MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoảng 15 – 20 CTCK đủ điều kiện tham gia Thị trường chứng khoán phái sinh

Đó là tuyên bố của đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại buổi họp báo giới thiệu về Nghị định 42/2015/NĐ – CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Ngày 5/5/2015. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ – CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Chứng khoán phái sinh  là những công cụ được phát hành trên cơ sở những công cụ đã có như cổ phiếu, trái phiếu, nhằm nhiều mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận. Các chứng khoán phái sinh sẽ là đòn bẩy, làm tăng nhiều lần giá trị các các đối tượng đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, hoặc để đảm bảo rằng nếu giá của cổ phiếu, trái phiếu có thay đổi bao nhiêu thì giá của các công cụ phái sinh vẫn sẽ được duy trì ở mức ban đầu.

Chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm: hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn niêm yết, hợp đồng kỳ hạn dự trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán và các chứng khoán phái sinh niêm yết, giao dịch thỏa thuận khác dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

Ngoài Sở giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh.

Trên thế giới, chứng khoán phái sinh không phải sản phẩm xa lạ, nó đã có từ thế kỷ XV – XVI. Chính vì thế, việc phát triển sản phẩm này tại Việt Nam sẽ có một số lợi thế nhất định nhờ thừa hưởng những thành quả, kinh nghiệm mà các quốc gia khác đã trải qua.

Điều kiện tham gia thị trường

Về quy định tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, yêu cầu về mặt vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên với hoạt động tự doanh, 800 tỷ đồng trở lên với hoagj động môi giới (được phép tự doanh). Ngoài ra, tổ chức kinh doanh cần đáp ứng các yêu cầu về lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng, quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ tài chính.

Công ty chứng khoán và Ngân hàng thương mại có thể đăng ký làm thành viên bù trừ của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam khi đáp ứng được một số yêu cầu nhất định. Trong đó, yêu cầu về vốn đối với thành viên bù trực tiếp thấp hơn thành viên bù trừ chung.

Cụ thể: Vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đối với các NHTM yêu cầu từ 5.000 tỷ đồng trở lên đối với thành viên bù trừ trực tiếp và 7.000 tỷ đồng trở lên đối với thành viên bù trừ chung. Yêu cầu về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đối với CTCK là từ 900 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ trực tiếp, 1.200 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ chung.

Với những yêu cầu về mặt kỹ thuật nói trên ,đại diện UBCKNN cho biết dự kiến sẽ có khoảng từ 15 đến 20 CTCK tham gia thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới - đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường non trẻ này.

Một loạt CTCK đã bắt đầu "chạy nước rút"

Đứng trước yêu cầu khá cao về mặt vốn điều lệ, ĐHĐ thường niên vừa qua của các CTCK đã chứng kiến xu hướng phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ - không ngoài mục đích chuẩn bị đón đầu tham gia thị trường chứng khoán phái sinh với các nghiệp vụ khác nhau đồng thời hỗ trợ khách hàng trong các nghiệm vụ sẵn có trên thị trường chứng khoán. Trong cuộc chơi này, rõ ràng các CTCK nhỏ sẽ hoàn toàn đứng ngoài.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Chứng khoán Bảo Việt (BVS) đã chia sẻ trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2015, tại thị trường chứng khoán Đài Loan, chứng khoán phái sinh chiếm đến 70% giá trị giao dịch toàn thị trường. 30% còn lại dành cho các sản phẩm khác, trong đó có thị trường cổ phiếu. Nói như vậy để thấy tiềm năng của thị trường mới mẻ này tại Việt Nam.

BVS đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên trên 1.000 tỷ đồng với mục đích đón đầu những cơ hội trên thị trường chứng khoán phái sinh. Hiện công ty đang có khoản thặng dư vốn khá dồi dào trên 600 tỷ đồng. Việc tăng vốn đối với BVS, vì vậy không phải là bài toán quá khó khăn.

Có thể kể đến Chứng khoán Vietinbank (VietinbankSC), Chứng khoán VCB (VCBS), Chứng khoán Techcombank, Chứng khoán SHS,... cũng đều "rục rịch" lên kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới cũng với mục đích tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

Được biết, Nghị định 42 bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2015.

 

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên