến nay, cổ phiếu HAG đã "bốc hơi" 16,3% giá trị. Hiện cổ phiếu HAG đang được giao dịch quanh mức 14.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức giá 17.100-18.300 đồng được giao dịch trong khoảng thời gian bầu Đức gom 5 triệu cổ phiếu (từ ngày 18/5 đến 1/6).

Mua vào cổ phiếu có phải là "cây đũa thần"?

Không thể phủ nhận, việc mua vào cổ phiếu là một công cụ khá hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy giá cổ phiếu. Việc một lãnh đạo cao cấp quyết định "rút hầu bao", thậm chí, đi vay tiền để mua vào một lượng lớn cổ phiếu của công ty mình thường bắt nguồn từ niềm tin rằng cổ phiếu công ty đang bị đánh giá thấp hơn giá trị thực.

Điều này khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điều này không phải luôn đúng trong mọi trường hợp. Việc cổ phiếu được thị trường định giá giá ở mức độ nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như khả năng của Ban lãnh đạo, hiệu quả hoạt động, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai...

Do vậy, mạo hiểm bỏ ra cả một khoản tiền "khủng" để mua cổ phiếu, đôi khi chỉ để ngậm ngùi với "quả đắng" trong tay.

Theo TRẦN THÚY

BizLIVE

Trở lên trên