MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng dịch chuyển tài khoản từ CTCK yếu sang CTCK khỏe

Một số CTCK gặp khó khăn về thanh khoản và liên tục không trả đúng hạn Quỹ hỗ trợ thanh toán của Trung tâm lưu ký như GBS hay TAS đã làm cho niềm tin của NĐT vào các CTCK nhỏ bắt đầu lung lay.

Năm 2012, có 7 CTCK rút nghiệp vụ môi giới, có một số công ty bị bắt buộc rút nghiệp vụ môi giới như CTCK SME, Hà Nội, Trường Sơn nhưng bên cạnh đó vẫn có một số CTCK tự nguyện xin rút nghiệp vụ môi giới để cắt giảm chi phí khi thị trường ngày càng khó khăn như CTCK Âu Việt hay CTCK Sao Việt, Đông Dương.

Miếng bánh môi giới đang ngày càng thu hẹp và khoảng cách giữa nhóm CTCK mạnh và yếu đang ngày càng tăng dần. 10 CTCK trong top 10 môi giới chiếm 60% thị phần của cả thị trường và có rất nhiều CTCK nhỏ đang lâm vào cảnh “bi đát” khi nguồn thu không đủ chi.

Một số CTCK gặp khó khăn về thanh khoản và liên tục không trả đúng hạn Quỹ hỗ trợ thanh toán của Trung tâm lưu ký như CTCK Golden Brigde hay Tràng An đã làm cho niềm tin của NĐT vào các CTCK nhỏ bắt đầu lung lay.

Trong nửa cuối năm 2012 đã có sự dịch chuyển tài khoản của các NĐT từ các CTCK nhỏ về các CTCK lớn. Ngoài việc các CTCK lớn có nguồn vốn cung cấp các dịch vụ margin tốt hơn, dịch vụ tốt hơn, việc các CTCK nhỏ đóng cửa môi giới hay bị đình chỉ giao dịch – như trường hợp của Golden Brigde cũng khiến các khách hàng ruột của các công ty này đành “dứt áo ra đi”.

Theo một con số thống kê cho thấy trong quý 3/2012, số tài khoản mở mới ở tại CTCK FPTS ở mức 200 tài khoản/tuần. Tính riêng trong quý III, FPTS có thêm 2510 tài khoản mới. Tổng TK đến hết 30/9/2012 là 74.175 tài khoản. Các tài khoản mới chủ yếu là của các NĐT chuyển về từ Cty chứng khoán Tràng An; Chứng khoán Golden Bridge và một số công ty CK khác như Âu Việt, Sao Việt ….

Quan sát thấy tại các CTCK khác như VNDS, SSI, HSC, Bảo Việt, số tài khoản mới cũng tăng khá do làn sóng dịch chuyển từ phía các CTCK nhỏ.

Một lý do khác khiến các nhà đầu tư “dứt áo ra đi” đó là tại một số CTCK có tình trạng lạm dụng tài khoản nhà đầu tư để cho khách hàng bán cổ phiếu, thậm chí ở chứng khoán Tràng An nhiều NĐT còn phàn nàn về việc tài khoản tiền của họ “không cánh mà bay”.

Chọn mặt gửi vàng

Một lời khuyên cho các NĐT khi lựa chọn CTCK để “chọn mặt gửi vàng” đó là nên lựa chọn các CTCK có tiềm lực tài chính mạnh. Không chỉ đơn thuần về việc cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ, CTCK có tiềm lực tài chính mạnh sẽ không phải vướng vào cảnh nợ nần hay bị “treo” giao dịch đột ngột vì vi phạm nghĩa vụ thanh toán với trung tâm lưu ký.

Tiếp theo là CTCK có hệ thống công nghệ hiện đại. Giao dịch thông sàn hiện nay đã khiến các lệnh khớp được đẩy nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên nhà đầu tư còn sử dụng các dịch vụ khác như chuyển tiền, ứng trước tiền, đặt lệnh online…khi sử dụng tại các CTCK có công nghệ cao nhà đầu tư sẽ đỡ mất thời gian hơn rất nhiều khi chỉ cần ở nhà nhấn chuột mà không phải đến trực tiếp công ty.

Thứ ba, nên chọn các CTCK có lai lịch “sạch”. Không phải cứ chọn CTCK lớn là tốt bởi rõ ràng ngay tại các CTCK lớn không phải lúc nào đạo đức kinh doanh của nhân viên cũng được kiểm soát chặt chẽ và do đó rất có thể một ngày đẹp trời nhà đầu tư sẽ phát hiện chứng khoán của mình không cánh mà bay. Điều cần thiết đối với nhà đầu tư đó là không nên dựa dẫm hoàn toàn vào nhân viên môi giới và phải lên tiếng tố giác nếu như bị vi phạm quyền lợi.

Thứ tư, CTCK phải tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư với tài khoản tiền và chứng khoán của công ty.

Quá trình thanh lọc CTCK đang được đẩy nhanh khi UBCK đã ban hành các chế tài cho các CTCK không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính và bị kiểm soát đặc biệt. Nhưng cho tới lúc quá trình này kết thúc, nhà đầu tư vẫn phải bảo vệ mình trước bằng cách nói không với bán khống và lựa chọn CTCK tốt để đặt tài khoản của mình.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên