MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng nào cho TTCK trong 3 tháng cuối năm?

Dù TTCK thời gian qua diễn ra không thực sự tích cực nhưng trong những tháng cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố đáng để kỳ vọng.

TTCK năm 2015 đã đi được 3/4 quãng đường với những nốt thăng, trầm đầy bất ngờ. Mặc dù được kỳ vọng lớn nhưng tính tới giữa tháng 9, chỉ số VnIndex mới chỉ tăng 3,9% so với thời điểm đầu năm và điều này khiến không ít nhà đầu tư có phần thất vọng.

Có thời điểm, VnIndex đã “thăng hoa” lên mức 640 điểm, tương ứng vùng đỉnh cũ của năm 2014 nhưng những nhịp điều chỉnh sâu, đầy bất ngờ đã lấy đi hết những thành quả đã đạt được.

Đặc biệt trong quãng thời gian “đen tối” với TTCK Việt Nam là tháng 5 dương lịch và tháng 7 âm lịch, những thông tin không mấy tích cực đồng loạt xuất hiện cùng với yếu tố tâm lý đã khiến thị trường có những phiên sụt giảm rất mạnh. Tuy vậy cho đến lúc này thị trường đã có sự hồi phục trở lại sau những phản ứng có phần thái quá trước đó.

VnIndex biến động mạnh trong năm 2015
VnIndex biến động mạnh trong năm 2015

Rủi ro vẫn còn tiềm ẩn

Mặc dù VnIndex đã mau chóng phục hồi lên vùng 570 điểm sau khi rơi xuống vùng đáy sự kiện Biển Đông (510 điểm) nhưng TTCK Việt Nam lúc này vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Yếu tố được quan tâm nhất vào lúc này là FED sẽ có cuộc họp vào 17/9 tới đây bàn về việc có nâng lãi suất hay không? Nếu động thái nâng lãi suất được đưa ra, điều mà nhiều nhà đầu tư quan ngại nhất là dòng vốn sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

Trong hơn 1 tháng qua, việc Trung Quốc liên tục phá giá NDT cùng với lo ngại khả năng FED sẽ nâng lãi suất đã khiến khối ngoại bán ròng khá mạnh. Tiêu biểu có thể kể tới Market Vector Vietnam ETF (V.N.M ETF) khi lượng vốn rút khỏi quỹ trong hơn 1 tháng qua xấp xỉ 50 triệu USD.

V.N.M ETF rút ròng xấp xỉ 50 triệu USD trong hơn 1 tháng
V.N.M ETF rút ròng xấp xỉ 50 triệu USD trong hơn 1 tháng

Bên cạnh đó, khi mà thời điểm công bố BCTC quý 3 chưa đến, thị trường đang đối mặt với khoảng trống thông tin hỗ trợ. Những yếu tố này phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên e ngại và khiến thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể trong thời gian qua.

Kỳ vọng gì cho 3 tháng cuối năm?

Dù TTCK thời gian qua diễn ra không thực sự tích cực nhưng trong những tháng cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố đáng để kỳ vọng.

Đầu tiên là việc FED không chắc chắn sẽ nâng lãi suất ngay trong lần họp tới đây, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vừa phá giá liên tiếp đồng NDT. Khảo sát từ Reuters cho biết chỉ 55% người được phỏng vấn tin tưởng vào việc FED sẽ nâng lãi suất trong năm 2015.

Theo nhận định từ nhiều chuyên giá trên thị trường, ngay cả trong trường hợp FED nâng lãi suất thì tác động tới TTCK Việt Nam cũng sẽ diễn ra không quá mạnh bởi nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn tâm lý và việc sụt giảm mạnh cuối tháng 8 phần nào đã phản ánh trước yếu tố này.

Chung quan điểm, CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá nỗi sợ hãi về triển vọng kinh tế toàn cầu đã được chiết khấu vào tâm lý nhà đầu tư trong đợt sụt giảm vừa qua của thị trường.

Ngoài ra, theo tính toán của Bloomberg, P/E của Việt Nam lúc này vào khoảng hơn 11 lần, rẻ hơn đáng kể so với các thị trường trong khu vực như Singapore (13 lần), Thái Lan (17 lần), Indonexia (22 lần), Philippines (19 lần)… cũng là yếu tố hấp dẫn dòng vốn khối ngoại.

Trong tháng 8, hiệp định TPP đã không diễn ra thành công như mong đợi, tuy nhiên vòng đàm phán sẽ được nối lại trong tháng này và câu chuyện ký kết có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một thông tin quan trong nữa là Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2015 từ mức 6,2% lên 6,4% cho thấy nền kinh tế nhìn chung vẫn đang ổn định theo chiều hướng tích cực.

Bên cạnh những tác động chung từ thế giới, những yếu tố nội tại của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế mới là điều quan trọng nhất thúc đẩy sự tăng trưởng của TTCK và việc GDP được dự báo vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định sẽ là tiền đề cho sự hồi phục của TTCK trong những tháng cuối năm 2015.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên