MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Lái tàu”, anh là ai?

Thị trường chứng khoán (TTCK) có lúc thăng lúc trầm nhưng luôn có một nhóm đầu tư đặc biệt, làm nhiệm vụ hết sức quan trọng là tạo ra những con sóng cho các nhà đầu tư (NĐT) khác giao dịch.

Họ được gọi bởi cái tên rất lạ: “Đội lái”. Vậy “đội lái”, họ là ai? Tiền tệ - Đầu tư sẽ cung cấp một góc nhìn thú vị về nghề đặc biệt này trên TTCK.

Đẳng cấp của lái

Từng là một trưởng phòng đầu tư rồi trưởng phòng phân tích, quản lý danh mục đầu tư cho nhiều Công ty chứng khoán (CTCK), anh Nguyễn H cho biết NĐT trên TTCK được phân ra nhiều hạng.

Tự nhận mình là “tôm tép” nhưng có quen biết với các “lái tàu”, anh xếp thứ hạng các NĐT dựa vào tiềm lực tài chính, khả năng tiếp cận thông tin, mức độ bắt tay với doanh nghiệp (DN) và sự khôn ngoan của NĐT.

“Có thể hình tượng thứ bậc sẽ như những con thú sống trong tự nhiên với quy luật lớn ăn thịt nhỏ. Từ chó nhà, đến chó sói, sư tử, khủng long và thậm chí còn hơn khủng long. Đấy là những người không bao giờ xuất hiện” - anh hài hước nói.

Với kinh nghiệm bản thân để tạm coi là sư tử, cá mập trên thị trường thì đó phải là NĐT hay nhóm NĐT có tiềm lực tài chính tầm 100 tỉ đồng trở lên. Họ phải tiếp cận và bắt tay được với DN. Đến khi mối quan hệ đủ khăng khít, chủ DN đồng ý hợp tác, điều kiện vĩ mô, thị trường cho phép thì kế hoạch “lái tàu” mới chính thức được triển khai.

Tuy nhiên để tàu đi đúng hướng, đúng tốc độ không hề dễ dàng. Vì mỗi khi có tàu nào có lái xuất hiện sẽ nhận được sự quan tâm, chú ý của nhiều người sẵn sàng đu theo. Nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra khi tàu chạy.

Anh chia sẻ: “Có một lần mình nhảy theo tàu, chỉ định là NĐT đu theo ăn sóng, cũng mua mua bán bán ôm hàng. Cuối cùng phát hiện ra mình còn nhiều hàng hơn cả thằng lái chính. Thế là thành lái chính bất đắc dĩ luôn. May mà lần đó thị trường tốt, thoát ra được không thì thành đổ vỏ chứ chẳng còn “lái tàu”.

Vì vậy các “lái tàu” cũng phải biết lựa chọn đối tượng để câu kéo và thường là những NĐT hay nhóm NĐT có tiền, nhưng khả năng tiếp cận thông tin DN hạn chế.

Để nhử các NĐT, mỗi “lái” có những bài khác nhau và không ai giống ai. Tùy theo loại CP nhưng chủ yếu vẫn thông qua diễn biến giao dịch và thông tin DN bao gồm chính thống, tin đồn qua diễn đàn hay mạng xã hội. Tất cả đều nằm trong kịch bản “lái tàu” lập ra từ trước.

Thế nào là chuyên nghiệp?

Như nhiều người suy nghĩ về hình ảnh của NĐT chuyên nghiệp là người bám sàn giao dịch cả ngày, thu nhập chính từ kinh doanh CK, nhưng với anh H thì đó không hẳn là NĐT chuyên nghiệp.

“Có lẽ cụm từ chuyên nghiệp hơi xa vời với TTCK Việt Nam. Chúng ta nên phân biệt NĐT thông minh và những NĐT thông thường”- anh nói.

Theo anh cho rằng những NĐT “có nguồn tiền lớn, có khả năng tạo sóng cho thị trường và nhiệm vụ chính là phân phối CP càng nhiều càng tốt” mới là những NĐT chuyên nghiệp.

Họ chuyên nghiệp ở mọi khâu của TTCK, theo CP từ khi chưa niêm yết đến khi đưa lên sàn giao dịch, sang tay cho NĐT khác. Họ kiểm soát, giữ cho chỉ số chính TTCK có nhịp điệu nhất định tùy theo diễn biến vĩ mô. Họ còn có tên khác là nhà tạo lập thị trường.

Cũng có những NĐT cá nhân có kỷ luật, kế hoạch giao dịch rất bài bản thì tên gọi hợp lý với họ là “trader thông minh”. Số này trên thị trường rất ít.

Đã có không ít trường hợp các chuyên gia phân tích của các CTCK đưa ra nhận định thị trường một cách khách quan, nhưng theo ý đồ nhà tạo lập bởi thông tin, chỉ báo phân tích do nhà tạo lập đưa ra.

Chưa kể với các “lái tàu” rất sợ bị bắt bài nên mỗi phi vụ lái tàu sẽ có bài khác nhau. Có khi tin tốt ra để bán nhưng cũng có lúc tin tốt ra lái vẫn đẩy CP lên với hàm ý tin tốt ra thì tăng điểm. Vì thế tín hiệu của phân tích kỹ thuật luôn “hư hư, thực thực” với NĐT.

Vì vậy anh H khuyến nghị các NĐT hãy giao dịch với tần suất vừa phải, bởi “giao dịch thường xuyên hằng ngày là việc làm của người thất bại”. Nếu kinh tế vĩ mô tốt, DN kinh doanh mở rộng tăng trưởng cùng với tín hiệu kỹ thuật cho xu thế lên thì hãy mua CP. Còn nếu phân tích cơ bản và kỹ thuật ngược chiều nhau thì hãy cẩn thận.

“Đấy chỉ là những kinh nghiệm của cá nhân. Còn thị trường như sàn diễn có đầy đủ từ đạo diễn, diễn viên, người lo trang phục, hóa trang. Ở đó người biết thì không nói, còn người nói thường không biết” - anh kết luận.

Theo Thanh Hải

thanhhuong

Lao động

Trở lên trên