MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại bán ròng: Xu hướng chưa dừng lại

Trước động thái bán ròng của khối ngoại, câu hỏi đặt ra liệu đây là quá trình tái cơ cấu danh mục tạm thời hay là quá trình rút vốn khỏi thị trường?

Đóng vai trò quan trọng, làm động lực cho thị trường tài chính các nền kinh tế mới nổi, nhưng trước những khó khăn của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khả năng thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, dòng vốn ngoại dường như vận động không thuận chiều trên các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tăng bán giảm mua

Trong 8 tháng đầu năm 2013, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã có ảnh hưởng rõ nét đến diễn biến của thị trường CP và trái phiếu Việt Nam, đặc biệt xu hướng mua ròng 5 tháng đầu năm đã chuyển mạnh sang bán ròng từ tháng 6.

Trên thị trường CP tính đến 31.5, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại đạt giá trị 5.900 tỉ đồng (tương đương 280 triệu USD), chiếm tới 18% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Chiếm tỉ trọng lớn trong giao dịch của khối ngoại trên thị trường là từ 2 quỹ ETFs là FTSE và VNM. Tuy nhiên, từ tháng 6, khối ngoại chuyển sang bán ròng mạnh trên TTCKVN. Tính từ 1.6 đến 20.8, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.087 tỉ VND trên cả 2 sàn HSX và HNX chiếm tới 55% tổng lượng mua ròng trong 5 tháng đầu năm, chủ yếu là do quỹ ETFs.

Động thái này nằm trong xu hướng rút mạnh tiền khỏi CP và các tài sản rủi ro của các quỹ đầu tư tại các thị trường mới nổi. Xu hướng này thực tế đã bắt đầu từ tháng 4.2013 và trở nên mạnh mẽ hơn vào tháng 6.2013, đặc biệt là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ giảm quy mô chương trình nới lỏng có định lượng lần 3 (QE3) và có thể dừng hẳn gói hỗ trợ vào giữa năm 2014.

Cùng với đó, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đưa đến tín hiệu tiêu cực, thanh khoản hệ thống ngân hàng giảm sút, bong bóng tài sản trở nên đáng lo ngại. VN-Index chốt phiên giao dịch cuối tháng 6.2013 đạt 481,12 điểm, giảm 7,19% so với tháng 5, giảm 2,02% so với cuối quý I, con HNX-Index chốt phiên cuối tháng 6 ở mức 62,59 điểm, giảm 3,14% so với cuối tháng 5. Cho đến tháng 8, thị trường vẫn đi ngang trong khoảng dao động 485-500 điểm của VN-Index và 59-62 điểm của HNX-Index

Với thị trường trái phiếu, động thái bán ròng còn mạnh mẽ hơn. Tổng giá trị bán ròng từ 1.6 đến 20.8 lên tới 10.935 nghìn tỉ đồng, bằng 96% tổng lượng mua ròng trong 5 tháng đầu năm, đánh dấu mức bán ròng mạnh nhất kể từ tháng 1.2011. Giá trị giao dịch của NĐTNN chỉ chiếm trung bình 19% tổng khối lượng và giảm mạnh so với mức 30-40% của những tháng đầu năm.
Mua/Bán ròng CP của NĐTNN đến 15.8.2013 (đơn vị tính: Tỉ đồng). Nguồn: HSX, HNX.
P/E của thị trường Việt Nam tháng 8.2013. (Nguồn Bloomberg)

Chưa sớm dừng lại

Trước động thái bán ròng của khối ngoại, câu hỏi đặt ra liệu đây là quá trình tái cơ cấu danh mục tạm thời hay là quá trình rút vốn khỏi thị trường? Những số liệu cũng như diễn biến giao dịch cho thấy, dường như khối ngoại đang muốn rút vốn ra khỏi thị trường tài chính, không chỉ ở Việt Nam và cả những nền kinh tế đang phát triển khác như Indonesia, Thailand, Philippines, thậm chí cả Hàn Quốc.

Như tại Thailand, trong 8 tháng đầu năm, khối ngoại đã rút 3,29 tỉ USD. Giá trị đầu tư gián tiếp (FII) đã giảm 248,4% so với cùng kỳ 2012. Xu hướng rút vốn ra khỏi các thị trường tài chính của nền kinh tế mới nổi mang tính toàn cầu, do vậy khó có khả năng sớm chấm dứt trong ngắn hạn.

Đối với Việt Nam, không chỉ chịu tác động của xu thế bán ròng chung mà còn kém hấp dẫn dòng vốn ngoại, bởi yếu kém nội tại của nền kinh tế. Mặc dù kinh tế vĩ mô được đánh giá ổn định hơn nhưng những diễn biến điều chỉnh giá mặt hàng thiết yếu, hay kết quả xử lý nợ xấu ngân hàng làm suy giảm lòng tin của NĐTNN. Bên cạnh đó, chỉ số P/E của Việt Nam, thước đo cơ bản về sự hấp dẫn của TTCK, không còn quá thấp so với các nước trong khu vực.

Do vậy để có thể khuyến khích dòng vốn ngoại quay lại Việt Nam đòi hỏi Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong thực thi các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để xây dựng nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng cần linh hoạt về phương thức tiến hành phù hợp với từng giai đoạn. Nhất quán trong chính sách điều hành, đặc biệt đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định tỉ giá đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu là điều kiện quan trọng để thu hút vốn ngoại.

Ngoài ra, một số biện pháp mang tính tình thế, cấp bách hỗ trợ sự phát triển thị trường cần được xem xét cụ thể để sớm triển khai như nới room sở hữu tối đa cho NĐTNN tại các doanh nghiệp niêm yết hay đề án chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Đây là sản phẩm cấu trúc được áp dụng thành công ở Thailand với ưu điểm như đơn giản, dễ triển khai do chỉ có 1 mức giá cho cả CP thường và NVDR, có khả năng chuyển đổi khi room cho phép.

Thời điểm cuối năm, vốn ngoại nhiều khả năng tiếp tục rút ra thị trường. Nếu những giải pháp hỗ trợ kinh tế cũng như thị trường thực sự có kết quả thì cơ hội dòng vốn ngoại trở lại sớm nhất cũng phải từ năm sau. Nếu không, có lẽ nhiều NĐTNN sẽ một đi không trở lại với TTCKVN.

Theo Thanh Sơn-Viên Trà


thanhhuong

Lao động

Trở lên trên