MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng từ đầu năm

Riêng trong 2 tuần đầu tiên của tháng Hai, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng hơn 940 tỷ đồng. Lượng mua tập trung vào một số mã như VNM, HAG, EIB...

Trong 6 tuần đầu tiên của năm 2010, ngoại trừ việc bán ròng trong tuần đầu tiên thì khối ngoại đều mua ròng mạnh trong 5 tuần sau đó. Và trong 25 phiên gần đây, khối ngoại chỉ có 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 9/2.

Tính chung 30 phiên giao dịch từ đầu năm, tại HoSE, nhà đầu tư ngoại đã mua vào 96 triệu đơn vị, trị giá 4.735 tỷ đồng. Lượng bán ra đạt 66 triệu đơn vị, tương đương 3.215 tỷ đồng.

Chênh lệch mua bán đạt 30 triệu đơn vị, tương đương 1.519 tỷ đồng. Như vậy, giá trị mua ròng trong 6 tuần qua gần bằng ½ tổng giá trị mua ròng của cả năm 2009 là 3.195 tỷ đồng.

Trong 2 tuần đầu của tháng Hai, trong lúc nhà đầu tư có xu hướng giảm giao dịch khi mà Tết Nguyên đán đã đến gần thì nhà đầu tư ngoại lại đẩy mạnh giao dịch. Những mã được họ giải ngân mạnh vẫn là những cổ phiếu chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến Vn-Index như VNM, HAG, BVH…

Cùng với đó, trên thị trường cũng bắt đầu xuất hiện những thông tin về việc một lượng vốn ngoại lớn đã và sắp đổ vào thị trường thông qua hình thức P-Notes hay việc một số nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào tầm ngắm…

Những thông tin này cùng với việc khối ngoại liên tục mua ròng đã ít nhiều là yếu tố tích cực nâng đỡ thị trường.

Với việc được mua rất mạnh trong 2 tuần vừa qua, VNM trở thành cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất từ đầu năm (xét theo giá trị) với 4,65 triệu đơn vị, tương đương 404 tỷ đồng. Những phiên gần đây, tổng lượng mua vào của khối ngoại thường chiếm 80-90% tổng lượng giao dịch trong ngày của cổ phiếu này.

Hiện tại, cơ cấu sở hữu của VNM bao gồm SCIC nắm 47,6%, nhà đầu tư nước ngoài nắm 45,4% còn lại là nhà đầu tư trong nước.

Đáng chú ý là room tối đa đối với VNM hiện chỉ là 46% do “để dành” 3% cho việc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài.

EIB đứng hai với 9,86 triệu đơn vị, tương đương 238 tỷ đồng. Với việc được “gom” liên tục từ khi lên sàn thì hiện room của cổ phiếu này đã cạn.

Tính chung từ ngày lên sàn, EIB đã được khối ngoại bỏ ra gần 1.050 tỷ để mua ròng 41,8 triệu đơn vị, tương đương 5% vốn của Ngân hàng này. Trước khi lên sàn, EIB đã phát hành riêng lẻ 25% vốn cho 4 tổ chức gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (15,13%), VOF Investment (5,04%) và 2 quỹ thuộc Tập đoàn Mirae Asset.

Ba mã khác được mua ròng trên 100 tỷ đồng gồm HAG (200 tỷ), BVH (143 tỷ) và HPG (101 tỷ).

Cùng với VNM, HAG là một trong những mã được khối ngoại mua khá mạnh trong thời gian gần đây.

Trong 5 mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất năm 2009 thì HAG ở vị trí thứ hai (871 tỷ), thứ ba là EIB và thứ tư là HPG. Dẫn đầu là FPT với 17,2 triệu đơn vị, tương đương 1.245 tỷ đồng.

Giữa tháng 1, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đã hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 53,6 triệu cổ phiếu cho HSBC Insurance, thu về 1.880 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ của BVH đã tăng từ 5.730 tỷ lên 6.267 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của HSBC Insurance cũng tăng từ 10% lên 18%.

Đáng chú là BVHcổ phiếu tăng giá mạnh nhất tại HoSE từ đầu năm đến nay (không tính KSB mới lên sàn trong năm). Với giá đóng cửa ngày 12/2 là 43.400 đồng, BVH đã tăng 42% so với mức 30.600 đồng ngày 31/12/2009.

Bên cạnh các cổ phiếu lớn, TRC của Cao su Tây Ninh cũng được khối ngoại mua ròng gần 1 triệu đơn vị, tương đương 66,4 tỷ đồng.

Phía bán ròng, có 2 mã bị bán ròng áp đảo so với các mã còn lại là ITC (1,84 triệu đơn vị - 176 tỷ đồng) và KDC (1,7 triệu đơn vị - 114 tỷ đồng).

Lượng bán ITC chủ yếu do quỹ Vietnam Azalea Fund Ltd (thuộc Mekong Capital) và VOF (thuộc VinaCapital) thực hiện. Trong tháng 12, ITC đã có hành trình tăng giá ngoạn mục từ mức 63.000 đồng vào ngày 11/12 lên 95.500 đồng vào ngày 7/1.

Một số mã khác bị bán ròng mạnh là VIC, VSH, DPM… Nhìn chung đây đều là những mã được khối ngoại bán ròng mạnh từ những tháng cuối năm 2009.
 
K.A.L
Theo HoSE

duchai

Trở lên trên