MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịch bản nào cho thị trường tuần tới (20-24/1)

Việc tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đầu ngành tốt nhất đang có sức cầu mạnh, trong khi giảm tỷ lệ cổ phiếu ở những cổ phiếu yếu hoặc mua nhầm là điều cần thiết ở những phiên đầu tuần tới.

Các chuyên gia trong cuộc tọa đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền” của VnEconomy đều chung một nhận định: sự chuyển dịch của dòng tiền tuần qua thể hiện chu kỳ vận động mạnh lên của dòng tiền lớn.

Đặc biệt, dòng vốn ngoại đang cho thấy những dấu hiệu của những tổ chức đầu tư mới, bên cạnh những quỹ chỉ số quen thuộc.

Nhà báo Nguyễn Hoàng (VnEconomy)

Sẽ là tương đối khó nếu phải đánh giá thị trường tuần tới dựa trên chỉ số, khi mà các cổ phiếu lớn đang tác động quá nhiều. Tuy nhiên liệu anh chị có dự cảm gì với nhóm blue-chips đang dẫn dắt thị trường trên HSX, đặc biệt với rổ VN30? Sự dịch chuyển của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này sẽ theo hướng nào?

Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDS)

Tôi nghiêng về kịch bản trung lập, vì sau khi các tổ chức giải ngân blue-chips xong sẽ có xu hướng nắm giữ, áp lực bán ra tạm thời sẽ không nhiều.

Vì vậy có thể nhóm này điều chỉnh không mạnh, có thể giữ nhịp đi ngang. Một số mã có thể tích cực khi tiếp tục được khối ngoại giải ngân.

Ông Trần Hữu Phúc (phụ trách Phòng môi giới tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán VCBS)

Theo tôi nhóm vốn hóa lớn đặc biệt trong VN30 trong tuần tới có thể vẫn duy trì được mặt bằng giá cao mới, tuy nhiên đà tăng có thể phải chậm lại, để nhường chỗ có các dòng cổ phiếu có vốn hóa trung bình có tiềm năng tăng trưởng về giá tốt hơn.

Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Công ty Chứng khoán MSBS)

Tuần tới tôi thiên về xu hướng thị trường sẽ điều chỉnh giảm.

Cụ thể là hai phiên giao dịch đầu tuần với đà tăng điểm của VN-Index sẽ tăng 7 - 8 điểm, tức là sẽ test lại mốc 550 - 552 một lần nữa trước khi điều chỉnh giảm ở những phiên cuối tuần khi các cổ phiếu blue-chips hết lực đỡ từ khối ngoại.

Tuần tới các cổ phiếu blue-chips vẫn thu hút được dòng tiền. Một số tăng điểm tiếp, một số điều chỉnh và VN-Index sẽ khó có sự đột biến mạnh như phiên cuối tuần qua.

Ông Nguyễn Hữu Việt (Giám đốc nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán IRS)

Trong dự cảm của mình, tôi thấy rằng sau khi nhiều mã cổ phiếu blue-chips bật qua khỏi đỉnh trung-dài hạn của chúng, các cổ phiếu này sẽ gây rất nhiều bất ngờ và có thể có những diễn biến ngoài dự đoán, như đã từng diễn ra ở hai năm trước đó.

Áp lực điều chỉnh ngắn hạn là rất lớn, nhưng đứng ở góc độ nhìn nhận tâm lý đầu cơ ngắn hạn, tôi cho rằng, những điều chỉnh ngắn hạn sẽ xuất hiện nhưng cũng sẽ rất nhanh.

Ngược lại, một quá trình điều chỉnh kéo dài nhiều hơn 2-3 phiên có thể đánh dấu sự thoái trào của xu hướng blue-chips hiện tại.

Ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán BVSC)

Tôi cho rằng tuần tới các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 sẽ khó duy trì được đà tăng như tuần vừa rồi. Đợt mua vào cao trào nhất từ phía nhà đầu tư nước ngoài có thể đã qua.

Phân bổ vốn: Né cổ phiếu đầu cơ

Nhà báo Nguyễn Hoàng (VnEconomy)

Tuần này nhà đầu tư thận trọng hẳn đứng ngồi không yên! Những người chọn sai mã cũng kém vui. Dự cảm của các anh chị cho tuần này là chính xác khi cho rằng xu thế tăng trưởng sẽ chiếm ưu thế. Vậy anh chị có thay đổi cơ cấu và tỉ trọng phân bổ danh mục hay không? Các cơ hội ngắn hạn được tận dụng như thế nào?

Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDS)

Tuần trước tôi đã sai, khi đánh giá thấp sức mạnh dòng tiền vào nhóm blue-chips. Trong tuần, tôi đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở một số mã breakout khỏi vùng đi ngang một tháng qua, tuy nhiên tỷ lệ cổ phiếu vẫn chỉ ở 50%, hiệu quả cho thấy cũng chưa nhiều.

Tôi tiếp tục cho rằng chỉ cần thị trường chung không điều chỉnh quá mạnh, sự phân hóa vẫn sẽ tiếp diễn. Vì thế, chỉ giảm tỷ trọng khi thị trường xuất hiện giảm mạnh đột ngột.

Ông Trần Hữu Phúc (phụ trách Phòng môi giới tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán VCBS)

Tôi vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào của sự điều chỉnh lớn có thể xảy ra, mặc dù đã có bước nhảy khá lớn về giá của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong một thời gian ngắn.

Cổ phiếu lớn đã có mặt bằng giá mới cao, cần có thời gian để ổn định, và dòng tiền có thể có sự chuyển dịch một phần sang các cổ phiếu có vốn hóa trung bình có kết quả kinh doanh khá tốt.

Tỷ lệ phân bổ danh mục cho blue-chips vẫn nên duy trì tối thiểu 70%, và chúng ta có thể gia tăng tỷ trọng danh mục lên các cổ phiếu có vốn hóa trung bình trong ngắn hạn để đón dòng tiền xoay vần có thể hướng đến.

Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Công ty Chứng khoán MSBS)

Tôi đã dự đoán rằng VN-Index trước sau gì cũng vượt và vươn tới các cứ điểm quan trọng 530 - 550 điểm trong quý 1/2014.

Tuy nhiên, việc chỉ số VN-Index tăng quá nhanh làm mọi nhà đầu tư đều bất ngờ, nhất là việc điều chỉnh khá vài phiên ở ngưỡng 530 điểm đã không xảy ra khi dòng tiền khối ngoại đã chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu blue-chips, khiến biên độ của VN-Index chạm sát ngưỡng 550 ở phiên cuối tuần.

Rõ ràng, việc tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đầu ngành tốt nhất đang có sức cầu mạnh, trong khi giảm tỷ lệ cổ phiếu ở những cổ phiếu yếu hoặc mua nhầm là điều cần thiết ở những phiên đầu tuần tới.

Việc chỉ nắm giữ 3-4 mã cổ phiếu tốt nhất trong danh mục, có thể là 2-3 mã blue-chips và 1 mã mid-cap tăng trưởng là hợp lý, và vẫn không nên nắm giữ cổ phiếu đầu cơ trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Việt (Giám đốc nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán IRS)

Thực tế bức tranh tổng thể thị trường không hoàn toàn là một màu sáng.

Ở một thống kê khác, tôi thấy bình quân số lượng cổ phiếu sinh lời sau ngày T+3 ở tuần vừa qua đã giảm mạnh so với tuần trước đó, VN-Index tăng tới hơn 10 điểm trong phiên cuối tuần, nhưng số mã cổ phiếu giảm điểm hoàn toàn áp đảo số mã tăng. Thị trường đã có sự chững lại về độ rộng.

Với góc nhìn như trên, tôi không có nhiều sự thay đổi về quan điểm so với tuần trước đó: tạm thời đóng trạng thái với cổ phiếu đầu cơ, duy trì một lượng hợp lý (khoảng 30%) nhóm cổ phiếu cơ bản và có thể tăng tỷ trọng ở nhóm này nếu tìm được điểm mua tốt.

Về các cơ hội ngắn hạn, tôi sẽ tìm điểm mua ngắn hạn để giải ngân-tăng tỷ trọng vào các cổ phiếu cơ bản đã vượt đỉnh nhiều năm như DPM, PVD, GAS…

Ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán BVSC)

Trong tuần tới, thị trường sẽ đối mặt với lực bán chốt lời, giảm tỷ lệ đòn bẩy từ phía nhà đầu tư trong nước, do vậy nhiều cổ phiếu tăng nóng giai doạn vừa qua sẽ có diễn biến không thuận lợi.

Tôi sẽ tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt về mức 30:70.

Hiện tại dòng tiền đang tập trung chính ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, các cổ phiếu có được sự quan tâm của dòng vốn ngoại nhưng việc mua đuổi sẽ chứa đựng nhiều rủi ro, bởi chúng ta khó đoán biết được động thái của khối ngoại trong ngắn hạn.

Với vùng giá, diễn biến như hiện tại, tôi cho rằng việc tìm kiếm được lợi nhuận từ các cơ hội ngắn hạn là không dễ dàng.

Theo Nguyễn Hoàng

phuongmai

VnEconomy

Trở lên trên