MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên lướt sóng thời điểm này

Đồng nhân dân tệ (NDT) phá giá mạnh, TTCK Trung Quốc lao dốc, tỷ giá VNĐ điều chỉnh so với USD… đã khiến TTCK giảm điểm nhiều phiên gần đây.

Tuy nhiên, sau phiên “hoảng loạn” vào ngày 24-8 (VN Index sụt giảm gần 30 điểm, tương đương mức giảm 5,28%, HNX Index có mức giảm mạnh hơn 5,81%), các phiên ngày 25, 26-8 đã hồi phục khi tâm lý của NĐT đã có dấu hiệu tạm ổn định.

Điều chỉnh giảm là tất yếu

Chỉ trong 20 ngày, thị trường đã giảm về mức điểm của cuối năm 2014, phủ nhận hoàn toàn đà tăng trong 8 tháng đầu năm. Nhiều nhân tố tiêu cực đang ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam: TTCK Trung Quốc đang giảm rất mạnh, dòng tiền không chỉ rút ra khỏi Trung Quốc mà còn tháo chạy khỏi các quốc gia khác trên thế giới; tỷ giá liên ngân hàng đã chạm trần trong ngày 25-8, tình hình tỷ giá trong nước đang khá căng thẳng…

Từng có thâm niên đầu tư từ khi TTCK Việt Nam mới ra đời, ông Trần Tiến Dũng (Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh NĐTNN chủ động rút vốn, FED dự kiến tăng lãi suất, TTCK Hoa Kỳ giảm điểm, TTCK Trung Quốc hỗn loạn, nhiều nước châu Á phá giá đồng tiền, TTCK Việt Nam ngày 24-8 khó tránh khỏi trào lưu đó nên tâm lý “không chạy là chết” của NĐT là dễ hiểu.

“Danh mục đầu tư của tôi là các blue chip tốt, giai đoạn VN Index 640 điểm, nhiều mã có lãi tới 30%. Nhưng kể từ khi TTCK giảm xuống 620 điểm và dưới 600 điểm, số lãi nhiều mã chỉ còn 17-18%. Dù tôi không bán nhưng khó thể nói NĐT khác có cùng suy nghĩ. Bởi khi thị trường đi lên như “đi cầu thang bộ”, còn đi xuống như “đi thang máy”, nên tâm lý nhiều NĐT đều giống nhau: bán ra” - ông Dũng nói.

Trước diễn biến giảm trên TTCK Việt Nam những tuần qua, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ vào chiều 25-8, UBCKNN và các bộ, ngành đều đánh giá chủ yếu là do yếu tố tâm lý và cho rằng thời gian tới thị trường sẽ hồi phục và tiếp tục có những dòng tiền mới được đưa vào thị trường.

Theo một chuyên gia CK, TTCK vừa qua điều chỉnh là xu hướng tất yếu, tuy nhiên xu hướng giảm sẽ không còn nhiều, nhưng đi lên chưa thể trong ngắn hạn. Bởi lẽ, TTCK Hoa Kỳ giảm điểm là cơ hội lớn cho các NĐTNN và có thể sẽ khiến các thị trường mới nổi khó khăn do dòng tiền rút về.

Theo TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế, khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ rục rịch tăng lãi suất, dòng vốn đổ vào Việt Nam cũng như các thị trường mới nổi khác sẽ thận trọng hơn.

Ông Trần Nhật Nam, Giám đốc E-Securities (CTCK Techcombank - TCBS), cho rằng việc điều chỉnh của TTCK Việt Nam trong thời gian từ 1-3 tháng tới sẽ rất khó đoán, vì tâm lý NĐT luôn lo sợ trước các biến động lớn. Đặc biệt NĐTNN chưa biết phản ứng của NHNN sẽ ra sao, có phá giá VNĐ tiếp hay không? Nếu NĐTNN tin tưởng vào cam kết của NHNN đưa ra tại phiên họp Thường trực Chính phủ, họ có thể sẽ quay lại thị trường và đây cũng là yếu tố tạo niềm tin cho NĐT trong nước.

Còn theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư của CTCK Maritime Bank (MSI), nhận thức của thị trường đang lung lay, tâm lý NĐT xuống thấp đã tác động cùng lúc đến TTCK. Tuy nhiên, chuỗi ngày sụt giảm điểm liên tiếp đều sẽ có những phiên hồi phục khi chỉ số VN Index chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh.

2 phiên giao dịch đầu tuần thanh khoản cực lớn có thể nói là 2 phiên "wash out" - áp lực giải chấp, nỗi lo sợ về sự sụt giảm tiếp của TTCK đã gây ra sự hoảng loạn từ phía các NĐT nội cũng như NĐTNN. Và khi thị trường hoảng loạn đến cực điểm, lúc đó sự hồi phục sẽ phải quay trở lại.

“Tôi có quan điểm rằng thị trường sẽ có sự hồi phục từ ngưỡng hỗ trợ mạnh 510 - 515 điểm và quay trở lại chạm ngưỡng kháng cự 560 điểm là tối đa. Tuy nhiên đây mới chỉ diễn biến trong ngắn hạn. Thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh quanh vùng 530 - 550 điểm trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn. Động thái rút vốn của khối ngoại, nền kinh tế Việt Nam đang bị xáo trộn, những thay đổi chính sách tiền tệ sẽ tác động đến dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán, dòng tiền đầu tư FDI…” - ông Khánh nói.

Nên đầu tư dài hạn

Theo ông Trần Nhật Nam, việc Hoa Kỳ tăng lãi suất cũng sẽ thu hút một lượng vốn không nhỏ chảy ngược lại Hoa Kỳ, nhưng dòng vốn này là dòng vốn nóng và ngắn hạn. Những dòng vốn FDI dài hạn cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam sẽ không bị tác động nhiều. Vì vậy, việc chúng ta tích cực mở cửa đón nhận FDI để khôi phục sản xuất trong nước, tích cực tham gia các hiệp định thương mại quốc tế sẽ vẫn là những điểm sáng của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra, nền kinh tế càng mở sẽ càng phát triển nhanh, đơn giản là nguồn lực (vốn, nhân lực) và hàng hóa được lưu thông tự do sẽ mang Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với khu vực và thế giới. Vì vậy, những yếu tố như nới room, tham gia TPP chắc chắn sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho Việt Nam.

“Với quan điểm dài hạn trong đầu tư tài chính, chúng tôi luôn khuyên NĐT không nên bỏ nhiều trứng vào 1 giỏ. Trong những lúc thị trường biến động lớn như hiện nay, NĐT có thể dành tới 50% danh mục của mình cho tài sản có lãi suất cố định tốt và an toàn như trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp lớn, hoặc tiền gửi tại các tổ chức tín dụng uy tín. Tại TCBS, chúng tôi cung cấp sản phẩm TCBond Series, là trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam được cấu trúc lại để NĐT có thể đầu tư linh hoạt trong cả ngắn và trung hạn, đặc biệt là khi dòng tiền rút ra từ TTCK không biết trú ẩn nơi đâu” - ông Nam nói.

Theo ông Lê Đức Khánh, chắc chắn câu chuyện đầu tư ngắn hạn hay chiến lược lướt sóng sẽ không quá thích hợp với đại bộ phận NĐT hiện nay. Bởi câu chuyện chọn đúng mã, đúng thời điểm cũng như nắm giữ thế nào sẽ đòi hỏi kinh nghiệm, kiến thức đầu tư cũng như kỷ luật của những người tham gia đầu tư. Việc khả thi và dễ hơn đó là chọn lựa ra những CP triển vọng, giá trị đang thấp hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách, những CP trả cổ tức tốt, CP tăng trưởng thuộc các ngành thiết yếu gắn liền với nền kinh tế…

“Chúng ta chỉ có thể đánh bại thị trường, đánh bại các NĐT chuyên nghiệp bằng cách chọn ra những CP nói trên và nắm giữ 1 thời gian đủ lâu, nhất là trong giai đoạn tâm lý NĐT đang xuống thấp như hiện nay” - ông Khánh khuyên.

Theo ông Trần Tiến Dũng, quan điểm của cá nhân ông là vào thời điểm này, NĐT nào còn CP cơ bản tốt nên giữ lại, không nên mua CP “lởm”. Cơ hội cho mua CP tốt vẫn nhiều và kéo dài từ nay đến quý I-2016 khi chính sách kinh tế, CK “thấm vào”. Những NĐT ít tiền nên đứng ngoài quan sát thêm thời gian nữa, không nên sốt ruột vì điều quan trọng nhất là bảo toàn vốn.

Theo BSC, có những điểm tích cực đối với TTCK Việt Nam. Mặc dù khối ngoại bán ròng mạnh trong tuần trước, nhưng chủ yếu bán nhóm CP dầu khí và VIC, điều đó cho thấy họ không bán mạnh trên diện rộng. Điểm tích cực thứ hai là P/E của thị trường đang ở mức hấp dẫn. Cụ thể, P/E của VN Index và HNX dex chỉ nằm trong khoảng 9 – 10, là mức khá thấp như giai đoạn đầu năm 2012. Và VN Index vẫn đang trong xu hướng tăng nếu xét từ năm 2012.

Theo Hà My

Sài Gòn đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên